7 học sinh chết đuối: Ca nô cứu hộ hết xăng?

Thời sựThứ Hai, 30/12/2013 02:24:00 +07:00

Cơ quan chức năng đã dựng lại hiện trường vụ 7 học sinh chết đuối vào trưa 29/12 để điều tra và những dấu hỏi cho công tác cứu hộ cũng được đặt ra.

Cơ quan chức năng đã dựng lại hiện trường vụ 7 học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chết đuối vào trưa 29/12 để điều tra và những dấu hỏi cho công tác cứu hộ cũng được đặt ra.

Sáng nay, Công an huyện Cần Giờ phối hợp với Phòng kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM đã có mặt tại bãi biển 30/4 để dựng lại hiện trường vụ việc thương tâm kể trên.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa- Công an huyện Cần Giờ cho biết: sau khi bị sóng đánh, 5 học sinh bị đẩy về phía bờ kè lấn biển đang thi công ở cạnh bãi tắm 30/4. Hai học sinh còn lại được người dân vớt lên. Nhưng khi đưa đến Bệnh viện đa khoa Cần Giờ thì hai học sinh này đã tử vong.

 Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. 
Theo quan sát của phóng viên, ở nơi các học sinh chết đuối, lực lượng quản lý bãi tắm có cắm biển “nguy hiểm”. Ông Mai Văn Thành, người bán hải sản ở khu bãi tắm cho biết: vào trưa 29/12, sóng vỗ mạnh. Thế nên khi bơi ra xa bờ, các học sinh liền bị sóng cuốn đi.

“Thấy những cánh tay đưa lên cầu cứu, tôi liền báo cho lực lượng cứu hộ. Nhưng khi ra tới nơi, ca nô của họ bị sóng đánh tụt vào. Sau đó, các em chìm vào con sóng dữ”- ông Thành kể lại.

Cứu hộ yếu?


Trong buổi trưa 29/12, tại bãi biển 30/4, có khoảng 400 du khách và học sinh. Thế nhưng lực lượng bảo vệ và cứu hộ của bãi chỉ có vỏn vẹn… 4 người.

Chị Nguyễn Thị Hằng - bán hàng ở bãi 30/4, cho biết: khi phát hiện những cánh tay nạn nhân đưa lên cầu cứu, chị liền báo cho lực lượng cứu hộ. Thế nhưng họ ứng cứu không kịp.

“Tôi thấy mấy bảo vệ đẩy chiếc ca nô xuống biển, liền chạy tới phụ giúp thì phát hiện bánh xe chở ca nô bị hỏng”, anh Thắng ở xã Long Hòa, có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc, kể lại.
Chiếc ca nô được cho là hết xăng, hỏng bánh trước khi ra ứng cứu các nạn nhân.
Chiếc ca nô được cho là hết xăng, hỏng bánh trước khi ra ứng cứu các nạn nhân. 
Trong khi đó, anh Tý- nhân viên đội bảo vệ của Ban quản lý bãi tắm 30/4 cho biết: “Lúc đó thời tiết xấu nên ca nô ra tới nơi thì bị sóng đánh vào bờ”.

Còn ông Đinh Quang Tuấn- đội trưởng đội bảo vệ, cho rằng nhóm học sinh bị chết đuối đã bỏ qua biển báo "nguy hiểm" và những lời nhắc nhở: “Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở, thậm chí thầy cô cũng nhắc nhóm học sinh này. Nhưng các em không nghe nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc”- ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định việc cứu hộ diễn ra kịp thời?!

 
Họ mang ca nô xuống thì hết xăng, bánh của xe đẩy ca nô bị hỏng nên khi sửa xong, ca nô đẩy xuống được biển thì các em đã đuối và chìm rồi.
 
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận trưa 29/12 có khoảng 400 du khách và học sinh, trong khi lực lượng cứu hộ chỉ 4 người và một số bảo vệ của Ban quản lý bãi tắm nên kiểm tra không xuể.


“Thực tế chúng tôi đã đảm bảo an toàn cho khoảng 400 người tắm biển nơi đây. Nhưng thời tiết quá xấu khiến sự việc đáng tiếc xảy ra”- ông nói thêm.

Nhiều người dân có mặt tại thời điểm xảy ra sự cố cho biết, khi hô hoán có người chết đuối mới thấy lực lượng cứu hộ chạy đi tìm ca nô ở đâu trên nhà nghỉ.

“Họ mang ca nô xuống thì hết xăng, bánh của xe đẩy ca nô bị hỏng nên khi sửa xong, ca nô đẩy xuống được biển thì các em đã đuối và chìm rồi”- một người dân ở đây phản ứng.

Trưa nay, sau khi làm các thủ tục khám nghiệm xong, thi thể của các học sinh xấu số đã được đưa về huyện Dầu Tiếng để gia đình lo mai táng.

Theo TPO

Bình luận
vtcnews.vn