Vụ chủ quán phở - cafe Xin Chào bị khởi tố: Vì sao tòa trả hồ sơ?

Pháp luậtThứ Bảy, 23/04/2016 11:18:00 +07:00

Theo luật sư, việc tòa trả hồ sơ về các cơ quan chức năng cùng cấp có thể là động thái đình chỉ vụ án.

(VTC News) - Trước việc TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ vụ quán phở - cà phê Xin chào, luật sư Phạm Công Út đã có những đánh giá về động thái này. 

Những ngày vừa qua, vụ việc ông Nguyễn Minh Tấn (50 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị khởi tố hình sự liên quan đến hoạt động của quán phở - cà phê Xin chào đã khiến dư luận quan tâm.

Mới đây nhất, TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện Bình Chánh điều tra bổ sung một số vấn đề chưa rõ.

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, PV VTC News đã phỏng vấn luật sư Phạm Công Út (nguyên thẩm phán TAND quận 8) về việc "trả hồ sơ, điều tra bổ sung".

Theo luật sư Út, việc trả hồ sơ để "điều tra bổ sung" là động thái có khả năng đình chỉ vụ án trong thời gian sắp tới.
 Luật sư Phạm Công Út
- Thưa luật sư, ông có thể cho biết chi tiết quy trình TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ về Cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện cùng cấp đề nghị "điều tra bổ sung" theo luật là như thế nào?

Theo Luật định, việc trả hồ sơ của tòa án cho thấy cần có những vấn đề cần làm rõ, cần điều tra bổ sung.

Ngoài ra dưới Luật thì có những Quy chế phối hợp liên ngành hoặc Thông tư về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của Bộ Công an, Viện kiểm sát (VKS), Tòa án nhân dân (TAND) cùng ký, thì việc trả hồ sơ bổ sung phải có thảo luận trước và được sự đồng ý của bên nhận hồ sơ điều tra bổ sung. 

Nếu căn cứ theo Thông tư đó, có dấu hiệu bên VKS và công an nhận lại hồ sơ, như vậy một câu hỏi đặt ra "có vấn đề gì mà phải nhận lại?", trong khi họ làm rất nhanh, họ đã kết luận căn cứ pháp lý rồi, khởi tố, truy tố. Vậy trả lại để làm gì?.

Đối với vụ quán phở - cà phê Xin chào, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, việc TAND huyện Bình Chánh trả lại hồ sơ có thể nhằm đình chỉ vụ án.

- Tại sao lại đình chỉ vụ án, thưa luật sư? Dựa vào quy định nào để đình chỉ?


Có thể họ dựa theo quy định mới Bộ Luật Hình sự 2015. Cụ thể là hành vi không được quy định trong luật mới thì không được khởi tố, mặc dù ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực, nhưng luật tính từ ngày công bố 27/11/2015, Nghị quyết 109 hướng dẫn thi hành.

Trong đó, đối với trường hợp của ông Tấn là không được khởi tố thì tòa trả lại có thể không phải điều tra bổ sung mà là động thái để cho bên VKS và công an đình chỉ vụ án.

Mà đình chỉ trong trường hợp này là họ không bồi thường. Tức là, họ vịn vào quy định, do chuyển biến tình hình xã hội, tội phạm không còn nguy hiểm nữa.

Họ đình chỉ trong trường hợp này ngoài vấn đề tránh được bồi thường, thì họ cũng né tránh trách nhiệm, "giải nguy" cho những người đã ra quyết định, phê chuẩn lệnh khởi tố, truy tố vụ án.

Tôi nghĩ, xét về nội dung vụ án này thì nhiều khả năng là cơ quan tố tụng đã áp dụng pháp luật sai, vội vàng, cứng nhắc chứ không phải người dân làm sai.

- Trong cuộc họp với báo chí ngày 21/4 vừa rồi, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, vụ án này "nhỏ như móng tay", ý kiến ông thế nào?

Đúng là vậy. Nếu xét về bản chất vụ việc thì trường hợp này không lớn, phải nói là quá nhỏ. Mà đã nhỏ thì sao lại gây bão dư luận, báo chí quan tâm, khiến lãnh đạo cấp cao từ thành phố đến Trung ương phải vào cuộc? Lúc này cần xem xét bản chất vụ án có gì "lấn cấn" ở đây, có điều gì đó chưa rõ ràng, khuất tất. 

