Nữ sinh chết ở phòng trọ: Án tình đau đớn

Pháp luậtThứ Sáu, 04/11/2011 08:36:00 +07:00

“Chúng tôi ăn ở đến nỗi nào đâu, thế mà con gái tôi lại bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nó phải nằm lạnh lẽo bao nhiêu ngày, thân thể không nguyên vẹn..."

“Chúng tôi ăn ở đến nỗi nào đâu, ấy vậy mà con gái tôi lại bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nó phải nằm lạnh lẽo bao nhiêu ngày, thân thể nó không còn nguyên vẹn. Chồng nó đâu? Người đầu gối tay ấp với nó đâu? Mà để vợ nó ra nông nỗi này?”- Tiếng khóc của bà Lân (mẹ đẻ của Hà Thu Hiền) cứ thế nghẹn ngào.

Cảnh sát đang điều tra vụ việc. 
Đến Mộc Nam (Duy Tiên, Hà Nam) khắp trong thôn ngoài xóm đâu cũng nói đến chuyện cái chết thương tâm của cô nữ sinh Hà Thu Hiền. Nỗi đau quá lớn ấy đang đè nặng lên đôi vai gầy ông bà Chánh-Lân (bố mẹ đẻ của Hiền). Nỗi đau đó càng tăng lên bội phần khi nghi phạm lớn nhất lại là con rể. Người mà ông bà đã gửi gắm cuộc đời của đứa con gái yêu qúy của mình.

Nói dối để được yêu

Hiền tình cờ gặp Duẩn trong một lần cô đang bắt xe bus tới trường. Trong lúc cùng chờ xe, hai người đã làm quen với nhau, và họ nhanh chóng trở nên thân thiết khi phát hiện cả hai là đồng hương của nhau. Kể từ lần ấy, Duẩn chủ động xin số điện thoại của Hiền và hai người thường xuyên qua lại. Khi yêu Hiền, Duẩn nói rằng mình là con một trong một gia đình giàu có ở Nha Xá, bố là bộ đội xuất ngũ, mẹ là giáo viên. Có lần khi đi qua một ngôi nhà mặt đường, Duẩn bảo đó là một trong những ngôi nhà của gia đình Duẩn. Yêu Duẩn, Hiền ngất ngây trong hạnh phúc bởi về hình thức trông Duẩn cũng khá điển trai, đã thế lại là con nhà giàu và quan trọng là Duẩn hết mực yêu thương và chiều chuộng Hiền.

Yêu nhau được một thời gian, Hiền quyết định dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ của mình. Nhưng ngay sau khi nghe Hiền nói qua về lai lịch của người yêu, bố mẹ cô đã nảy ý nghi ngờ và cất công đi tìm hiểu. Quả đúng như những gì họ phán đoán, Duẩn không phải có bố là bộ đội xuất ngũ, mẹ cũng chả phải là giáo viên.

Mà bố mẹ Duẩn đích thực là những nông dân chân lấm tay bùn ở ngay xã kế bên. Từ hồi có mấy cái lò gạch xuất hiện thì bố mẹ Duẩn vẫn thường đến đó đóng than và phơi gạch mộc thuê. Biết được chân tướng người yêu của con gái mình, bố mẹ Hiền đã vô cùng tức giận và nhất quyết không tán thành cho Hiền tiếp tục quan hệ yêu đương với Duẩn nữa. Về phần Hiền, khi những chứng cứ bố mẹ đưa ra không thể chối cãi, lúc đó Hiền mới hay mình bị người yêu lừa gạt. Không thể chấp nhận sự giả dối của người yêu, Hiền đã hẹn gặp Duẩn và nói lời chia tay.

Trước sự việc ấy Duẩn đã van xin Hiền tha thứ, Duẩn nói tất cả cũng chỉ vì Duẩn quá yêu Hiền, không muốn mất Hiền nên mới phải bịa ra những điều ấy. Duẩn sợ nếu Hiền biết được gia cảnh thật của mình ngay từ đầu thì Hiền sẽ chê Duẩn và như thế đồng nghĩa với việc vĩnh viễn Duẩn sẽ không thể có được người mình yêu.

Cảm thương trước tấm chân tình của Duẩn, Hiền đã nghĩ lại và cố gắng thuyết phục bố mẹ mình. Thậm chí, Hiền còn bắt Duẩn về gia đình Hiền để xin lỗi bố mẹ. Vì yêu, Duẩn đã gạt bỏ mọi sĩ diện và bắt xe từ Hà Nội về Hà Nam để xin lỗi bố mẹ của Hiền.

Ban đầu, ông Chánh nhất khoát không đồng ý. Ông bảo với Duẩn rằng: “Gia đình chú không ham giàu mà chỉ quý người thật thà. Ngay từ đầu cháu đã không thật thà nên chú không tin tưởng giao con gái của chú cho cháu được ”. Trước thái độ kiên quyết của chồng, lại thấy người yêu của con gái vô cùng đau khổ, bà Lân đã mềm lòng khuyên chồng rằng: “Cháu nó đã một mình đi từ Hà Nội về đây xin lỗi. Thôi thì ông bỏ qua cho”. Cuối cùng Duẩn được tha thứ.

“Con yêu anh ấy còn chẳng hết…”

Tình yêu thương chân thành của đôi trẻ đã gạt đi mọi nghi ngờ trong đấng sinh thành. Và một đám cưới hạnh phúc đã diễn ra vào ngày 21-4-2011. Ngước đôi mắt đẫm nước lên bàn thờ để di ảnh con gái, bà Lân nói với chúng tôi: “Thú thực với anh chị, trần đời này tôi chưa từng thấy đôi nào yêu nhau, quấn quýt như hai vợ chồng nó. Tôi không nói ngoa chứ đến ăn chúng nó cũng gắp cho nhau. Nhiều khi thằng Duẩn còn cõng vợ từ ngõ vào nhà, thậm chí là từ nhà vào nhà tắm. Nhìn chúng nó hạnh phúc vợ chồng tôi thấy vui lắm! Vậy mà…”. Bà Lân bỏ lửng câu nói rồi khóc nấc lên: “Sao lại ra nông nỗi này chứ?. Con gái tôi làm gì nên tội mà người ta giết nó thê thảm thế hả giời?”.

Khuôn mặt khắc khổ và già nua hơn nhiều so với cái tuổi ngoài năm mươi, ông Chánh sang an ủi vợ rồi tiếp chuyện với chúng tôi: “Hôm đưa tang em Hiền về nhà, mấy đứa bạn Hiền kể lại là nó vẫn khoe với các bạn là được chồng yêu chiều lắm. Nó thấy rất hạnh phúc!”. Khi được hỏi về cách cử xử của cậu con rể trong cuộc sống thường ngày thì cả ông Chánh và bà Lân đều nói: “Không thể chê vào đâu được. Duẩn hiền lành và lễ phép lắm. Ăn nói thì nhỏ nhẹ, dễ nghe. Nhìn cái cách nó chiều vợ thì ai thấy cũng phải nể”.

Chả thế mà thời gian đầu khi Hiền và Duẩn đến thuê trọ, nhiều người chưa biết lại cứ tưởng đó là một cặp tình nhân “góp gạo thổi cơm chung”. Nhìn biểu hiện của hai người tình tứ và yêu nhau lắm. Nhiều khi thấy con rể nuông chiều con gái mình quá, bà Lân cứ sợ Hiền sinh hư nên vẫn thường xuyên dặn dò con rằng: “Mày đừng có được đà lấn tới mà bắt nạt nó nhé. Nó ngoan và hiền quá mẹ thấy thương”. Mỗi lần nghe mẹ nói thế, Hiền lại cười hạnh phúc bảo rằng: “Con yêu anh ấy còn chả hết mẹ lo gì con bắt nạt”.

Đêm định mệnh

Cả ông Chánh và bà Lân không bao giờ ngờ được rằng cái lần con gái trở về nhà đám cưới bạn và thăm bố mẹ vào ngày 15-10-2011 lại là lần gặp cuối cùng. Hôm đó nhìn nó còn phơi phới, rạng ngời hạnh phúc. Ông Chánh nhớ lại: “Hôm đó là ngày 15-10, hai vợ chồng nó bắt xe bus về quê cưới bạn cái Hiền. Hôm sau mới cưới nên tối hôm đó chúng nó ở lại nhà tôi ăn cơm mãi khuya mới lấy xe máy của tôi về. Sáng hôm sau khi hai vợ chồng nó quay trở lại nhà tôi thì thái độ của cả hai đứa cứ hằm hằm, không còn được vui vẻ như tối hôm trước nữa.

Thấy vậy vợ tôi mới hỏi Hiền là làm sao thì cháu nó bảo nó đang tức quá vì đêm qua nó phát hiện ra thằng Duẩn đã bán hết số vàng hồi môn mà vợ chồng tôi với vợ chồng anh trai của cái Hiền cho (khoảng năm chỉ). Thậm chí Duẩn còn bán cả năm chỉ vàng mà mẹ Hiền đưa cho Hiền cất. Thấy thế vợ chồng tôi mới khuyên Hiền là cứ bình tĩnh rồi tỉ tê hỏi chồng sau”.

Dự xong đám cưới bạn hai vợ chồng Hiền trở lại Hà Nội.

Ngày 20-10-2011, ông Chánh từ Hà Nam lên Gia Lâm (Hà Nội) cùng gia đình bốc mộ cho anh em đồng hao. Khoảng bảy giờ tối hôm đó ông Chánh gọi điện cho cả hai vợ chồng Hiền để hỏi ngày mai có thu xếp để sang đám cải cát bên Gia Lâm được không thì vợ chồng Hiền trả lời rằng có. Sáng hôm sau, khoảng tám giờ, anh trai Hiền tên là Toản gọi vào số máy của Hiền với mục địch là hỏi xem vợ chồng Hiền có đi không để vợ chồng anh ấy đợi thì Hiền không nghe máy mà Duẩn nghe. Thấy giọng Duẩn khi đó khác thường, đầy vẻ ấp úng, anh Toản đã hỏi: “Mày sao thế? Đang ngủ dở mắt à”. Khi đó Duẩn vẫn trả lời anh Toản là vợ chồng Hiền sẽ sang sau. Khoảng mười giờ sáng cùng ngày, thấy hai em mãi không sang anh Toản lại tiếp tục gọi vào số máy của Hiền. Vẫn là Duẩn nghe máy. Lần này Duẩn trả lời anh vợ là không sang được vì chiều phải đưa Hiền đi thi sớm. Và đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng mà Duẩn nghe máy cho tới khi người ta phát hiện ra thi thể vợ Duẩn ở phòng trọ đang trong thời kì phân hủy.

Suy luận của người cha mất con

Ông Chánh bảo, mất con gái đã là một sự đau đớn không gì tả hết nhưng nó còn đau đớn gấp bội phần khi nghi can số một trong vụ án này lại chính là con rể. Ông bảo, dù không muốn nghi ngờ con rể vì mọi chuyện giờ vẫn chưa sáng tỏ nhưng với những gì ông biết và thấy thì ông không thể không nghi ngờ.

Thứ nhất, buổi tối trước khi con ông hoàn toàn “biến mất” thì ông vẫn có thể liên lạc được với nó và chồng nó. Điều đó chứng tỏ tối hôm đó hai đứa vẫn ở với nhau. Điều này càng khẳng định rõ hơn khi những người bạn thân của Hiền nói rằng tối 20-10-2011, vợ chồng Hiền đã cùng với họ đi ăn và đi hát karaoke đến khoảng 22 giờ thì ai về nhà nấy. Hôm đó, đến gặp mọi người Hiền đã mặc một chiếc váy mới và khoe rằng váy đó là Duẩn mua tặng nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Bốn ngày sau đó khi có người phát hiện ra Hiền nằm chết trong phòng trọ thì trên người Hiền vẫn mặc nguyên bộ váy của tối 20-10.

Thứ hai là cuộc điện thoại của một người đàn ông không nói tên gọi đến cho bà Phạm Thị Ích (thông gia của ông). Chuyện là, buổi chiều 24-10 khi ông đang đi làm ngoài đồng thì nhận được một cuộc điện thoại của bà thông gia gọi cho ông với giọng hốt hoảng bảo rằng: “Không biết trên Hà Nội con Hiền nó bị cảm, hay làm gì phạm pháp mà bây giờ công an đang vây kín. Tôi qua nhà rồi ông lên Hà Nội cùng tôi nhé”.

Nghe vậy, ông Chánh lập tức trở về nhà ngay khi ấy ông đã kịp điện thoại cho đứa con trai cả bắt nó phải lên ngay khu nhà trọ nơi Hiền ở xem có chuyện gì xảy ra. Trong lúc ông Chánh trở về nhà chuẩn bị đồ đạc để lên thăm con thì bà thông gia cũng sang tới nơi.

Ngay lúc đó thì có cuộc điện thoại gọi tới số máy của bà Ích, bà Ích run quá không dám nghe nên đã nhờ ông Chánh nghe hộ. Vừa bấm nút nghe, chưa kịp nói gì thì đầu dây bên kia một giọng nam hối hả nói: “Thằng Duẩn đâu? Thằng Duẩn đã về nhà chưa?”. Nghe vậy, ông Chánh quát lên: “Vợ nó đang bị cảm ngoài kia, về thế nào mà về”. Bên kia giật mình bảo ông Chánh làm ơn cho gặp bà Ích ngay. Không rõ đầu dây bên kia nói gì, chỉ biết rằng sau khi nghe xong, bà Ích hét lên: “Ôí giời ơi, thế này thì tôi sống làm sao nổi?!”

Mùi nhang, tiếng bà Lân xụt xịt cộng với những cơn ho dài của ông Chánh, khiến ngôi nhà càng trở nên cám cảnh bi thương. Ông Chánh vừa ho vừa nói: “Trước khi xảy ra sự việc đau lòng, thấy con Hiền nói là thằng Duẩn đã bán hết vàng mà hai vợ chồng tích cóp…”. Bà Lân nhìn về vô định thêm lời: “Không biết có phải vì chuyện vàng bạc này không nữa?!...”.


Phong Anh (Cảnh sát toàn cầu)
Bình luận
vtcnews.vn