71% NTD tin tưởng hàng Việt Nam chất lượng cao

Kinh tếThứ Sáu, 12/11/2010 01:03:00 +07:00

(VTC New) - Kết quả này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

(VTC New) - Một điều tra mới đây của Công ty tư vấn & nghiên cứu FTA VN cho thấy: 71% NTD tin vào hàng VN chất lượng cao, số lượng chủng loại mặt hàng VN trong các siêu thị chiếm tới 70 - 80%. Nhu cầu "sính ngoại" của NTD đang dần dần được thay đổi.

Nhằm mục đích đánh giá những thành quả, khó khăn, nêu cao tính chủ động và nỗ lực của doanh nghiệp, kiến nghị các chính sách để tiếp tục thực hiện cuộc vận động về lâu dài với hiệu quả cao hơn, sáng ngày 11/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, phối hợp với Báo Nhân dân, Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" (Bộ Công thương), Viện Quản lý Kinh tế TW (Bộ Kế hoạch Đầu Tư) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp BSA đã đồng tổ chức Hội nghị nhằm tổng kết cuộc vận động sau 1 năm thực hiện. 

71% NTD tin vào hàng VN chất lượng cao

Qua 1 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương - đánh giá: “Tâm lý sính ngoại của một bộ phận NTD đã có sự thay đổi. Phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… đã giúp NTD trên cả nước tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển”.

Về phía các doanh nghiệp (DN), nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều đã ý thức được ý nghĩa của chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" là một “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với NTD, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.

70 - 80% các mặt hàng trong siêu thị là hàng Việt Nam.

Theo đánh giá của bà Thoa, sản phẩm hàng hóa hiện nay đã được cải thiện đáng kể về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của NTD. Các DN cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường trong nước kết hợp phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua, từ đó từng bước thay đổi được hành vi của NTD khi lựa chọn hàng Việt.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, Bộ Kế Hoạch Đầu tư, số DN có hàng VN chất lượng cao ngày càng tăng dần lên. Nếu năm 2008 có 485 doanh nghiệp được bầu chọn thì đến giữa năm 2010, số DN được bầu chọn đã lên đến 776 trong phạm vi cả nước.

Công ty TV Plus đưa ra kết quả điều tra gần đây cho biết: Sau gần 1 năm Bộ chính trị phát động chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", đã có trên 58% NTD quan tâm đến hàng Việt (trước đây con số này chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% - theo thống kê của Tập đoàn Grey – Mỹ).
 
Kết quả thăm dò của Công ty tư vấn và nghiên cứu FTA Việt Nam cũng cho thấy, 71% NTD tin vào hàng VN chất lượng cao. Qua nhiều tháng vận động, số lượng chủng loại mặt hàng VN trong các siêu thị chiếm đến 70 – 80%. Triển vọng nếu cuộc vận động triển khai đúng hướng thì vị thế hàng Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong nước và trên thị trường Thế giới.

“Tại sao cứ hàng tốt thì xuất khẩu, còn hàng xấu thì về VN?”

Tại thị trường Việt Nam, một thực tế được các chuyên gia chỉ ra là phần lớn NTD Việt mua phải mua hàng ngoại chỉ vì hàng VN chất lượng thấp, quá đắt so với giá trị của nó hoặc không có cùng chủng loại.

Theo PGS.TS Lê Xuân Bá: Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Nhà nước phải đi đầu làm gương.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “NTD Việt sẵn sàng ủng hộ hàng Việt nhưng không phải ủng hộ bằng bất cứ giá nào”.

PGS.TS Lê Xuân Bá đưa ra ví dụ: Khi đất nước ta còn chưa phát triển, nhiều người dân chỉ có mức thu nhập trung bình. Nếu như cùng một sản phẩm với cùng giá tiền là 1 triệu đồng, hàng ngoại nếu tốt hơn, sử dụng được lâu hơn, bền hơn, mẫu mã đẹp hơn thì “chắc chắn dù yêu nước đến mấy, tôi cũng chọn hàng ngoại”.

Ngoài ra, ông Bá cũng nhấn mạnh: Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Nhà nước phải đi đầu. “Nhà nước là NTD lớn nhất ở mọi góc độ. Nếu muốn cuộc vận động này có tác dụng to lớn, nhà nước nên làm gương", theo PGS.TSLê Xuân Bá: Nếu một vị Tổng giám đốc phát biểu tại cuộc vận động người VN ủng hộ hàng VN lại diện trên mình một bộ comple mà nhìn sơ qua cũng biết là hàng hiệu nổi tiếng của Ý với giá hàng chục triệu đồng, một vị khác lại đang sử dụng một cây viết máy đắt tiền của một hãng nổi tiếng ở Pháp thì chắc chắn khó lòng thuyết phục được NTD.

Thêm nữa, ông Bá cho rằng: Để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt thì trước tiên DN đó phải tự khẳng định được mình. "Chúng ta không thể kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt một cách chung chung, buộc mọi người phải chấp nhận mua hàng nội kém chất lượng, mẫu mã xấu, giá cao hơn hàng ngoại cùng loại được trong khi hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp thì lại đem xuất khẩu, còn hàng xấu, hàng không đạt tiêu chuẩn lại điều về thị trường nội địa” ,ông Bá thắc mắc.

Thậm chí, ông Bá cũng bày tỏ: Ngay cả khái niệm “thế nào là hàng Việt Nam?” hiện nay cũng chưa có một quy chuẩn chính xác. “Nếu không làm rõ khái niệm này thì cũng rất khó để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng dân Việt”. Hiện tại có 3 cách hiểu khác nhau: Có người cho rằng, hàng VN là hàng hóa có mặt trên thị trường Việt Nam. Một nhóm người khác thì lại đinh ninh: Hàng VN là hàng hóa do những người VN, công dân VN, doanh nghiệp VN sản xuất. Còn nhóm thứ 3 quan niệm: Đó là hàng hóa sản xuất tại VN (Made in Vietnam), có thể do người VN hoặc DN nước ngoài nhưng đang sinh sống ở VN sản xuất.

DN phải tự làm mới mình


Qua khảo sát, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch đầu tư đã  đưa ra kết luận: Tại VN đang hình thành thế hệ khách hàng có sở thích mua sắm ngày càng“sành điệu”. Tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ này ở VN hiện nay là 70%, trong khi đó Singapore là 55,9%, Malaysia 58,2%, Thái Lan 67,7%. Hơn nữa, Việt Nam cũng là cửa ngõ để dẫn vào các thị trường Đông Nam Á.

Quần áo "Made in Vietnam" được nhiều NTD đón nhận, tuy nhiên, thực chất đây là hàng sản xuất với mục đích xuất khẩu nhưng lỗi mốt, có sự cố về kỹ thuật nên tồn đọng, đẩy lại về VN.

Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho biết: Những đánh giá của các tổ chức quốc tế về chính sách phát triển thị trường nội địa VN cho thấy niềm tin tiêu dùng của dân cư VN đang rất khả quan. Theo đánh giá của Tập đoàn quốc tế Master Card thực hiện khảo sát trong tháng 10 và tháng 11/2009, trên cơ sở ý kiến phản hồi của 10.623 NTD tiến hành ở 24 nền kinh tế toàn cầu thì Chỉ số niềm tin tiêu dùng của VN có mức phục hồi cao nhất, dẫn đầu ở mức 90% bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tầng lớp NTD trẻ cũng như NTD có thu nhập cao tăng lên, thúc đẩy hoạt động bán lẻ cáo cấp, điều đó cho thấy sự phát triển khá lạc quan của các DN bán lẻ VN.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là: Nhiều trường hợp hàng “Made in Vietnam”, giá cả phải chăng thì không bán được hàng nhưng khi gắn nhãn mác thương hiệu nổi tiếng khác thì lại bán rất “chạy”. Từ thực trạng trên, ông Bá nhắn nhủ với các DN: Nếu muốn tồn tại trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, phải đổi mới công nghệ, phải có chiến lược phát triển, đôi khi là phải “lấy ngắn nuôi dài” và luôn luôn chú trọng xây dựng thương hiệu của mình.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Traphaco, cũng cùng chung quan điểm. Bà nói: "Để cuộc vận động nhanh chóng đi đến thắng lợi thì ngoài các hoạt động tuyên truyền chung trên cả nước, bản thân mỗi DN phải nỗ lực tham gia vào quá trình tuyên truyền, vận động NTD để khẳng định hình ảnh thương hiệu của mình trong tâm trí người VN". Tuy nhiên, bà Thuận cũng thừa nhận những khó khăn lớn khi cạnh tranh với các DN nước ngoài do bị hạn chế về chi phí xúc tiến thương mại.

"Chi phí này đã được điều chỉnh 1 lần từ 7% lên 10%... Theo chúng tôi, Chính phủ cần xem xét xóa bỏ hạn mức này hoặc nâng cao hơn nữa", bà Thuận kiến nghị.

Qua khảo sát thực tế, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) nhận thấy: “Khi NTD trong nước không tin sản phẩm mới của VN, thị trường tràn ngập sản phẩm mới của nước ngoài, có nghĩa là vị thế cạnh tranh của DN nước ngoài ở VN đang ngày càng có yếu tố mới từ mới sản phẩm cho tới mới dịch vụ”.

Giải thích lý do tại sao hàng hóa VN vẫn chưa có chỗ đứng trong lòng người Việt như mong muốn, bà Hạnh cũng chỉ ra một trong những điểm yếu của DN VN, so sánh sự khác biệt với DN nước ngoài như sau: “Doanh nghiệp VN khi đưa sản phẩm mới ra thị trường thường có tâm lý: “Ai mua thì mình bán, nếu người ta không mua thì mình về”, trong khi DN nước ngoài khi đưa ra một sản phẩm mới ra thị trường, luôn bắt đầu từ cuộc nghiên cứu nhu cầu tiềm ẩn của NTD, thậm chí có những nhu cầu còn chưa được NTD gọi tên".

“DN nước ngoài đưa ra sản phẩm từ nhu cầu tiềm ẩn này, quảng bá rộng rãi trên tivi, để định hướng luôn xu hướng của NTD, dẫn dắt họ đi theo định hướng của mình chứ không bị lôi theo thị trường như các DN VN”, bà Hạnh nhận xét.

 Kết quả 1 năm cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"

- Sau 1 năm, Sở Công Thương các tỉnh thành phố đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.499 tỷ đồng. Các Sở Công thương còn tiếp nhận, theo dõi 36 đợt bán hàng với 303 lượt doanh nghiệp tham gia và 505 gian hàng.

- Trung tâm BSA đã tổ chức được 53 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 734 lượt doanh nghiệp tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hơn 3.000 tiểu thương và thu hút hơn 750.000 lượt NTD đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 39 tỷ đồng.

- Sở Công thương phối hợp tổ chức 66 hội chợ, triển lãm 4.363 doanh nghiệp tham gia, với số lượng gian hàng là 9.684 gian, thu hút hơn 4 triệu lượt khách tham quan. Số lượng hội chợ, triển lãm do Sở tiếp nhận, theo dõi là 135 hội chợ, thu hút gần 9.000 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu từ các hội chợ triển lãm này ước tính đạt gần 420 tỷ đồng.

- Trong 10 tháng đầu năm 2010, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 46.130 vụ vi phạm, trong đó 9.463 vụ buôn lậu, 10.301 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 2.896 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá và 23.510 vụ vi phạm khác; với tổng số thu trên 159,1 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính trên 65 tỷ đồng, phạt và truy thu thueets gần 1,92 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 93,6 tỷ đồng.



Bài, ảnh:
Khuê Hạ


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.



Bình luận
vtcnews.vn