Vì sao thi hành án tử Nguyễn Đức Nghĩa kéo dài tới 4 năm?

Pháp luậtThứ Sáu, 25/07/2014 04:16:00 +07:00

Nhiều người cũng thắc mắc không hiểu sao việc thi hành án tử đối với Nguyễn Đức Nghĩa lại kéo dài tới 4 năm?

Người bị tuyên phạt án tử hình thì trong thời gian bao lâu bản án được thi hành, việc thi hành như thế nào, chôn cất tử tù ra sao...?

Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã bị thi hành án tử hình bằng phương thức tiêm thuốc độc hôm 22/7. Bên cạnh việc tiếc cho số phận một con người có tuổi trẻ, có tri thức nhưng vì những việc làm sai lầm của mình mà phải trả giá, nhiều người cũng thắc mắc không hiểu sao việc thi hành án tử đối với Nguyễn Đức Nghĩa lại kéo dài tới 4 năm. 
Vậy, người bị tuyên phạt án tử hình thì trong thời gian bao lâu bản án được thi hành? Án tử hình được thi hành như thế nào? Sau khi thi hành án, việc chôn cất tử tù được thực hiện như thế nào, do ai...? Xin trích dẫn luật và ý kiến luật sư về vấn đề này. 
Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 thì:
Điều 59. Hình thức và trình tự thi hành án tử hình
1. Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.
2. Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình; trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật hình sự.
3. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã bị thi hành án tử hình bằng phương thức tiêm thuốc độc hôm 22/7.  

4. Trình tự thi hành án tử hình được thực hiện như sau:
a) Căn cứ quyết định thi hành án tử hình và yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải người chấp hành án đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình;
b) Thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra;
c) Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình.
Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố các quyết định, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc. Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ;
d) Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng;
đ) Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng;
e) Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án cho Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục khai tử tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án;
g) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã bị thi hành án. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án;
h) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật này.
5. Chi phí cho việc tổ chức thi hành án tử hình do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Việc thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Đức Nghĩa vừa qua, có nhiều người thắc mắc vì sao thời gian đợi thi hành án kéo dài những 4 năm, từ khi Nguyễn Đức Nghĩa có bản án (năm 2010) đến nay (ngày 22/7/2014). Lý giải về việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, việc chậm trễ là do vướng mắc trong việc chuyển đổi thi hành án tử hình từ hình thức bắn sang tiêm thuốc độc và đảm bảo việc thi hành án là đúng người, đúng tội.
Theo đó, Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, Việt Nam không còn áp dụng thi hành án tử hình bắn mà thay vào đó là tiêm thuốc, tạo cho can án thi hành một cái chết nhẹ nhàng, không đau đớn.
Việc chuyển đổi sang hình thức tử hình tiêm thuốc cũng đòi hỏi cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện… khiến quá trình thực hiện còn chậm trễ.
Thêm vào đó, với những vụ án có tính chất phức tạp, nhiều tình tiết như vụ án của Nguyễn Đức Nghĩa, Tòa án cần xem xét liệu sau khi tuyên án có xuất hiện thêm tình tiết mới hay có kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đảm bảo việc thi hành án là đúng người, đúng tội.
Điểm đáng chú ý, để việc thi hành án tiêm thuốc thể hiện được sự nhân văn, nhân đạo, Tòa cũng muốn trước khi tử hình, tử tù có thời gian để nhận thức được lỗi lầm mà mình gây ra, tâm phục khẩu phục với bản án mà Tòa tuyên.
Mặc dù, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa - “sát thủ xác chết không đầu” đã khép lại, nhưng hành vi man rợ và nỗi đau mà gia đình Nguyễn Đức Nghĩa cũng như nạn nhân Nguyễn Phương Linh phải chịu đựng khi mất đi đứa con, niềm hy vọng của gia đình sẽ còn để lại nhiều dư âm trong dư luận.
 Ngày 17/5/2010, tại tầng thượng, chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết. Rùng rợn hơn khi đầu và 10 ngón tay nạn nhân đã không còn. Hung thủ bị bắt sau 1 ngày điều tra, đó là Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng).                                              Nạn nhân là Nguyễn Phương Linh (SN 1984, người yêu cũ của Nghĩa). Trước tòa, Nghĩa khai đã giết, cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay nạn nhân rồi cho vào túi nilon ném xuống một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh. Mục đích giết người của Nghĩa là để cướp tài sản. Tòa đã tuyên án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa.                                                      Nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn được nhắc đến vì mức độ man rợ của Nghĩa. Hành vi của sát thủ này đã phải trả giá. Chiều 22/7/2014, tại Trại giam Hà Nội, Hội đồng thi hành án, TAND Tối cao đã thi hành án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa bằng hình thức tiêm thuốc độc.
» Nguyễn Đức Nghĩa có biểu hiện lạ trước ngày bị tử hình
» Nguyễn Đức Nghĩa nhắc đến hai thiếu nữ từng yêu
» Tiêm thuốc độc tử hình Nguyễn Đức Nghĩa
Theo Kienthuc.vn
Bình luận
vtcnews.vn