Đại án tham nhũng tại ALC II: Phạm tội vì mang ơn

Pháp luậtThứ Ba, 12/11/2013 06:28:00 +07:00

(VTC News) – Lê Văn Phong cho rằng, vì mang ơn bị cáo Hảo nên mới ‘nhắm mắt’ kí đại hợp đồng khống như Hảo yêu cầu, tạo điều kiện cho Hảo rút tiền Nhà nước.

(VTC News) – Lê Văn Phong cho rằng, vì mang ơn bị cáo Hảo nên mới ‘nhắm mắt’ kí đại hợp đồng khống như Hảo yêu cầu, tạo điều kiện cho Hảo rút tiền Nhà nước.

Sáng 12/11, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) tiếp tục với phần bào chữa cho 11 bị cáo của các luật sư.

Vì mang ơn, kí đại hợp đồng khống

Bị vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án từ 8 – 10 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Lê Văn Phong (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàm Rồng) cho rằng: Chính vì đang mang ơn bị cáo Vũ Quốc Hảo (bị đề nghị mức án tử hình, nguyên Tổng Giám đốc ALC II) nên đã ‘nhắm mắt’ ký khống hợp đồng theo sự đề nghị của Hảo, tạo điều kiện thuận lợi cho Hảo rút ruột tiền của ngân sách Nhà nước.

Thừa nhận điều này trước tòa, Phong khai do trước đây, Hảo đã vay của ông Lê Đoàn Tám 60 tỷ đồng để đầu tư vào dự án của công ty do Phong làm người đứng đầu. Thế nhưng, khi đến kì hạn cần phải trả tiền, mà Phong thì vẫn chưa có đủ số tiền để trả, nên Hảo phải đứng ra nhận nợ với ông Tám.

tham nhũng, ALC II, rút tiền.
Trong suốt khoảng thời gian tại tòa, bị cáo Lê Văn Phong liên tục cúi mặt, né tránh cơ quan truyền thông (ảnh: N.Trinh) 
Vào tháng 2/2009, Hảo có viết giấy vay nợ của Lê Đoàn Tám 75 tỷ đồng, thì đến giữa tháng, Hảo đã gọi điện cho Phong nhờ thay mặt Công ty Hàm Rồng ký hợp đồng cho thuê tài chính, trong đó Công ty Quang Vinh là nhà cung ứng để rút tiền thanh toán các khoản nợ xấu, nợ đã quá hạn, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa ALC II.

Lê Văn Phong khẳng định: Chỉ vì mình đang chịu ơn Hảo, nên đã tham gia vào việc ký hợp đồng khống, chứ hoàn toàn không biết việc này vi phạm pháp luật. Chỉ đến khi các cán bộ điều tra tới làm việc, Phong mới biết việc này là sai.

Đồng thời, Phong cũng cho rằng, mình không được hưởng lợi bất cứ điều gì từ việc này.

tham nhũng, rút tiền, ALC II.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo và toàn bộ các bị cáo tại phiên tòa (ảnh: N.Trinh) 
Theo cáo trạng của cơ quan công tố, hợp đồng cho thuê tài chính mà Hàm Rồng kí với ALC II đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 13,5 tỷ đồng, nên với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của đơn vị, Lê Văn Phong phải là người chịu trách nhiệm liên đới đối với việc thất thoát tiền.

Trước đó, trong phần bào chữa cho Vũ Quốc Hảo tại phiên tòa, các luật sư đề nghị tòa tuyên Vũ Quốc Hảo không phạm tội ‘Tham ô tài sản’, và mức án tử hình là quá nặng. Bởi lẽ, theo các luật sư, hợp đồng cho thuê tài chính giữa ALC II và các Công ty đối tác, nếu họ không trả tiền thì có thể kiện họ ra tòa, dân sự.

Cùng lúc, các luật sư đã chỉ ra Hảo có nhiều năm cống hiến cho ngành ngân hàng, thành khẩn nhận tội, gia đình có nhiều công lao với cách mạng, nên cần thiết áp dụng các hình thức giảm nhẹ hình phạt.

Tử hình là đúng pháp luật

Vào buổi chiều cùng ngày, trong phần tranh luận lại với ý kiến bào chữa của các luật sư, đại diện giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định: Việc đề nghị mức án tử hình đối với hai bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai là đúng pháp luật.

Các công tố viên đã nêu lên những luận cứ để bác bỏ toàn bộ các ý kiến bào chữa của luật sư, giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo cáo trạng đã thực hiện.

Theo đó, Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng là có cơ sở, đủ căn cứ. Cả hai bị cáo đều có rất nhiều tình tiết khung tăng nặng, số tiền thất thoát trên thực tế là quá lớn, nên không thể giảm nhẹ hình phạt.

tham nhũng, rút tiền, ALC II.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại ALC II (Ảnh: N.Trinh) 
Các công tố viên giải thích: Các số tiền bị thiệt hại công bố tại phiên tòa đã trừ đi số tiền mà bị cáo và người thân đã nộp vào để khắc phục hậu quả, và ‘việc bòn rút tiền của ngân sách với số tiền quá lớn như vậy là hành vi phạm tội hình sự, chứ không phải dân sự như nhận định của luật sư’.

Việc Đặng Văn Hai kê khống, nâng giá trị chiếc cần cẩu từ 2 lên 5 triệu USD là hành vi ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, thông đồng với nhau để chi tiền ‘bôi trơn’ lên đến gần 1 tỷ đồng là hành vi ‘cố ý làm trái’, cấu kết với nhau ký hợp đồng khống, gây thất thoát tiền cho ngân sách lên đến hơn 531 tỷ đồng.

Các hành vi sai phạm của Đặng Văn Hai và Vũ Quốc Hảo đã được cáo trạng truy tố đúng người, đúng pháp luật, đầy đủ căn cứ cần thiết.

Bên cạnh đó, ngoài Hảo và Hai, các bị cáo còn lại cũng đã được công tố viên công bố: Căn cứ vào các hành vi phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, nên cơ quan công tố quyết định đề nghị hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt so với bản luận tội đã công bố.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ tuyên các mức án dành cho các bị cáo vào cuối tuần này, sớm hơn dự định.

Ngọc Trinh

Bình luận
vtcnews.vn