Khép lại tấn bi kịch Nguyễn Đức Nghĩa

Pháp luậtThứ Bảy, 13/11/2010 07:09:00 +07:00

(VTC News) - Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa cuối cùng cũng đã khép lại với nhiều dư âm, tâm trạng. Có lẽ nhiều người không ngạc nhiên với phán quyết y án tử hình.

(VTC News) - Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa cuối cùng cũng đã khép lại với nhiều dư âm, tâm trạng. Có lẽ nhiều người không ngạc nhiên với phán quyết y án tử hình. Có chăng, là sự thương cảm, xót xa cho gia đình, nhất là mẹ của Nghĩa khi liên tiếp trong một thời gian ngắn, bà đã phải lần lượt mất đi hai người đàn ông quan trọng nhất đời mình.

Ngay khi Nghĩa kháng án sơ thẩm, nhiều người cũng đã cho rằng Nghĩa khó lòng thoát khỏi án tử hình. Nhưng khi biến cố bố Nghĩa bất ngờ qua đời vì một tai nạn giao thông, trên các báo mạng và nhiều diễn đàn đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu có nên giảm án cho Nghĩa để “cứu” mẹ Nghĩa? Nhưng bản án phúc thẩm trưa 11/11 đã trả lời cho những tranh luận đó.

 
 
Ở phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc tò mò muốn biết xem số phận của Nghĩa được định đoạt thế nào, nhiều người cũng mong muốn xem liệu Nghĩa có biết hoặc tiếp nhận thông tin bố mất ra sao. Thế nên, khi Nghĩa được dẫn giải vào phòng xử, người dự khán đổ dồn vào “bắt sóng” thái độ của Nghĩa. Ra tòa với thân hình gầy đi rất nhiều, sắc mặc nhợt nhạt, ánh mắc dáo dác tìm người thân của Nghĩa, đã khiến nhiều người dù không thật chắc chắn, đã có cảm giác rằng Nghĩa đã biết sự việc người bố qua đời.

Nhưng khi Nghĩa bình tĩnh trả lời và tranh luận lại với tòa và VKS, nhiều người lại có cảm giác rằng Nghĩa chưa biết tin bố mất, vì vậy mới có thể giữ được thái độ bình tĩnh đến vậy. Khi luật sư Ngô Ngọc Thủy - bảo vệ cho Nghĩa, bất ngờ công bố thôn tin bố của Nghĩa qua đời đã được 13 ngày vì một tai nạn giao thông, Nghĩa đã bối rối và bật khóc, phiên tòa trở nên ồn ào một lúc bởi mọi người đều hướng lên xem Nghĩa tiếp nhận thông tin sốc này thế nào. Tuy nhiên, dễ nhận ra rằng, Nghĩa đã không sốc mà bị bị xúc động và bật khóc.  

 

Trong lúc chờ nghị án, Nghĩa luống cuống quay xuống nói chuyện với mẹ mình. Bà Chuân mắt sưng húp vì khóc nhiều, trên đầu còn băng vì chấn thương hôm tai nạn giao thông. Người mẹ và đứa con tội lỗi chỉ cách nhau chừng hai bước chân nhưng tưởng như xa ngàn dặm bởi không thể cầm tay, không thể dựa vào nhau để có thể vơi đi một chút đau đớn. Nghĩa nước mắt dàn dụa nói với bà Chuân rằng “mấy hôm nay con không ngủ được, toàn mơ thấy bố”. Nghĩa cũng nói với mẹ mình rằng đã linh cảm và biết được tin bố chết từ cách đây 10 ngày, nhưng Nghĩa không nói rõ là biết bằng cách nào. 

Như một đứa trẻ con mong được gặp mẹ, Nghĩa dặn: “Mẹ ơi, mai mẹ vào thăm con, mẹ nhé!”. Nhưng thấy đầu mẹ bị băng, Nghĩa hỏi “đầu mẹ sao thế”, thấy mắt bà Chuân sưng húp, Nghĩa hỏi mắt mẹ sao thế? Mẹ đi khám đi. Rồi Nghĩa lại dặn chị gái “anh chị cố gắng chăm sóc cho mẹ nhé”.

Nghĩa cũng nhiều lần khuyên mẹ hãy bình tĩnh và cố gắng lên. Sau một hồi hỏi thăm và thấy mẹ mình không được khỏe, Nghĩa tỏ ra người lớn: “Mẹ ơi, mai mẹ đừng vào thăm con nữa nhé, để hôm nào mẹ khỏe thì vào”. Thi thoảng xen giữa nhưng lời thăm hỏi lúc rõ lúc không, cả hai mẹ con nước mặt dàn dụa. Người mẹ tiều tụy vẫn da diết: “Con cố gắng mà sống nhé để mẹ còn động lực mà sống, con ăn nhiều vào…”. Nỗi đau của một kẻ đang phải trả giá và nỗi đau của một bà mẹ đang gánh chịu bi kịch, dồn vào nhau trong bất lực.

Dù đau xót cho người mẹ khốn khổ và người bố xấu số của Nghĩa, nhưng có một điều ai cũng có thể cảm nhận rõ, là khi nghe chủ tọa đọc trích lại các bút lục lời khai của Nghĩa tường trình lại quá trình chặt xác nạn nhân, những gương mặt ngồi dưới đều nhíu lại vì lời kể quá tường tận, quá rùng rợn. Từng con chữ mô tả việc máu nạn nhân phun ra như thế nào, từng cử chỉ hành động thay dao để cứa và chặt cổ nạn nhân ra sao như những thước phim quay chậm khiến người ngồi dưới phiên tòa đều có cảm giác rùng mình, ớn lạnh.

Một vài tiếng suýt xoa, chậc lưỡi vang lên khe khẽ. Ông Ba – bố nạn nhân, quay xuống nói khẽ: “Như thế mà bảo là không man rợ à?”.

Người ta có thể thương xót cho bố Nghĩa đã không còn, đau xót cho mẹ Nghĩa khi đang phải đối mặt với một thảm kịch gia đình tàn khốc, nhưng thật khó có thể dung thứ cho một tội ác mà chủ toa phiên tòa gọi đó là cách giết người thời trung cổ. Cảm giác đó của người dự phiên tòa, đã dẫn tới tràng pháo tay khi chủ tọa vừa dứt lời tuyên án y án tử hình.

Khác với lúc khóc nấc lên khi thông tin bố mất chính thức được công bố giữa tòa, Nghĩa đón nhận phán quyết y án tử hình với một thái độ gần như không cảm xúc: Nghĩa đứng yên, bình thản như thế đã biết trước được kết cục của mình rồi nhanh chóng bị dẫn giải ra xe thùng. Cánh cửa bị đóng sập lại nhanh chóng, giống như tia sống đã khép lại với Nguyễn Đức Nghĩa, khép lại vụ án có quá nhiều bi thảm.

Nhật Anh

Bình luận
vtcnews.vn