Báo động những chiêu phá máy ATM vô cùng tinh vi

Pháp luậtThứ Ba, 25/01/2011 03:00:00 +07:00

Các vụ việc trên không những gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của các ngân hàng, tạo tâm lý lo lắng cho người sử dụng ATM, mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT

Ngày 21/1, thêm một cây ATM đặt tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị các đối tượng cắt phá, con số thiệt hại chính thức chưa được cơ quan chức năng công bố nhưng theo ước tính có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Đây là vụ phá hoại máy ATM thứ 10 xảy ra trên cả nước trong thời gian qua. 

Các vụ việc trên không những gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của các ngân hàng, tạo tâm lý lo lắng cho người sử dụng ATM, mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Những chiêu phá máy ATM

Đây là vụ phá máy ATM thứ 5 được phát hiện trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2010, ở Hà Nội đã xảy ra 2 vụ phá máy ATM của Ngân hàng Vietcombank, một ở sân vận động Hàng Đẫy, một ở gần khách sạn Hòa Bình và một ở cây ATM của Ngân hàng Eximbank trên phố Điện Biên Phủ cũng có dấu hiệu bị kẻ gian dùng máy khò để khoan cắt. Máy ATM ngừng hoạt động, bảng điện tử đã được ngắt điện, phần vỏ của hộp chứa bị ám khói đen… Các vụ cắt phá máy ATM xuất hiện lần đầu, tại TP HCM vào tháng 10/2010… Đến thời điểm hiện nay, số các vụ cắt, phá máy ATM đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị.

Từ các vụ cắt, phá máy ATM hiện nay cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng gây án hiện nay rất tinh vi, có trường hợp kẻ gian dùng máy hàn xì cắt đứt buồng máy ATM, điển hình là vụ việc xảy ra ngày 26/11/2010, tại một cây ATM của Ngân hàng Techcombank, trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM. Khi khám nghiệm hiện trường, lực lượng nghiệp vụ phát hiện dưới thân máy đã bị kẻ gian khoan, cắt một lỗ, số tiền bị lấy đi gần 1,3 tỷ đồng. Có trường hợp đối tượng đột nhập vào phòng máy ATM, dùng giấy che kín cửa, sau dùng dụng cụ hàn, khò cắt lấy đi một khoản tiền không nhỏ.

Mới đây, vào lúc 12h ngày 13/11/2010  nhân viên Ngân hàng Eximbank cũng phát hiện tại cột ATM ở số 2, Điện Biên Phủ, Hà Nội có vết cậy và ám khói. Sau khi nhận được tin báo, Công an phường Cửa Nam phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, tiền trong cột ATM chưa bị mất, kẹp chì niêm phong vẫn còn nguyên.

Nhiều trường hợp, đối tượng dùng đèn khò để cắt phá như trường hợp cây ATM của Ngân hàng Công thương Việt Nam, đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Vụ việc xảy ra ngày 7/12/2010, đối tượng đã kịp cắt được dây tín hiệu camera nhưng chưa kịp thực hiện hành vi phạm tội thì đã được ngăn chặn kịp thời. Mới đây nhất là thủ đoạn dùng xà beng để lấy tiền, xảy ra tại cây ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được đặt tại thị trấn Sóc Sơn.

Theo khám nghiệm ban đầu của cơ quan chức năng thì kẻ gian đã dùng xà cầy phá cửa, dùng đèn khò phá máy lấy đi gần 600 triệu đồng. Hầu hết các vụ việc này xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng, đây là thời điểm có ít người đi lại. Đối tượng gây án thường có từ 3-5 tên, bịt mặt bằng khẩu trang nên việc xác định đối tượng gây án là cực kỳ khó khăn.

Một máy ATM bị đập phá. 