Ai đã làm cho việc nhỏ xíu như móng tay trở thành sự kiện lớn? Người dân làm gì dám. Không ai dại gì mong muốn vụ việc nhỏ mà dẫn đến phức tạp, từ dân sự chuyển sang hình sự.

Chỉ có những người nắm trong tay quyền lực mới biến chuyện "móng tay" thành chuyện "sự kiện pháp lý" đình đám, gây "bão" dư luận, báo chí tốn nhiều giấy mực.

Nếu vì động cơ cá nhân, động cơ mục đích khác như tư thù, cạnh tranh làm ăn... thì việc khởi tố, truy tố này phải xem lại không phải vì trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém mà cần phải xem lại động cơ mục đích cá nhân.

Ở đây là "truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội", tức là những ai đã ký quyết định khởi tố, phê chuẩn truy tố sai phải chịu trách nhiệm hình sự.
 Ông Nguyễn Văn Tấn chủ quán Xin Chào
- Nếu biết sai, tại sao cơ quan cấp trên của Công an huyện Bình Chánh là Công an TP lại khẳng định cho rằng "Công an huyện Bình Chánh đã làm đúng, kết luận có cơ sở, đủ căn cứ pháp lý"?


Theo Luật, thứ nhất là nhắc nhở, thứ hai là xử lý bằng biện pháp hành chính, sau đó anh vẫn ngoan cố tái phạm mới xử lý hình sự.

Còn ở đây cơ quan chức năng làm liên tục trong thời gian ngắn, mà trong thời gian chủ quán Xin Chào đang chờ đợi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì căn cứ đó là căn cứ mơ hồ.

Vấn đề nhập nhằng nữa là cơ quan chức năng xử phạt ông Tấn không có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì không thể khởi tố được.

Bởi quy định tại Điều 244, người nào không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng thì bị khởi tố.

Thế nhưng, ông Tấn chưa gây ra hậu quả gì, chính từ chỗ không biết khởi tố thế nào cho phải lý nên cơ quan chức năng mới "lùa" ông Tấn vào tội "kinh doanh trái phép".

Không thể khởi tố ông Tấn vì tội "kinh doanh trái phép", ông Tấn có giấy phép nhưng bị chậm thôi, nghĩa là ông Tấn cũng đã có đi đăng ký kinh doanh rồi.
 Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định Công an huyện Bình Chánh làm đúng, có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý khởi tố hình sự, tuy nhiên cũng có phần vội vàng, cứng nhắc của cấp dưới.
- Theo ông, việc Thủ tướng chỉ đạo dừng "hình sự hóa" vụ án này, liệu có đúng Luật?

Vụ án ông Tấn đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viện trưởng VKS tối cao, TAND tối cao quan tâm, vào cuộc đề nghị kiểm tra tính pháp lý vụ án, trên tinh thần tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thì vụ án này khả năng khó có thể đưa ra xét xử hình sự.

Ngoài ra, Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng còn yêu cầu xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm, còn nếu người kinh doanh có hành vi vi phạm thì cũng phải thông báo để dư luận được biết.

Theo quy định thì Chính phủ chỉ có thể chỉ đạo các cơ quan cấp dưới mình như Công an, UBND còn việc bên Tòa án và VKS thì do Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKS tối cao mới có quyền chỉ đạo cơ quan cấp dưới mình.

- Giả sử cơ quan chức năng tố tụng sai, ông Tấn có quyền yêu cầu bồi thường về thiệt hại vật chất lẫn tinh thần?

Ông Tấn có quyền tố cáo vụ việc, yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường về thiệt hại vật chất, tinh thần nếu chứng minh được thiệt hại, sau khi có quyết định đình chỉ vụ án.

Theo Luật, người nào bị kết luận oan sai bởi một bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền đã làm oan sai thì người đó có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết bồi thường oan sai, đồng thời yêu cầu truy tố những người kết tội oan sai.

Xin cảm ơn ông.

Video Chủ quán phở bị khởi tố hình sự: Công an TP HCM nói gì?  

Phan Cường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn