Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Dương Tự Trọng

Pháp luậtThứ Năm, 22/05/2014 04:00:00 +07:00

(VTC News) - Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Dương Tự Trọng.

(VTC News) - Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Dương Tự Trọng.

Tại phiên xét xử phúc thẩm chiều nay, đại diện Viện Kiểm sát đã nghị chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng. Riêng kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Minh Tuấn đã bị đề nghị bác bỏ.
Nhắc lại hồ sơ truy tố, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu; Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che dấu hànhh vi phạm tội. 
Đáng chú ý, trong quá trình bỏ trốn, nhằm tránh bị cơ quan điều tra phát hiện, các đối tượng đã nghĩ ra cách dùng “mật danh” để gọi tên, liên lạc.
 Dương Tự Trọng được VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt.
Hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn của Dương Tự Trọng và các đồng phạm nói trên đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines.
Vụ việc này còn tao ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng đến uý tín của ngành công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung.
Đối với Dương Tự Trọng, bị cáo là người có vai chính, cầm đầu trong việc đưa Dũng bỏ trốn. Trọng đã chỉ đạo và giao cho Vũ Tiến Sơn cùng các bị can trong vụ án này và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn sang Campuchia. Trong quá trình điều tra, Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 
Viện Kiểm sát Tối cao nhận định, Trọng là cán bộ công an, công tác nhiều năm trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, nhưng khi biết Dương Chí Dũng có ý định trốn đi nước ngoài, Trọng lại không giữ vững lập trường.

Thay vào đó đã chỉ đạo một số đối tượng khác tổ chức cho Dũng bỏ trốn. Ngoài ra, Trọng còn cung cấp điện thoại, tiền cho Dũng sống tại Campuchia.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Trọng lại không thành khẩn, tỏ ra ngoan cố, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, sau đó, Dương Tự Trọng đã có đơn xin nhận tội. Tại phiên tòa hôm nay đã thành khẩn khai báo, bởi vậy, VKS Tối cao coi đây là một cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
"Dũng Bắc Cạn" cũng được đề nghị giảm nhẹ hình phạt so với án 8 năm tại phiên sơ thẩm.
Đối với Vũ Tiến Sơn, trên cơ sở đề nghị của Dương Tự Trọng, Sơn đã đứng ra chỉ đạo, là mắt xích quan trọng trong việc tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Sơn đã 2 lần nhận tiền của Trọng để giao cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mang sang Campuchia cho Dũng.
Bởi vậy, VKS Tối cao nhận định, HĐXX sơ thẩm tuyên Sơn mức độ hình phạt thấp hơn Trọng và cao hơn các đối tượng còn lại là hợp lý.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã thành khẩn trong quá trình điều tra và xét xử vụ án. Động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm, quan hệ cấp trên cấp dưới, không vụ lợi cá nhân. Bản thân bị cáo Sơn có nhiều thành tích, nhân thân tốt, phạm tội cấp trên cấp dưới...Bởi vậy, VKS nhận thấy kháng cáo là có cơ sở, giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Đối với Đồng Xuân Phong, bị cáo đã chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia cho Dương Chí Dũng. Phong còn mua vé máy bay để đưa Dương Chí Dũng bay sang Singapore. Cùng với Phong, bị cáo Trần Văn Dũng cũng đã thống nhất phương thức đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn. 
Trần Văn Dũng chính là người đề xuất ý kiến để Dũng đi sang Campuchia theo đường tiểu ngạch, rồi làm thủ tục để Dũng tiến sâu vào thủ đô PhnômPênh. 
VKS Tối cao nhận thấy, Phong và Dũng tích cực thực hiện hành vi tổ chức cho Duơng Chí Dũng bỏ trốn. Bản thân có nhân thân xấu, đã có tiền án... Mặc dù đây không phải tình tiết tăng nặng nhưng với việc tiếp tục phạm tội, cần phải áp dụng hình phạt tương xứng.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã tuyên Phong 7 năm tù, Dũng 8 năm tù. VKS cho rằng mức hình phạt này là hơi nặng, cần xem xét giảm hình phạt, đặc biệt là đối với Trần Văn Dũng. VKS cho rằng, mức hình phạt của Dũng ngang bằng với Phong là phù hợp.
Đối với Nguyễn Trọng Ánh, được sự chỉ đạo của Sơn, Ánh đã mượn xe ô tô để cùng Thắng đưa đón Dũng từ Quảng Ninh vào TP HCM. Tại địa phận Củ Chi, Ánh lại tiếp tục đưa Dũng đi tới cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh. Như vậy, Ánh đã thực hiện xuyên suốt quá trình đưa Dũng trốn qua biên giới. 
Tuy nhiên, VKS Tối cao nhận thấy, mức án 6 năm tù đối với bị cáo Ánh tại phiên sơ thẩm là hơi nặng so với mức độ phạm tội, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đối với Phạm Minh Tuấn, Tuấn là người đến đón Dương Chí Dũng tại nhà bạn gái Trọng trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) về Quảng Ninh. Sau đó, Tuấn và Thắng đã để Dũng tại nhà ông Cường ở Quảng Ninh để chờ cơ hội trốn đi nước ngoài. Tuấn tham gia vào công đoạn đầu tiên với vai trò đồng phạm, vai trò thấp nhất trọng vụ án. Tòa sơ thẩm đã áp dụng các điều khoản giảm nhẹ hình phạt, tuyên bị cáo 5 năm tù.
VKS Tối cáo nhận thấy mức án trên là hơi nặng. Nhưng do hôm nay Phạm Minh Tuấn kháng cáo kêu oan nên tòa không đề cập tới việc giảm án mà tập trung làm rõ bị cáo có bị oan hay không.
Đại diện VKS Tối cao cho rằng, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là vụ việc nghiệm trọng, được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng Tuấn lại khai không hề biết gì về vụ việc, không biết gì tới công việc của Dương Chí Dũng. Điều này là không có cơ sở. 
Bên cạnh đó, Tuấn được Dương Tự Trọng nhờ đi đón Dương Chí Dũng tại nhà bạn gái Trọng. Nhà bạn gái Trọng chỉ có Tuấn là bạn thân mới biết. Chính bạn gái Trọng đã xác nhận điều này với cơ quan điều tra.
Mặc dù khai không biết mình đang đưa Dũng đi bỏ trốn, nhưng việc đưa đón Dũng lại có nhiều yếu tố bất thường như vào ban đêm, Dũng đội mũ che mặt, đi nhanh...Những dấu hiệu này cho thấy phải có việc gì đó bất thường. Nhưng Tuấn lại nói không biết, không hỏi Trọng.
Tuấn cho rằng là bạn bè với Trọng, coi Trọng như anh em nên Trọng nhờ gì thì giúp đấy. Điều đó cho thấy, Trọng nhờ gì thì Tuấn cũng làm theo bất chấp đó là vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, đại diện VKS Tối cáo nhận xét bản án sơ thẩm đối với Tuấn là đúng người, đúng tội, không oan. VKS Tối cáo đề nghị bác đơn kháng cáo, kêu oan của Phạm Minh Tuấn.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn