Uất ức 10 năm, vợ nổi điên bóp cổ chồng đến chết

Pháp luậtThứ Hai, 24/10/2011 06:21:00 +07:00

10 năm nhịn nhục, tưởng người phụ nữ tội nghiệp này đã không còn khả năng phản kháng, ai ngờ bà bỗng nổi điên cùng các con bóp cổ ông chồng đến lè lưỡi.

Suốt hơn 10 năm qua, người dân ngụ ấp Xa Xi (xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã quen thuộc với cảnh bà Nguyễn Thị Lùng (SN 1960) ngày ngày đã phải cung phụng hầu hạ chồng, mà còn bị chồng tối ngày nhiếc móc, chửi bới và hành hạ như nô lệ.
10 năm nhịn nhục, tưởng người phụ nữ tội nghiệp này đã không còn khả năng phản kháng, ai ngờ một ngày cuối tháng 8/2011 bà vợ này bỗng nổi điên cùng các con bóp cổ ông chồng đến lè lưỡi.

Hết say xỉn là tà đạo

Hơn 20 năm trước, duyên nợ đã cho bà Lùng và ông Trần Chiển (SN 1955, cùng ngụ địa chỉ nêu trên) gặp nhau, kết duyên chồng vợ và lần lượt cho ra đời 5 mặt con. Trên 5 công ruộng do cha mẹ để lại, vợ chồng bà Lùng cùng nhau canh tác. Đồng thời, bà Lùng còn trồng đan xen rau màu trên 2 công vườn dừa đem ra chợ xã bán, kiếm miếng ăn qua ngày. Thời đó, tuy không khá giả là bao nhưng tình cảm gia đình bà Lùng thì luôn luôn mặn nồng, êm ấm, khiến bà con hàng xóm ai nấy đều trầm trồ ngưỡng mộ.

Hạnh phúc nhỏ nhoi kéo dài vỏn vẹn được 10 năm thì ông Chiển bắt đầu sinh tật. Bị bạn bè rủ rê, ông Chiển bỏ bê tất cả công việc và tụ tập ăn nhậu suốt ngày. Thấy đám bạn sau khi nhậu say thường về nhà mắng chửi vợ con “ra oai”, đã không nhận ra đó là một tật vô cùng xấu, người đàn ông này còn cho rằng “thế là hay” và từ đó nổi máu gia trưởng. Mặc dù bà Lùng đã ra sức khuyên ngăn, rồi van xin nhưng chứng nào tật đó, cứ chiều chiều tối tối trở về “chân nam đá chân chiêu” trong cơn say xỉn, người chồng chẳng những không nghe lời mà còn lớn tiếng quát mắng, chửi bới, đánh đập vợ con.

Thảm kịch trong gia đình một thời gian sau đó còn tồi tệ hơn. Theo xác định của cơ quan công an, từ đầu năm 2006, ông Chiển cùng một số người khác đến từ Cần Thơ, Sóc Trăng tham gia sinh hoạt đạo trái pháp luật tại nhà một người tại xã Ngãi Xuyên, một đối tượng bất hảo từng bỏ trốn ra nước ngoài trái phép và bị bắt buộc hồi hương. Trở về, người này tự nhận mình là một “thầy đạo”, bắt đầu lôi kéo và truyền bá tín ngưỡng bậy bạ cho mọi người. Ông Chiển từ ngày theo tà đạo có cái tên là “đạo bà Sóc” này bỗng dưng không còn nhậu nhẹt nữa, nhưng có lẽ bị xúi bẩy nên máu gia trưởng mỗi lúc một tăng lên. Ông nắm hết quyền hạn, giấy tờ, tiền bạc trong nhà, không cho vợ con lấy một xu; đánh đập, chửi bới vợ con ngày một nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Lùng và con trai Trần Qui Liêm. 

Vợ con khốn khổ

Tại cơ quan điều tra, bà Lùng nức nở nhớ lại: “Ổng cấm tụi tôi không được theo đạo Phật nữa, bắt phải dẹp bỏ bàn thờ ông bà và theo đạo của ổng. Tôi phản đối quyết liệt thì bị ổng đánh bầm tím mình mẩy. 3 đứa con gái giận quá nên bỏ quê lên Sài Gòn làm thuê tới bây giờ”. Bệnh hoạn hơn nữa, bà vợ không hiểu tà đạo chồng mình theo có tuyên truyền bậy bạ đến mức nào mà ông chồng sống khép kín với mọi người. Bà con hàng xóm có bệnh hoạn, đám tiệc gì ông cũng không hỏi thăm lấy một tiếng. Thế nên bà vợ đã ấm ức, càng ấm ức hơn khi hàng xóm láng giềng ai cũng xa lánh, không muốn qua lại với gia đình bà nữa.

Không những thế, người chồng còn lôi kéo mọi người trong huyện Trà Cú gia nhập đạo và tổ chức sinh hoạt trái phép. Nhân dịp cuối năm 2008, ông tụ tập hơn 20 người đến nhà mình họp nhóm tuyên truyền đạo trái pháp luật. Sau sự việc đó, người chồng đã bị công an bắt và giáo dục dài hạn. Những tưởng ông sẽ sửa đổi nhưng chứng nào tật nấy, ông tiếp tục truyền bá đạo bất chấp sự can ngăn của vợ con.

Từ ngày ông Chiển theo đạo, ruộng vườn bị bỏ hoang, không còn ai canh tác và người chồng quái gở cũng không cho vợ canh tác. Một tay bà Lùng phải làm thuê làm mướn khắp nơi mới có tiền trang trải chi phí trong nhà. Nhịn nhục, chịu thương chịu khó là thế nhưng chưa bao giờ bà Lùng được sống một ngày không đòn roi, quở mắng. Có lần dù không làm sai chuyện gì nhưng bà cũng bị ông chồng chụp cây đèn dầu ném thẳng vào mặt gây thương tích, phải vào bệnh viện điều trị và uống thuốc cả tuần liền. Theo người trong gia đình, dù chuyện có đáng trách hay không, miễn là “chướng mắt”, ông sẵn sàng hành xác vợ con. Trong mắt ông Chiển, vợ con không theo đạo của mình, không tin vào trời thì vợ con là “ma quỷ”, không được cho ăn chung, ở chung và cần được “trừng trị”.

“Giọt nước tràn ly”

Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, cuối tháng 7/2011, bà vợ không kềm được mình nên bất chấp sợ hãi, trách móc ông Chiển không chịu làm ăn, suốt ngày chỉ lo tụ tập và truyền bá tà đạo trái phép. Nghe vậy, người chồng lên cơn giận dữ, luôn miệng mắng vợ con là “đồ ma quỷ”, tức tối đuổi bà Lùng và 2 đứa con trai là Liêm và Huy ra khỏi nhà. Bà Lùng đành ngậm ngùi cùng 2 con trở về nhà mẹ ruột mình sinh sống.

Từ ngày mẹ bà Lùng mất, ngôi nhà bị bỏ hoang, cây trái không còn gì để có thể thu hoạch được, cuộc sống túng thiếu trầm trọng. 3 mẹ con ra đi trắng tay, người chồng cho mang theo bất kỳ 1 hột gạo, 1 đồng tiền nào nên mẹ con đành phải hái rau trong vườn ăn qua ngày, rồi đi xin ăn những người hảo tâm. Cầm cự được đến ngày 15/8/2011 thì trong ngôi nhà bỏ hoang không còn bất cứ cái gì để ăn, bà Lùng cùng hai con quay trở về nhà mình tính hái dừa bán kiếm tiền.

Trở về nhà cũ, may mắn là người chồng không có ở nhà nên 3 mẹ con mắt trước mắt sau dấm dúi lao vào vườn, 2 đứa con trèo lên cây, bà mẹ đứng dưới “canh me”. Đen đủi sao, mới hái được hai buồng dừa thì ông Chiển bất ngờ trở về. Thấy cảnh tượng trên, người chồng lớn tiếng chửi mắng rằng “cây dừa là của tao, tất cả đồ đạc trong nhà đều là của tao, cấm chúng mày không được đụng đến”. Nói rồi người chồng “độc tài” này vô nhà cầm lấy con dao rượt chém bà Lùng chạy vòng vòng làm bà vô cùng sợ hãi và kêu hai con xuống ngăn cản. Sợ mẹ bị thương, hai đứa con vội vàng leo xuống giằng co với ông Chiển làm cả ba bị trầy xước. Nhìn thấy một khúc tre gần đó, Huy chụp lấy đánh vào tay cha làm con dao rớt xuống. Thấy “yếu thế”, người cha bỏ chạy vào nhà. Nghĩ cha mình tìm một con dao khác nên hai đứa con rượt đuổi theo.

Khi chạy đến cửa nhà, người cha bị vấp ngã, hai đứa con trai nhảy vào đè người ông xuống. Vốn từ lâu bực tức vì tính độc tài của cha mình nên trong một phút nông nổi, Liêm kêu mẹ đưa sợi dây dù đang cầm cho mình, nhờ em trai kềm chân cha, rồi sau đó Liêm siết cổ cha đến tắt thở ngay tại chỗ.

Kế hoạch trốn tội bất thành

Cơn điên qua đi là đến lúc sợ hãi. Nhìn người cha đã tắt thở, 3 mẹ con bàn nhau cách trốn tội. Bà Lùng và hai con lau vội những vết máu trên người ông Chiển, đốt đi bộ quần áo trên người ông mặc rồi thông báo cho bà con hàng xóm là chồng mình đột tử trong một cơn tai biến.

Kế hoạch giết người tưởng đã hoàn hảo nhưng phút cuối lại lộ tẩy chỉ vì một ánh mắt. Trong lúc phúng điếu, một người cháu ông Chiển nhìn thấy trên cổ ông có một vết bầm tím và trên người có nhiều vết trầy xước còn rất mới. Tình nghi về cái chết bất ngờ của chú mình, cháu ông Chiển quyết định lên Công an huyện Trà Cú trình báo.

Qua khám nghiệm tử thi, điều tra xác minh sự việc, công an xác định đây là một vụ giết người nên lập tức mời bà Lùng, Liêm và Huy lên cơ quan hỏi việc. Tại đây, bà Lùng và hai con không chối tội và đã nhanh chóng thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.

Ba người con gái bà Lùng sau khi hay tin sự việc đã khóc không dứt. Chị Trần Thị Khắc Linh, người con thứ ba từ Sài Gòn trở về nói trong nước mắt: “Mặc dù cha tôi đáng bị trừng phạt nhưng không đến mức để xảy ra thảm kịch như thế này. Thằng Huy còn trong tuổi ăn học mà”. Tiếng nói chị kéo dài hòa với tiếng nấc nghẹn ngào.

Giờ đây, ngôi nhà bỗng trở nên hoang vu hơn bao giờ hết. Người cha độc tài sau bao nhiêu năm hành xác vợ con đã nằm xuống, sẽ không còn những tiếng la mắng vang trời, cũng không còn những trận đòn roi bầm tím nữa. Ba mẹ con bà Lùng cũng vẫn không được bình yên, mà sẽ phải trải qua nhiều năm trời trả giá trong nhà giam vì phút nông nổi của mình.

Theo Hiền Long (Pháp luật & Thời đại)
Bình luận
vtcnews.vn