Điển hình như vào rạng sáng 21/10/2010, 3 đối tượng mặc bộ quần áo màu đen, đội mũ bảo hiểm, che kín khẩu trang vào máy rút tiền ATM của Ngân hàng Á Châu ở đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình (TP HCM). Thủ đoạn của nhóm này là dùng giấy màu dán kín cửa phòng máy. Sau đó, chúng dùng thiết bị cắt, phá bỏ lớp sắt bảo vệ khoang chứa, lấy đi gần 1 tỷ đồng. Khi lực lượng bảo vệ hiện trường phát hiện có mùi khét, tiến đến kiểm tra thì còn lại 1 bình gas, một mỏ hàn, kìm và xà beng…

Thực tế cho thấy việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn bởi thủ đoạn tinh vi của đối tượng gây án. Đến thời điểm này, chỉ duy nhất một vụ ở Nghệ An phát hiện 3 đối tượng, hiện đang là học sinh lớp 9 của một trường THPT trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An gồm Phùng Bảo Quốc; Phạm Doãn Hùng và Phạm Đức Chính. 3 học sinh trên đã gom tiền mua một bình oxy, bình gas và máy hàn… rồi lên kế hoạch phá máy ATM.

Có trường hợp đối tượng cắt khóa cửa đột nhập trộm cắp tài sản như vào khoảng 5h15' ngày 21/10/2010, tại Ngân hàng Hàng hải, ở đường Cộng Hoà, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, khi nhân viên ngân hàng mở cửa cho nhân viên vệ sinh vào làm việc thì phát hiện máy ATM đặt trước cửa ngân hàng đã bị kẻ gian cắt cửa phía trước lấy trộm 822.400.000đ.

Qua hiện trường hai vụ trộm cho thấy, đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp và manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ khi bị phát hiện. Các đối tượng cũng khá am hiểu về kỹ thuật, camera an ninh của ngân hàng chỉ hoạt động khi có thẻ ATM được đưa vào máy để rút tiền, nên đối tượng ung dung cắt phá máy ATM, camera vẫn không hoạt động, nên không ghi nhận được gì.

Làm gì để ngăn chặn các vụ phá máy ATM?

Đến thời điểm này, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tấn công, phá hoại máy ATM của các ngân hàng, trong đó có 3 vụ bị mất tiền với số tiền lên tới hơn 2 tỷ đồng… Ngoài thiệt hại về kinh tế, các vụ việc trên còn gây lo lắng, hoang mang cho người sử dụng máy ATM. Sự liều lĩnh của các đối tượng thể hiện ở chỗ chúng còn liều lĩnh đánh nhân viên bảo vệ để cướp lại công cụ gây án.

Vụ việc xảy ra tại khu vực Ngân hàng ACB, địa chỉ số 700-702 đường Cộng Hoà, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM và một ví dụ. Vào khoảng 0h ngày 21/10/2010, bảo vệ Ngân hàng ACB đi kiểm tra và phát hiện máy ATM đặt trước cửa Ngân hàng ACB bị 3 đối tượng dùng đèn khò cắt, phá máy để trộm tiền. Khi phát hiện nhân viên bảo vệ đang đi đến, các đối tượng sợ hãi bỏ chạy nhưng sau đó, bọn chúng liền quay trở lại đánh bảo vệ để cướp lại các công cụ thực hiện trộm…

Sau hàng loạt vụ việc mới xảy ra, nhiều ngân hàng đã có biện pháp tăng cường lắp đặt các thiết bị báo động cho máy ATM, đồng thời rà soát lại vị trí đặt các cây ATM, không để những "cây tiền" ở giữa đường không có biện pháp trông coi; tăng cường hệ thống chiếu sáng ban đêm, cũng như lực lượng bảo vệ thường xuyên tiến hành theo dõi, kiểm tra, tổ chức lắp đặt hệ thống theo dõi báo động cảnh báo khói và nhiệt độ…

Một biện pháp mạnh nữa đó là vào ngày 17/12/2010, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an đã cùng đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa loại tội phạm tấn công các máy ATM. Song mỗi người dân, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cần  trình báo cơ quan Công an.

Để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả hoạt động phạm tội trên, Cục CSĐT tội phạm về TTXH phối hợp với các đơn vị Công an địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân biết, nâng cao cảnh giác, kịp thời tham gia phát hiện, tố giác, bắt giữ tội phạm; phối hợp với các ngân hàng thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để tái diễn các vụ phạm tội.

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn