Uống 2 cốc bia bị phạt tới 15 triệu đồng

Pháp luậtThứ Hai, 03/12/2012 12:30:00 +07:00

Sắp tới CSGT các địa phương sẽ ra quân xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia rượu.

Sắp tới CSGT các địa phương sẽ ra quân xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia rượu. Thậm chí chỉ cần uống vài cốc bia, lái xe cũng có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng.

Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an cho biết đang xây dựng kế hoạch cho đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2013.

Theo thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT (C67), đây là khoảng thời gian lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng.

Chính vì thế lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm soát, xử lý những lỗi vi phạm sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, nhồi nhét hành khách...


Dự kiến đợt cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 26.12.2012 đến hết tháng 3.2013.

Tiền lương không đủ đóng phạt

Ông Sơn phân tích, Nghị định 71/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã nâng mức phạt tiền lên rất cao ở hầu hết các lỗi vi phạm được xác định là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều vụ TNGT thời gian qua.

Trong đó lỗi điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định tăng rất cao.

Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục “mật phục” tại các quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn. 

Theo đó, người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng (mức phạt trong Nghị định 34 là 200.000 - 400.000 đồng).

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.


Đối với người điều khiển ô tô, nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng; trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Nghị định 71 cũng đã đưa thêm quy định xử phạt nghiêm đối với những trường hợp chống đối, không chấp hành quy định kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Trường hợp người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thì lực lượng chức năng có thể ngay lập tức lập biên bản xử phạt mức kịch khung là 3 triệu đồng đối với xe máy và 15 triệu đối với ô tô.

Ngoài phạt tiền, lái xe quá say xỉn còn có thể bị phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe 60 ngày hoặc tước giấy phép không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng.


Một cán bộ PC67 Hà Nội cho rằng, mức phạt mới sẽ khiến nhiều người phải nghi ngại khi chọn phương tiện ra về sau mỗi cuộc nhậu. “Nhậu xong mà vẫn vô tư lái xe về nhà là có thể bị phạt với số tiền lớn hơn tiền lương cơ bản của cả tháng đi làm”, vị này nói.

“Mật phục ma men”


Thượng tá Nguyễn Kim Hải, phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông, cho biết C67 đang lên phương án trang bị thêm máy đo nồng độ cồn. Phòng CSGT các tỉnh, thành phố cũng sẽ đưa việc mua máy đo nồng độ cồn này vào kế hoạch trang thiết bị hằng năm.

Sau một thời gian triển khai thực hiện hiệu quả ở Hà Nội, C67 đã đưa chiến dịch “mật phục ma men” vào TP.HCM. Hàng loạt tổ nhóm CSGT, cảnh sát cơ động, công an được điều động để cùng phối hợp xử lý khắp ngày, đêm. Các địa điểm được “nhắm” tới ngoài các tuyến quốc lộ, cung đường đen về tai nạn còn là hệ thống nhà hàng, quán bia lớn, đông khách trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM.

Vào thời gian quán nhậu đông khách, sẽ có những chiến sĩ cảnh sát mặc thường phục với bộ đàm trên tay, túc trực cạnh quán nhậu để thông báo cho lực lượng kiểm soát công khai đứng cách đó không xa dừng xe, kiểm tra những trường hợp có biểu hiện vi phạm. Trong đợt cao điểm sắp tới, các tuyến quốc lộ, nhà hàng, quán bia vẫn sẽ nằm trong tầm ngắm phải kiểm soát của lực lượng CSGT.


Thực tế, lâu nay nhiều bác tài trước khi ngậm vào ống thở đo nồng độ cồn của CSGT còn cười bảo: “Tôi chỉ uống có 2 cốc bia làm sao vi phạm được?”. Tuy nhiên khi máy đo báo kết quả và được các CSGT cắm vào máy in ra một phiếu nhỏ thì ai cũng phải gật đầu, ký biên bản.

Cũng có người điều khiển xe máy khi kiểm tra nồng độ cồn nhiều lần vẫn chưa tới mức xử phạt thì chỉ bị CSGT nhắc nhở. Tuy nhiên theo các chiến sĩ CSGT, với thể trạng người Việt Nam, uống 2-3 cốc bia đã có thể vi phạm các mức phạt nặng theo Nghị định 71.


Thượng tá Trần Sơn cho rằng những người hay phải tiếp khách, ăn nhậu nên gửi lại xe, đi taxi về nhà để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa tránh vi phạm, bị phạt nặng.
Nghe điện thoại khi lái xe phạt 80.000 đồng
Nhiều hành vi cũng sẽ được CSGT chú ý xử phạt nghiêm trong thời gian tới. Đó là việc người điều khiển xe máy sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) bị phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng.

Người điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự bị phạt 80.000-120.000 đồng nếu không có hoặc không mang theo một trong những loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) và giấy phép lái xe.

Lỗi không mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) đối với người điều khiển ô tô bị xử phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng.

Theo Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn