Giám đốc đào trộm 21 ngôi mộ của dân

Pháp luậtThứ Năm, 18/08/2011 11:10:00 +07:00

(VTC News) – Không được dân đồng ý di chuyển mộ, vị giám đốc này đã tự ý cho người đào trộm mộ mang đi giữa đêm khuya...

(VTC News)– Chiều hôm trước, bị cáo Đông còn khỏe mạnh đi nộp thuế, nhưng sáng hôm sau ông giám đốc đào trộm mộ này lại vắng mặt “vì bị ốm” khiến phiên tòa bị hoãn, hàng trăm người dân bức xúc...

Sáng 17/8, TAND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Chí Đông, Giám đốc công ty TNHH Đông Tâm (SN 1972, ở thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) và đồng phạm vềtội xâm phạm trái phép mồ mả, hài cốt.

Chủ mưu vụ đào trộm mộ vắng mặt nên phiên tòa phải hoãn 

Theo điều tra của cảnh sát, ngày 2/6/2010, Nguyễn Chí Đông xin thuê thửa đất số 629+636, tờ bản đồ số 17 với diện tích 2.480m2, tọa lạc tại khu đất xứ Bàu Đưng (ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong) để mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Trên khu đất này có 22 cây dừa của HTX nông nghiệp II Mỹ Phong; 18 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn, 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ và 1 ngôi mộ của dòng họ Phan.

Sau khi được UBND xã Mỹ Phong đồng ý cho thuê đất và làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đông tiến hành thương lượng đền bù 22 cây dừa; đền bù và di dời 18 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn.

Riêng 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ thì Đông trực tiếp gặp một số người có trách nhiệm trong dòng họ Đỗ như bà Nguyễn Thị Thân, các ông Đỗ Xuân Thống, Đỗ Xuân Tiết, Đỗ Xuân Què, Đỗ Thiện Nghĩa và Đỗ Thị Ngọc Dung để thương lượng đền bù và di dời.

Qua tác động của Đỗ Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Thân (mẹ Dung) cùng các ông Đỗ Xuân Tiết, Đỗ Xuân Què (hai anh trai Dung) thống nhất chodi dời mồ mả. Mỗi người đồng ý nhận của Đông 10 triệu đồng tiền “bồi thường”.

Riêng hai ông Đỗ Xuân Thống và Đỗ Thiện Nghĩa kiên quyết không đồng ý.

Do mẹ và hai anh trai của Dung đã nhận tiền mà không di dời mồ mả nên Đông nhiều lần thúc ép. Cuối cùng, Dung cũng đồng ý để Đông đào và di dời 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ. Đông và Dung soạn thảo một bản hợp đồng thuê mướn người di dời. Điều lạ là, bản hợp đồng chỉ ghi bên A là bà Nguyễn Thị Thân, còn bên B để trống.

Đầu tháng 1/2011, thông qua anh rể là Nguyễn Ngọc Truyền, Đông thuê Võ Thành Đông (SN 1979, ở thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) với số tiền 15 triệu đồng để di dời 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ và 1 ngôi mộ của dòng họ Phan. Sau đó, Võ Thành Đông thuê lại 20 người khác để cùng thực hiện di dời 21 ngôi mộ nói trên.

Cùng thời gian này, Đông liên lạc với ông Nguyễn Bé (SN 1948,ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) đặt mua 22 cái quách và nhờ ông Bé thuê ông Lê Kim Thạch (SN 1955, trú ở cùng địa phương) đi bốc mộ.

Vì lợi ích cá nhân, 21 ngôi mộ đã bị những kẻ mất đạo đức lén lút đào trộm rồi đem đi cải táng lộn xộn trong đêm

Đêm 17/1, số đối tượng trên đã lén lút đào và định di dời mộ đến nơi khác nhưng không thực hiện được vì họ sợ bị phát hiện.

Sau đó hai ngày, các đối tượng trên có mặt tại khu đất xứ Bàu Đưng để tiếp tục thực hiện hành vi trên. Đào xong, họ tiến hành cải táng 21 ngôi mộ vào 22 cái quách đã mua sẵn và chôn cất trên một đám đất cách đó khoảng 300 m.

Sáng 17/8, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Chí Đông đã vắng mặt. Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, ngày 11/8, Đông đã có đơn xin vắng mặt vì lý do ốm nặng. Tuy nhiên, đơn này không hề có xác nhận của cơ sở y tế hay của địa phương nên đã bị HĐXX bác bỏ và khẳng định, Đông vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, do không có bị cáo chính, nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, theo gia đình bị hại và nhiều người dân địa phương, chiều hôm trước họ còn thấy ông Đông đi nộp thuế, thế mà sáng nay, ông này lại vắng mặt một cách khó hiểu khiến phiên tòa phải hoãn.

Mặt khác, từ ngày 11/8, ông Đông đã có đơn xin vắng mặt, thế nhưng, TAND huyện Phù Mỹ không hề thông báo cho phía bị hại biết trước khiến hàng trăm người đến dự phiên tòa vô cùng bức xúc.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao bị cáo Đông đang trong thời gian bị quản thúc tại địa phương, nhưng TAND huyện Phù Mỹ không dùng biện pháp áp giải bị cáo đến tòa(?)

Quá bức xúc vì tòa bị hoãn, nhiều người đã phản đối, la ó om xòm làm náo động phòng xử  

Sau khi có quyết định hoãn phiên tòa, hàng chục người nhà của bị hại và hàng trăm người dân địa phương đến dự đã đứng dậy la ó thể hiện bức xúc. Một số người không giữ được bình tĩnh, đã lao lên phía trước bàn hội thẩm, định vây lấy chủ tọa và hội thẩm nhân dân để phản đối. Rất may, chủ tọa và các hội thẩm đã nhanh chân tránh mặt.

Chưa nguôi giận, hàng trăm người này còn rồng rắn kéo đến UBND huyện Phù Mỹ để phản đối và nhờ can thiệp. Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ đã phải triệu tập lãnh đạo tòa án huyện, công an huyện để xử lý vụ việc.

Theo đại diện TAND huyện Phù Mỹ, dù đơn xin vắng mặt của bị cáo Đông đề ngày 11/8, nhưng đến ngày 16/8, tòa án mới nhận được đơn nên không kịp báo với phía bị hại.

“Đúng là chúng tôi không lường trước được sự việc lại căng thẳng đến như vậy nên không áp dụng biện pháp áp giải bị cáo phải đến tòa”, đại diện TAND huyện Phù Mỹ, cho biết.

Kết luận buổi làm việc, chủ tịch huyện Phù Mỹ đã hứa với gia đình bị hại và nhân dân, ngay trong chiều cùng ngày, sẽ yêu cầu tòa án và công an tiến hành xác minh để làm rõ vụ việc. Nếu cần, ngành chức năng sẽ có lệnh tạm giam bị cáo để chờ ngày mở lại phiên tòa.

Điều 246 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nghĩa Bình


Bình luận
vtcnews.vn