Đủ khả năng trả nợ vẫn phải…vào tù

Pháp luậtThứ Tư, 17/08/2011 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Dù chị Quỳnh đang mang thai 10 tuần tuổi, nhưng cơ quan CA vẫn ra lệnh bắt tạm giam...cho đến khi bị sảy thai mới thả.

(VTC News) - Báo điện tử VTC News nhận được đơn thư cùng các tài liệu liên quan của chị Nguyễn Trúc Quỳnh có hộ khẩu thường trú tại số 50, tổ 36, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) tố cáo việc chị bắt giữ trái pháp luật.

Theo đơn thư tố cáo, chị bị Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ trái phép và bà Đinh Thị Mai Phương là cán bộ Viện Nghiên cứu pháp lý – Bộ Tư pháp đã tố cáo chị Quỳnh sai sự thật, khiến chị Quỳnh bị bắt giam và bị sảy thai trong thời gian bị tạm giam.


Ván cờ siêu “nặng lãi”


Từ quan hệ quen biết nhau, chị Quỳnh chuyên kinh doanh đồ nội thất phong thuỷ muốn mở rộng hệ thống bán hàng nên đã mở lời vay vốn của bà Phương. Sự việc bắt đầu từ những lần “vay, trả” dân sự thông thường.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đối chiếu với hồ sơ của Cơ quan điều tra (Công an TP Hà Nội), có đủ cơ sở để khẳng định như sau: Ngày 5/5/2008, bà Phương giao cho Quỳnh khoản vay đầu tiên. Kể từ đó đến 21/8/2009, Phương tiếp tục “giải ngân” thêm 11 khoản vay khác bằng VNĐ và ngoại tệ, tổng cộng các khoản cho vay lên tới 1,230 triệu USD và 5,225 tỷ đồng. Lãi suất “áp dụng” đối với từng khoản vay xê dịch từ 3% đến 4%/tháng bằng VNĐ và từ 2% đến 3%/tháng bằng USD (trong nội dung ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Phương và vợ chồng Quỳnh, bà Phương còn thừa nhận việc cho nhiều đối tượng khác vay bằng ngoại tệ với lãi suất từ 3% đến 5%/ tháng). Đến tháng 5/2010, Quỳnh đã trả cho bà Phương tiền gốc 251.000 USD, tiền lãi 2,388 tỷ đồng và 408.000 USD.

 Chị Quỳnh áo trắng (thứ 2 từ trái sang) và bà Đinh Thị Mai Phương (áo đen thứ hai từ phải sang) trong buổi khai trương một cửa hàng của chị Quỳnh.

Theo chị Quỳnh, trên thực tế bà Phương chủ yếu dùng thủ đoạn ép buộc vợ chồng chị phải viết giấy nhượng bán nhiều tài sản có giá trị gồm: 5 mảnh đất cùng tài sản trên đất với trị giá tối thiểu 55 tỷ đồng (đã hoàn tất việc sang tên 2 mảnh đất cùng tài sản trên đất trị giá tối thiểu 44 tỷ đồng), 40.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Tân Trường Thành (trụ sở 113, Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) trị giá 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 8/6/2009, bà Phương đã thực hiện thành công việc môi giới cho chị Quỳnh góp vốn mua 3 căn hộ tại Dự án chung cư số 41- phố Phương Liệt- Trường Chinh- Hà Nội và hiện đang nắm giữ toàn bộ Hợp đồng gốc, Phiếu thu tiền mặt trị giá 87.900 USD và số tiền chênh lệch hơn 1,5 tỷ đồng của giao dịch này. Không dừng ở đó, bà Phương còn 2 lần đến cửa hàng của Quỳnh lấy hàng không trả tiền, tổng cộng là 222.320.000 đồng. Đây có thể coi là những hành vi xiết nợ vượt quá giới hạn thông thường và điều quan trọng, nó thu về “khoản nặng lãi” cho bà Phương lớn hơn rất nhiều so với số nợ phải thu hồi.

Lịch trả nợ do anh Nguyễn Đức Nam (cháu của chồng bà Phương) gửi chị Quỳnh qua email.

Từ thực tiễn nêu trên có thể thấy, bà Phương cho vay bằng USD lãi suất 3%/tháng, có giai đoạn đã vượt hơn 10 lần so với lãi suất cho vay cùng loại của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ở cùng thời điểm. Nhưng do các năm 2008-2009, Ngân hàng Nhà nước không ban hành quy định về lãi suất cho vay USD, nên hành vi của bà Phương chưa cấu thành tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 Bộ luật Hình sự. Song việc cho vay USD số lượng lớn đã vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, Điều 22 quy định hạn chế sử dụng ngoại hối, Điều 24 quy định sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân cho các mục đích hợp pháp, chứ không phải để sử dụng vào mục đích phi pháp, cho vay lãi cao, thu lợi bất chính.

Từ nạn nhân thành tội phạm

Sau khi bị cơ quan công an triệu tập, chị Quỳnh đã nhiều lần đề nghị cho bên vay và bên cho vay đối chất, nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, chị nhiều lần liên hệ với bà Phương để làm rõ sự việc, nhưng bà Phương đã tránh mặt. Đến lúc này, việc vay tiền của chị Quỳnh đã được chuyển sang hướng đối mặt với cơ quan pháp luật dù đó chỉ là quan hệ dân sự và không hề có yếu tố lừa đảo.

