8 giờ căng thẳng ca mổ vỡ tim hi hữu

Sức khỏeThứ Năm, 07/04/2011 06:31:00 +07:00

(VTC News) – Khi thấy quả tim to gấp 3, 4 lần, các dây chằng van tim đứt đoạn, toàn bộ vách liên thất đều bị vỡ, vỡ nhĩ trái… các bác sĩ đều sốc, choáng.

(VTC News) – Chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ tim, nhưng khi mổ hở, thấy quả tim to gấp 3, 4 lần, bầm dập, các dây chằng van tim đứt đoạn, toàn bộ vách liên thất đều bị vỡ, vỡ nhĩ trái… khiến các bác sĩ sốc, choáng và khó khăn khi quyết định có đi tiếp ca phẫu thuật hay không.

Lần đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức, và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, một ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim nặng, đã thành công. Ngày 4/4, sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân Nguyễn Văn H. ra viện. Trước đó, ngày 17/2, trong lúc lao động anh H. bất ngờ bị máy cẩu đập mạnh vào ngực khiến nạn nhân bất tỉnh. Cú va đập mạnh khiến tim nạn nhân gần như vỡ đôi, bên trong tim nhiều chỗ dập nát. PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực BV Việt Đức, người trực tiếp mổ ca mổ, đã kể lại 8h đồng hồ căng thẳng, đem lại sự sống cho bệnh nhân may mắn này.

- Thưa PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, mổ để vá lại những quả tim bị vỡ không còn là các ca phẫu thuật mới mẻ ở đây. Thế nhưng với bệnh nhân Nguyễn Văn H, mức độ tổn thương của tim như thế nào đã khiến các bác sĩ phải sốc, choáng?

Bệnh nhân H đã phục hồi và ra viện sau một ca đại phẫu thuật. Ảnh do BS cung cấp. 

Sau khi nghe chẩn đoán của các bác sĩ trên đường chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đoán ngay là bệnh nhân bị vỡ tim khi anh em bảo bị gầu xúc đập vào giữa ngực, sau đó đau ngực, khó thở, siêu âm thì có dịch màng tim, áp lực tĩnh mạch trung ương cao…

Khi bệnh nhân đến, thời gian di chuyển dài, tụt huyết áp, hôn mê, chấn thương phổi nên chúng tôi xác định phải mổ ngay và phải mổ tim hở.

Lúc trước mổ chúng tôi đã dự đoán bệnh nhân vỡ tim phần nào đó, chỗ bám của phần van 2 lá, 3 lá có thể đứt rời ra, 1 buồng tim có thể vỡ ra nhưng không lớn lắm. Đoán là thế, nhưng khi mở ra thì ai cũng bị sốc, choáng vì tim tổn thương rất nặng. Quả tim bị sưng to ra gấp 3, 4 lần bình thường. Khi làm ngừng tuần hoàn, mở quả tim ra thì tất cả thầy thuốc sốc lần nữa vì tổn thương ghê quá. Toàn bộ vách liên thất đều bị vỡ toác thành 2 đường (các vách liên thất chiếm 50% chu vi quả tim), các tổ chức xung quanh đó dập nát; Hai dây chằng van tim 2 lá, 3 lá đứt rời ra, vỡ nhĩ trái. Tỉ lệ chết của các ca mổ tim hở luôn trên 90% nhưng với bệnh nhân này, còn cao hơn nữa với tổn thương khủng khiếp, toàn bộ.

Vậy lý do gì để các bác sĩ đi tiếp ca mổ này?

Đúng là ngay từ đầu, chúng tôi cũng xác định, không chỉ tỉ lệ rủi ro khi mổ tim hở là rất cao mà còn chi phí phẫu thuật và hậu phẫu cũng rất lớn. Giá cho 1 ca mổ tim bình thường đã là 50-70 triệu đồng. Còn đây, biết chắc chi phí cho ca mổ là rất lớn, và nếu có mổ được thì chi phí hậu phẫu cũng vô cùng lớn, thuốc men “tưới” vào người thì sẽ đẩy chi phí lên gấp 4, 5 lần, vài trăm triệu đồng chứ không ít. Bác sĩ trước khi mổ đã phải trao đổi với gia đình xem họ có thể chịu được mức tiền đó không, chứ về phía chuyên môn các bác sĩ sẵn sàng làm hết khả năng của mình.

Sau khi mổ ra, thấy tổn thương như vậy, chúng tôi lúc đó lại phải cân nhắc lần nữa, vì khả năng sống sót lại rất thấp, chi phí cho người bệnh lại tiếp tục nhiều lên. Nếu dừng lại thì chi phí chỉ thế, còn tiếp tục lại đội cao và khả năng sống đang bị ít dần đi. Mặc dù là bác sĩ ai cũng muốn đi đến cùng nhưng cũng phải tiên lượng xem khả năng sống của bệnh nhân ra sao vì không phải lúc nào cũng có thể đi đến đích. Tiếp tục đi thì khả năng tài chính của gia đình là sao?

