Cô giáo thiêu sống 3 người nhà chồng lĩnh án chung thân

Pháp luậtThứ Tư, 04/08/2010 04:30:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù các bị cáo phản cung và kêu oan, nhưng HĐXX cho rằng đủ căn cứ để kết luận Thuận và hai đồng phạm đã tổ chức mua xăng đốt nhà anh Hưng.

(VTC News) - Mặc dù các bị cáo phản cung và kêu oan, nhưng HĐXX cho rằng đủ căn cứ để kết luận Thuận và hai đồng phạm đã tổ chức mua xăng đốt nhà anh Hưng.

Sau hai ngày xét xử căng thẳng, chiều nay (4/8), Tòa án quân sự quân khu Thủ đô đã tuyên án, xử phạt Nguyễn Thị Thuận án chung thân về tội giết người, 5 năm tù về tội hủy hoại tài sản. Bị cáo đồng phạm là Bùi Tiến Hà lĩnh 16 năm tù về tội giết người, 4 năm tù về tội hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù. Hoàng Hải Tiệp lĩnh 15 năm tù về tội giết người và 3 năm tù về tội hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt là 18 năm tù.

 

Trước đó, buổi sáng, trong phần luận tội, đại diện VKS quân sự quân khu Thủ đô đã đề nghị tòa xử phạt Nguyễn Thị Thuận và Bùi Tiến Hà án tử hình, bị cáo Tiệp 15 năm tù giam.

Tiếp đó, phiên tòa đã nghe luật sư hai bên tranh luận với nhau và tranh luận với đại diện VKS quân sự quân khu Thủ đô về các chứng cứ và việc đánh giá chứng cứ trong vụ án.
Điểm mấu chốt gây tranh cãi nhất, là việc xác định tính hợp pháp của các bản cung nhận tội mà các bị cáo đã khai trước đây tại cơ quan điều tra, nhưng khi ra tòa, các bị cáo đồng loạt phản cung, một mực kêu oan.

 

Đến phút nói lời sau cùng, cả ba bị cáo vẫn không thừa nhận hành đã thực hiện hành vi đổ xăng đốt nhà nạn nhân gây ra cái chết thương tâm cho gia đình anh Hưng (Ảnh: Ng.L) 


Bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Hà, luật sư Hùng cho rằng, hơn 10 bản cung của Hà được điểm chỉ bằng vân tay là không đúng quy định. Bởi theo quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự, bản cung phải được bị cáo ký chứ không phải là điểm chỉ. Luật sư Hùng nêu nghi vấn rằng khi bị cáo Hà bị ngất, CQĐT Công an Hà Nội đã cho bị cáo điểm chỉ vào đó thì sao?

 

Đáp lại, đại diện VKS khẳng định trước khi điểm chỉ, CQĐT đã lập biên bản về việc bị cáo Hà bị đau tay không thể ký. “Tôi khẳng định là không có chuyện bị đánh mà đau tay, nếu cần tôi sẽ cung cấp tài liệu”, đại diện VKS khẳng định.

 

Bảo vệ cho gia đình bị hại, luật sư Trần Đình Triển phân tích rằng: Đây là án truy xét vì là vụ án cháy, tang vật ít và bị biến dạng. Do đó, phải truy xét để tìm thủ phạm. Luật sư Triển cũng nêu nghi vấn, là từ lúc khởi tố đến 4/6/2010, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội như trong hồ sơ, nhưng từ khi luật sư Hoàng Văn Dũng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thuận- PV) có văn bản kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, thì ngay sau đó, lần lượt cả ba bị cáo đều làm đơn kêu oan, tại phiên tòa, cả ba bị cáo cũng phản cung kêu oan.

 

“Có hay không việc cơ quan điều tra bức cung? Nếu có thì đề nghị cơ quan điều tra VKSND tối cao vào cuộc, nếu có thì phải khởi tố điều tra về tội bức cung, dùng nhục hình, còn nếu không có thì phải khởi tố các bị cáo và kể cả luật sư về tội vu khống", luật sư Triển gay gắt.

 

Không đồng tình với lập luận của luật sư Triển, luật sư Dũng phản bác: “Nhận định như vậy dễ gây hiểu lầm. Nếu luật sư vào trại tạm giam Bộ Quốc phòng thì thấy, sẽ phải theo một trình tự rất chặt chẽ, trao đổi gì đều được ghi lại, có biên bản chứ không phải muốn nói gì thì nói”. Từ đó, luật sư Dũng cũng đề nghị làm tòa rõ, nếu luật sư Triển nói không đúng thì cũng đề nghị xử lý về hành vi vu khống.

 

Ba nạn nhân vô tội bị chết cháy gồm: đại úy Nguyễn Chí Hưng (Đội trưởng Đội đo đạc bản đồ, Cục Bản đồ, Bộ Tham Mưu), vợ anh Hưng là Chị Bùi Thị Thu Hà giáo viên Trường Tiểu học Lomonoxop Hà Nội, đồng thời là bạn thân của Thuận, cháu Thảo Hiền (7 tuổi) là con chung của anh Hưng chị Hà. (Ảnh: Ng.L)

Trước sự chất vấn dồn dập của các luật sư bào chữa cho bị cáo, đại diện VKS thừa nhận có một số sơ suất trong điều tra nhưng không quan trọng và đã được kiểm chứng bằng các chứng cứ khác. Ví dụ như chiếc can đựng xăng, VKS cho rằng "cháy như thế thì cháy hết rồi, giám định không rõ đó là gì nhưng có mùi xăng cho nên đó là chứng cứ khách quan".
 

Không đồng tình, luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng mặc dù VKS thừa nhận có sai sót nhưng lại cho rằng không quan trọng là không đúng. “Một vấn đề thuộc quá trình tố tụng không được làm đúng quy trình thì không được coi là chứng cứ”, luật sư Dũng đối đáp lại đại diện VKS.

  

Luật sư Dũng cho rằng việc đưa hồ sơ như thế này ra xét xử thì giống như “đánh đố” HĐXX. Từ đó, luật sư này đề nghị: “Nếu không chứng minh được phạm tội thì phải tuyên vô tội”.

 

Được mời lên phát biểu, đại diện Cục đo đạc bản đồ, Bộ Tổng tham mưu - cơ quan nơi anh Hưng công tác, xác nhận anh Hưng là một cán bộ tận tụy, gương mẫu, là cán bộ có chuyên môn, năng lực. Trước khi xảy ra vụ án, anh Hưng đã có quyết định bổ nhiệm làm Đội trưởng đội đo đạc bản đồ.

 

Vợ bị cáo Hà và mẹ bị cáo Tiệp đều đề nghị HĐXX xử đúng người đúng tội “nếu con tôi làm thì con tôi chịu, không làm thì đề nghị trả tự do", mẹ bị cáo Tiệp trình bày.

 

Trong lời nói sau cùng, cả ba bị cáo vẫn tiếp tục khẳng định mình không thực hiện việc đốt nhà anh Hưng. Cả ba bị cáo đều nói bị oan. Bị cáo Tiệp còn ngỏ lời cảm ơn mẹ bị cáo về công nuôi dạy, đồng thời khuyên người thân bình tĩnh trước việc bị cáo có oan hay không.

 

Sau khi nghe các bên tranh luận, trong bản án dài được đọc trong 2 giờ đồng hồ, HĐXX cho rằng, mặc dù tại tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng không có căn cứ cho rằng các bị cáo bị ép cung, bức cung, bị đánh đập. Do vậy, HĐXX đã quyết định mức án như trên đối với các bị cáo.

 

Ngọc Linh

 

Bình luận
vtcnews.vn