Kỳ án vườn mít, nhiều điều chưa tỏ

Pháp luậtThứ Bảy, 18/05/2013 03:15:00 +07:00

Trong phiên tòa sơ thẩm mới đây, bị cáo Lê Bá Mai bị xét xử tội 'Giết người' và 'Hiếp dâm trẻ' với mức án chung thân nhưng vụ án còn nhiều điều chưa tỏ

Trong phiên tòa sơ thẩm mới đây tại Bình Phước, bị cáo Lê Bá Mai bị xét xử tội 'Giết người' và 'Hiếp dâm trẻ' với mức án chung thân nhưng vụ án vẫn còn nhiều điều chưa tỏ.


Thứ nhất là những mâu thuẫn trong lời khai của Mai. Theo án sơ thẩm, có thể khẳng định, chứng cứ chủ yếu dùng để buộc tội là dựa vào lời khai nhận tội của chính bị cáo.

Tuy vậy, qua diễn biến phiên tòa này, còn nhiều điểm mâu thuẫn như màu sắc quần áo và các đồ vật Mai khai mang theo không giống với lời khai của các nhân chứng về người chở nạn nhân.

Điểm đặc biệt quan trọng, địa điểm Mai thực hiện hành vi phạm tội cũng chưa được làm rõ.

Bởi theo lời khai của Mai, bị cáo rủ nạn nhân đi theo hướng đến ngã ba có con mương thì rẽ trái, Mai cho xe chạy thẳng vào vườn mít và thực hiện hành vi hiếp, giết cháu bé…

Kỳ án vườn mít, nhiều điều chưa tỏ
Vào mùa mưa, con suối này luôn ngập nước nên Lê Bá Mai không thể chạy xe máy qua để thực hiện tội ác 

Nếu căn cứ theo lời khai và bản vẽ của Mai thì địa điểm giết, hiếp cháu Út so với bản vẽ hiện trường vụ án và nơi phát hiện xác nạn nhân là không trùng khớp nhau.

Ở giai đoạn sau khi hủy án, kể cả lúc có luật sư tham gia, Mai khai lại là do điều tra viên, kiểm sát viên dụ dỗ nhận tội để sớm được đưa ra xét xử.

Quá trình điều tra, CQĐT chưa lấy hết lời khai của các điều tra viên xử lý Mai cũng như chưa cho Mai đối chất với những người này để làm rõ.

Điều này là chưa khách quan và đúng luật tố tụng hình sự.

Thứ hai, ngoài việc sử dụng lời khai còn nhiều mâu thuẫn của bị cáo, án sơ thẩm còn sử dụng lời khai lại sau này của nhân chứng Hằng (người dân tộc Stiêng, lúc đó mới 9 tuổi) để buộc tội Mai.

Theo lời khai ban đầu của Hằng cũng như đơn trình báo của cha Hằng đã khẳng định, cháu chỉ thấy một người thanh niên chở Út đi chứ không nhìn rõ đó là ai…

Nhưng sau đó, Hằng lại thay đổi lời khai, từ nhìn thấy một thanh niên chưa xác định sang nhìn thấy Mai chở Út đi.

Theo lẽ thông thường, nếu đúng người thanh niên đó là Mai thì ngay từ đầu Hằng sẽ khai và nói với bố là Mai chở Út đi.

Đây cũng là điểm mà cấp sơ thẩm đã không kiểm tra, đánh giá kỹ.

Thứ ba, đây là vụ án không phải phạm tội quả tang.

Bị cáo bị bắt từ sự thay đổi lời khai mơ hồ của nhân chứng Hằng, còn lời khai nhận của bị cáo còn nhiều điểm chưa rõ, quá trình điều tra lại có nhiều vi phạm tố tụng.

Đáng lý ra, cần làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội nhưng cấp sơ thẩm chỉ tập trung vào các chứng cứ buộc tội, bỏ qua các chứng cứ gỡ tội của Mai là không đúng quy định.

Ví dụ, theo lời khai của Hằng, người thanh niên chở Út đi thẳng, qua cây cầu ván bắc qua con mương (Mai không có lời khai nhận nào trùng khớp với hướng đi của người thanh niên đó).

Tại bản vẽ hiện trường vụ án thể hiện ở hướng đi này, có vết bánh xe và dấu dép dẫn đến điểm phát hiện xác cháu Út.

Quá trình điều tra xác định được dấu dép kế bánh xe không phải của Mai.

Các nhân chứng khác còn khai vào thời điểm đó, nhiều người làm công có xe máy và mặc kiểu quần áo, đội mũ giống như người cháu Hằng mô tả chở Út.

Vậy vấn đề đặt ra là người thanh niên chở cháu Út đi, nhiều khả năng cũng là người để lại dấu bánh xe, dấu dép có phải là hung thủ hay liên quan gì đến vụ án này.




Theo Người lao động
Bình luận
vtcnews.vn