Vì sao chúng tôi quyết định đi tiếp ư? Vì nhận định có thể xử lý được thương tổn này; hai là bệnh nhân trẻ quá, con còn nhỏ. Mình dừng lại là chắc chắn bệnh nhân chết. Còn đi thì còn 1, 2% cơ may sống. Trong sâu thẳm trái tim của tôi nghĩ rằng, vẫn có thể cứu được nên quyết định đi tiếp. Sau đó là vá, chèn, khâu, đưa vật liệu nhân tạo vào, sửa lại van 2 lá, 3 lá…

Giây phút hoàn thành xong việc “sửa chữa” trái tim, mọi thứ diễn ra tiếp theo như thế nào, thưa bác sĩ?

Khi sửa chữa xong, tim đập rất yếu, áp lực thấp và không hiệu quả nên chúng tôi lại một lần nữa lo bệnh nhân không qua được. Tim đập yếu phải sử dụng chạy hỗ trợ tuần hoàn. Về lâu dài, chi phí cho việc chạy máy này cũng rất kinh khủng. Lần đầu chạy là 50 triệu đồng và sau đó mỗi ngày 15 đến 20 triệu đồng mới đáp ứng được. Chi phí lớn, thương tổn nặng nên xác định, nếu dùng máy này lâu thì phải thôi, không cứu nữa. Rất may là chúng tôi có 2h hỗ trợ của máy. Cứ để máy chạy, sau 2 tiếng, phổi nhân tạo sẽ hỏng, sẽ buộc phải dừng máy. Còn 2 tiếng này, tim cứ bóp, máy cứ chạy, hỗ trợ song song.

Sau khi dùng thuốc men, hơn 1 tiếng sau, tim có dấu hiệu phục hồi, đập khỏe hơn, và sau 1 lúc tự nó có thể bóp để nuôi cơ thể được. Lúc đó rất mừng, mặc dù huyết áp rất thấp, nhưng nó vẫn đảm bảo phần nào đó nuôi cơ thể.

Lúc đó chắc kíp mổ đã có thể thở phào?

Không hề! Phải 5 đến 7 ngày hậu phẫu, tính mạng bệnh nhân vẫn rất mong manh. Do đó, chúng tôi phải để chế độ hậu phẫu tốt nhất. Sau 7 ngày chúng tôi mới cảm thấy nhẹ người đi một tí. Sau được khoảng 2 tuần mới có cảm giác yên tâm.

May mắn là các siêu âm sau đó cho những thông số tốt. Khả năng co bóp cơ tim trong giới hạn tốt; Các van tim hoạt động tốt. Nỗi lo lúc này là vách liên thất sẽ bị bục trở lại vì cơ tim hoại tử nhưng may mắn làm sao lại không xảy ra, không có dấu hiệu bục, chỉ có 1 lỗ nhỏ. Nếu bị hoại tử thì chúng tôi cũng bó tay.

Tôi cũng có hỏi đồng nghiệp một số ca như thế này nhưng bệnh nhân đều tử vong hoặc mổ ra là chết. Cái may của bệnh nhân này là, tim mặc dù tổn thương rất nặng từ phía trong, nhưng không vỡ ra ngoài. Nếu vỡ vỏ bọc ngoài của tim thì bệnh nhân chết ngay. Đó cũng là một phần may mắn của bệnh nhân này.

Hiện tại, bệnh nhân đã ra viện. Liệu cuộc sống sau này của bệnh nhân H sẽ như thế nào, thưa bác sĩ?

Bệnh nhân này hiện chưa có chỉ định can thiệp gì, ngoài việc 2 tháng đến khám lại một lần. Tất nhiên bệnh nhân không thể lao động như bình thường trước đây, chỉ được làm các việc nhẹ nhàng. Nhưng gia đình, vợ con đều rất phấn khởi.

Tôi rất vui vì có khi cả đời chỉ gặp và cứu được 1 trường hợp như thế thôi. Một trường hợp rất hi hữu. Một kỷ niệm tốt.

Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ về kỉ niệm vui trong đời này của mình.

Hiền Lê (thực hiện)

Tổng chi phí cho ca mổ này chưa thống kê chính xác, nhưng theo thống kê của gia đình bệnh nhân, chi phí rơi vào khoảng 170 triệu đồng, chỉ bằng ½ dự kiến của tôi. Ít hơn dự tính của tôi là vì van tim không phải thay. Về mặt kỹ thuật, thay van tim sẽ mổ nhanh hơn, nhưng hiệu quả sẽ không tốt. Nếu thay 2 van phải mất thêm 70 triệu đồng nữa. 

BS Nguyễn Hữu Ước
 


Bình luận
vtcnews.vn