Theo chị Quỳnh, thì ngày 15/08/2010 phía Công an TP Hà Nội đã hẹn chị đến làm việc để chứng minh kho hàng của công ty có tổng giá trị tương đương với số tiền công nợ giữa chị và bà Phương. Nhưng khi chị có mặt, thì cán bộ điều tra được phân công xử lý vụ việc là ông T. lại không có mặt như hẹn. Sau nhiều lần chị Quỳnh chủ động gọi điện liên hệ với cán bộ điều tra tên T. thì được hẹn lại vào ngày 23/08/2010 đến làm việc.

Đúng hẹn, chị Quỳnh đến số 7 Thiền Quang và được cán bộ trực ban hướng dẫn đến phòng cán bộ xử lý vụ việc này, nhưng ông T. lại không có mặt. Tại đây, chị Quỳnh được các cán bộ cho biết, ông T. bị ốm, họ không thể nhận hộ được hồ sơ trình báo của chị. Do vậy, trước ngày đi TP.HCM công tác, chị Quỳnh mới nói chuyện được với ông T. và đã xin để nhân viên của công ty thay mình mang hồ sơ giấy tờ chứng minh khả năng đủ thanh toán số tiến nợ đến nộp cho cơ quan công an. Ông T. chấp thuận và đã nhận đủ hồ sơ.

 Kết quả siêu âm thai nhi của chị Quỳnh trước khi chị bị bắt giữ.

Trong lúc đang làm việc tại TP. HCM, chị Quỳnh nhận được điện thoại của ông T. cho biết: “Anh có người làm cùng cơ quan đang công tác trong Vũng Tàu, ngày mai về Sài Gòn gặp em lấy một số lời khai để làm nốt hồ sơ giúp anh”. Đúng hẹn, sáng ngày 28/08/2010 bà Quỳnh đã đến địa chỉ 459 đường Trần Hưng Đạo để gặp người như ông T. đã giới thiệu. Nhưng tại đây, bà Quỳnh đã được tống đạt lệnh bắt, dù phía công an biết bà Quỳnh đang mang thai 10 tuần tuổi.

Cuộc bắt giam chớp nhoáng, khiến chị Quỳnh hoảng loạn vì không hiểu nguyên cớ do đâu. Điều đáng nói, mặc dù biết rõ chị Quỳnh đang mang thai, nhưng cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát TP Hà nội vẫn thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Trước tình cảnh này, ngày 30/8 và 07/9/2010 gia đình chị Quỳnh đã gửi đơn xin bảo lãnh cho chị được tại ngoại để bảo vệ sự sống còn cho thai nhi nhưng đã không được chấp thuận.

Cho đến khi trại tạm giam phát hiện chị Quỳnh có nguy cơ sảy thai (ngày 9/9/2010) đã gọi điện tới cơ quan điều tra, nhưng chị Quỳnh lại được coi là “tội phạm nghiêm trọng” (Hồ sơ y tế). Sau khi được ra trại khám theo quy định, nhưng trước áp lực của việc điều tra của những ngày trong nhà tạm giam, cùng với món nợ chồng chất bị áp đặt đã dấn đến việc ngày 14/9 chị Quỳnh phải đi cấp cứu tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội do bào thai đã chết lưu.

 Tập hồ sơ thể hiện quá trình vay mượn, trả nợ và hợp đồng mua bán giữa chị Quỳnh và bà Phương do chị Quỳnh cung cấp.

Trao đổi với PV, chị Quỳnh cho rằng việc vay tiền của bà Phương là có thật, nhưng đó là sự tự nguyện giữa bên vay và bên cho vay chứ không hề có việc ép buộc hay móc ngoặc để chiếm đoạt tiền của chị Phương, việc trả lãi, trả gốc và tài sản bảo đảm tiền vay cũng được thực hiện đúng thỏa thuận cho đến khi chị Phương cố tình không nhận tiền trả theo thỏa thuận.

Chị Quỳnh và gia đình cho đến nay vẫn bức xúc cho rằng, không hiểu chị có hành vi gì mà phạm vào tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 140 của Bộ luât Hình sự. Vì khi vay tiền, chị không hề dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không còn khả năng trả lại tài sản. Ngược lại, chị Quỳnh vẫn trả nợ đều đặn cho chị Phương và chưa hề có tài liệu nào chứng tỏ chị Quỳnh có ý định chiếm đoạt tài sản cũng như có thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn. Mặt khác, do tài sản vay mượn được dùng vào sản xuất kinh doanh với hệ thống bán hàng với gồm 6 của hàng và hàng tồn kho vẫn có thể kiểm soát để bảo đảm tiền vay nên không thể nói rằng chị Quỳnh không có khả năng trả lại tài sản.

Qua những sự việc cụ thể đã nêu ở trên, có thể thấy bên cho vay là bà Phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở nhiều điểm. Việc chị Quỳnh bị bắt giam dẫn đến việc chị bị sảy thai trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc làm rõ.


Nhóm PVĐT

Bình luận
vtcnews.vn