Chuyện chưa kể về cuộc truy bắt Lê Văn Luyện ở biên ải

Pháp luậtThứ Năm, 08/09/2011 05:20:00 +07:00

(VTC News) - Lần đầu tiên thằng cháu lên chơi, anh Nghi không khỏi bồi hồi, ngóng trông, nhưng kèm theo đó là những câu hỏi lởn vởn trong đầu...

(VTC News) - Chỉ sau vài giờ gây án, chiều 24-8, hung thủ Lê Văn Luyện lên xe ô tô, nhằm hướng Lạng Sơn ẩn náu. Luyện điện thoại cho chú rể là Lê Văn Nghi (tên gọi khác là Lê Thành Nghi, SN 1980, trú tại thôn Nà Tồng, Trùng Khánh, Văn Lãng), nói lên thăm nhà.

Lần đầu tiên thằng cháu lên chơi, anh Nghi không khỏi bồi hồi, ngóng trông, nhưng kèm theo đó là những câu hỏi lởn vởn trong đầu.

Tìm cách vượt biên

Anh Nghi nhớ lại, kể: "Quãng đường trên 10 km từ nhà đến ngã ba Na Sầm, nơi có con đường nhựa 4B tuyến thành phố Lạng Sơn- Văn Lãng, hôm nay đi xe máy cảm giác xa lắm, tôi cứ tự hỏi, sao thằng cháu lên chơi gấp gáp thế, chắc phải có chuyện gì. Nhưng bản thân tôi lại tự gạt đi, vì nhiều lần gặp tại nhà bố mẹ Luyện, nó là thằng khá trầm tĩnh, hiền lành, không rượu chè. Có lần, tỏ vẻ quý chú nơi xa về chơi nhà, nó khui chai bia Tàu, làm vài tợp rồi lên gường ngủ.

Khi đến thị trấn Na Sầm, thấy Luyện đang đứng bên vệ đường, không mang theo hành lý. Mới gặp mặt, nó đã nhờ đi mua hộ bao thuốc lá, một ít thuốc chữa vết thương. Tôi hỏi, sao không điện thoại tiếp cho chú, để chú tìm mãi. Thằng Luyện gãi đầu, nhí nhí đáp: “Cháu bán rồi”. Thì ra, nó đã lên thị trấn Na Sầm từ lâu, tìm nơi bán chiếc điện thoại. Sau này, tôi được biết, chiếc điện thoại này, khá “xịn”, Luyện lấy của người bị hại, bán được 400 ngàn đồng. Chiếc điện thoại của nó, để quên ở nhà. Trong túi quần, có 2 chiếc sim điện thoại".

Con đường này, Luyện được anh Nghi, Trai dẫn qua biên giới (ảnh: L.T.H)

Sáng sớm hôm sau, thấy Luyện vẫn vùi chăn ngủ, vợ chồng anh Nghi nấu cơm phần sẵn ở bếp rồi đi làm nương. Trừ lúc ăn cơm buổi trưa, tối, thời gian còn lại, Luyện vào màn ngủ. Hoàng Văn Trai (SN 1980, người hàng xóm, bạn của anh Nghi), thi thoảng sang nhà ăn cơm.

Tối 27-8, Luyện uống tý rượu, rồi bảo: “Anh Trai đi Trung Quốc nhiều, chắc bên đó người ta có việc làm, ra nhiều tiền lắm nhỉ. Anh giới thiệu cho em đi làm với”. Anh Trai bảo, có người chị vợ tên là Hoàng Thị Lan, SN 1968, lấy chồng Trung Quốc, bây giờ người ta thuê người chặt mía, làm cỏ sắn, ngày công khoảng 20 đến 30 Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). Luyện tỏ vẻ vui mừng bảo: “Ngày mai cho em sang bên đó nhé, đi nước ngoài một chuyến cho biết”. Nói rồi, Luyện xin phép đi vệ sinh một hồi lâu. Theo anh Nghi, có thể lúc này, Luyện đã giấu vàng vào hố phân, trước khi xuất ngoại (?).

6 giờ 15 phút, ngày 28-8, anh Nghi, anh Trai dẫn Luyện đi qua đường mòn khu vực có làng Thanh niên lập nghiệp, dẫn đến khu vực biên giới. Đường biên vắng tanh, không người qua lại, nom Luyện cứ bồn chồn, ngó nghiêng, anh Nghi giục đi nhanh, anh còn về vun ngô.
 
Đến khu vực Trà Lẩu (thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc), anh Nghi đưa cho Luyện 100 ngàn đồng, dặn: “Nếu làm được ăn thì ở, không về với chú”. Nói rồi, anh Nghi quay lại Việt Nam, còn anh Trai và Luyện đi Sùng Trổ, cách biên giới Việt- Trung chừng 50 km. Đêm hôm đó, Luyện trằn trọc không ngủ được, nó nói với anh Trai rằng do lạ giường.

Thời gian dụ Luyện về nước, anh Nghi hút rất nhiều thuốc lá (ảnh: L.T.H) 

Ngày hôm sau, trở về thôn Nà Tồng, anh Trai nhận được điện thoại của anh Nghi bảo tìm cách phải đưa Luyện về Việt Nam lấy công, chuộc tội, vì công an đã “sờ gáy” vợ chồng anh. Anh Nghi nói, nếu trong vòng 3 ngày không dụ Luyện về được thì “chết cả nút”.

5 giờ sáng 31-8, anh Nghi đèo anh Trai trên chiếc xe máy của mình đến khu vực Trạm kiểm soát Biên phòng Na Hình. Anh Nghi nói với đại úy Hoàng Đắc Sơn: “Hôm nay là chợ phiên Bằng Tường, tôi sang bên đấy mua ít hàng, đồng thời đi đón thằng cháu về. Hôm nay đi vội quá, quên cả chứng minh thư”. Nói rồi, Nghi nháy mắt ra hiệu cho Đại úy Sơn. Theo lời của anh Nghi, cán bộ Sơn thường xuyên xuống bản Nà Tồng làm công tác vận động quần chúng, là chỗ thân quen của gia đình, nên hai người biết số điện thoại của nhau.

Trước khi cho anh Nghi được phép xuất cảnh sang Trung Quốc, Đại úy Sơn điện báo cáo Chỉ huy đồn Biên phòng Na Hình, đồng thời căn dặn, khi nào đưa được thằng nghịch tử về thì điện gấp cho biết. Đến thị trấn Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc), anh Trai điện thoại cho bà Lan, nói: “Phải đưa thằng đó về thôi, việc nghiêm trọng lắm. Cứ đưa nó ra bến xe Bằng Tường, sẽ có người đón”.

Sau khi ăn cơm trưa ở Bằng Tường, ba người quay trở về Việt Nam. Khi đến đường mòn Pò Khuyên (thôn Na Hình, Thụy Hùng), nhớ lời lực lượng biên phòng dặn, anh Nghi nói với Luyện: “Chú đau bụng quá, cháu cùng với chú Trai đi trước nhé”. Anh Nghi lẻn vào một bụi lau, sậy, bấm máy điện thoại, báo tin cho lực lượng Biên Phòng. Xuống đến chân đồi, Luyện bị ba cán bộ biên phòng bắt giữ. Lúc đó là 16 giờ 5 phút, ngày 31-8...

>Kỳ 2: Những người bắt giữ hung thủ kể chuyện

Lê Thanh Hiền

 

Bình luận
vtcnews.vn