Nguyên Phó TGĐ ngân hàng BIDV thoát khung tử hình

Pháp luậtThứ Sáu, 23/07/2010 09:00:00 +07:00

(VTC News) - Mới đây VKSND Thành phố Hà Nội cho biết đã hoàn tất cáo trạng, chuyển tội danh bị can Đoàn Tiến Dũng (nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV).

(VTC News) - Mới đây VKSND Thành phố Hà Nội cho biết đã hoàn tất cáo trạng, chuyển tội danh bị can Đoàn Tiến Dũng (Nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV) từ nhận hối lộ sang lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi với khung hình phạt 20 năm hoặc tù chung thân.

Tố cáo 8,2 tỷ đồng tiền lót tay

Đầu tháng 1/2010, ông Hoàng Văn Khánh – TGĐ Công ty CP Dệt may Hải Phòng và công ty TNHH VK Hải Phòng gửi đơn đến CATP Hà Nội tố cáo Đoàn Tiến Dũng – PTGĐ Ngân hàng ĐT và PT Việt Nam (BIDV) đã cùng một số cán bộ ngân hàng này lợi dụng việc công ty của ông Khánh có nhu cầu giải ngân, rút tiền mặt có trong tài khoản, ép buộc công ty đưa hối lộ. Theo yêu cầu của Dũng và đồng bọn, ông Khánh đã chi 8,2 tỷ đồng.

Khoảng 7h55 ngày 2/2/2010, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã bắt quả tang Đoàn Tiến Dũng nhận 1 tỷ đồng của ông Khánh. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Dũng, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều sở tiết kiệm, giấy chứng nhận sử dụng đất cùng 28,6 ngàn USD và gần 290 triệu Việt Nam đồng.

Phó TGĐ BIDV dàn xếp chuyển nhượng

Theo cáo trạng, trong thời gian làm giám đốc BIDV Hải Phòng, ông Dũng đã giải quyết cho Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng và Công ty TNHH VK Hải Phòng vay hơn 45 tỷ đồng thông qua 2 hợp đồng tín dụng dài hạn. Tiền cho vay được đảm bảo bằng hình thức thế chấp tài sản, trong đó có kho bãi container và tài sản trên đất tại khu vực Đầm Mắm, Hải Phòng. 

Nnăm 2008, ông Dũng được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc BIDV Việt Nam và được phân công theo dõi chỉ đạo hoạt động kinh doanh của BIDV Hải Phòng. Đầu năm 2009, do gặp khó khăn về tài chính, ông Khánh đề nghị trực tiếp với BIDV Hải Phòng để xin được chuyển nhượng dự án kho bãi container đang thế chấp.

BIDV Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp ban lãnh đạo có sự tham dự của ông Dũng và thống nhất chấp thuận phương án của ông Khánh. Sau đó Phó tổng giám đốc Dũng đứng ra dàn xếp với công ty của ông Khánh chuyển nhượng toàn bộ dự án kho bãi contener với giá 57 tỷ đồng cho công ty dầu khí Anpha Hải Phòng.

Cơ quan điều tra xác định công ty này thực chất là công ty con của Công ty Anpha Sài Gòn thành lập để mua lại dự án trên. Trong đó bị can Dũng góp cổ phần 20%, bị can Trần Thị Thanh Bình (nguyên Phó GĐ BIDV Hải Phòng) 10%.

Theo đó, số tiền 57 tỷ sẽ được dùng 14 tỷ để tất toán cho một hợp đồng vay vốn, công ty VK được rút 25 tỷ đồng. Số tiền hơn 17 tỷ còn lại sẽ được dùng để quyết toán một phần tiền gốc và lãi vay của hợp đồng vay vốn còn lại.

Trong khi giải ngân số tiền bán tài sản của công ty VK, Dũng đã nhiều lần yêu cầu Khánh phải chi tiền cho mình với tổng số lên tới 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi Công ty Anpha Hải Phòng chuyển hơn 17 tỷ đồng còn lại cho công ty VK, đơn vị này đã đề nghị BIDV Hải Phòng cho rút số tiền trên và đề nghị không dùng số tiền này để trừ bớt một phần tiền gốc và lãi vay nhưng BIDV Hải Phòng đã từ chối.

Sau đó Khánh đã đến nhờ Dũng chỉ đạo BIDV Hải Phòng cho giải ngân số tiền còn lại.  Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Dũng, BIDV đã cho công ty VK rút 2 tỷ đồng. Đến tháng 1/2010, Khánh lại tiếp tục nhờ Dũng chỉ đạo BIDV Hải Phòng giải ngân cho công ty của mình số tiền còn lại.

Tuy nhiên, Dũng đã yêu cầu Khánh phải chi tiếp 1 tỷ đồng thì Dũng mới chỉ đạo BIDV giải ngân tiếp cho công ty của Khánh. Đầu tháng 2, khi Dũng trực tiếp nhận một tỷ đồng từ  Khánh tại một quán phở ở Hà Nội và bị công an bắt quả tang.

Viện KSND TP Hà Nội xác định, bị can Dũng đã lợi dụng việc công ty của anh Khánh gặp khó khăn về kinh tế, muốn bán bớt tài sản đang thế chấp tại BIDV Hải Phòng để trang trải nợ nần và lấy vốn sản xuất kinh doanh. Dũng mặc dù không còn trực tiếp xử lý khối tài sản này nhưng bị can đã lợi dụng vị trí, chức vụ của mình là Phó tổng giám đốc BIDV (cấp trên của BIDV Hải Phòng) để yêu cầu BIDV Hải Phòng phải giải ngân số tiền cho công ty VK do bán tài sản mà có.

“Tranh cãi” về tội danh

Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, việc cơ quan CSĐT kết luận điều tra và đề nghị truy tố với bị can Dũng và Bình về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 279 khoản 4 (khung hình phạt cao nhất là tử hình) là chưa đúng với các hành vi của các bị can.

Trao đổi với phóng viên VTC News vào chiều 23/7, luật sư Nguyễn Văn Tú Phó trưởng VPLS Khánh Hưng – ĐLS Hà Nội cho rằng, hành vi của bị can Đoàn Tiến Dũng là phạm tội nhận hối lộ.

Theo luật sư Tú, dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt tội Nhận hối lộ hay tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là: Hành vi phạm tội có thuộc chức năng, thẩm quyền, hay nhiệm vụ của người đó mà được pháp luật hay tổ chức giao cho hay không.

Nếu hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của người phạm tội thì đó là tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS) còn không thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của người phạm tội mà chức vụ của người phạm tội chỉ có thể gây ảnh hưởng cho người khác có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện được công việc theo yêu cầu của người phải chi tiền, lợi ích thì đó là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn … (Điều 283 BLHS);

Trong vụ án này: Điều mà Hoàng Văn Khánh mong đợi là được BIDV Hải Phòng giải ngân. Đoàn Tiến Dũng là Phó TGĐ BIDV Việt Nam chỉ được giao chỉ đạo theo dõi BIDV Hải Phòng còn BIDV Hải Phòng mới có thẩm quyền giải ngân.

Bởi lẽ đó, Khánh 2 lần nhờ Dũng “chỉ đạo BIDV Hải Phòng” giải ngân cho Khánh. Như vậy, nội dung Khánh nhờ Dũng không nằm ngoài thẩm quyền và chức năng của Dũng. Và Dũng đã chỉ đạo BIDV Hải Phòng giải ngân cho Khánh và yêu cầu Khánh phải đưa cho Dũng 1 tỷ đồng.

Như vậy, Dũng đã thực hiện một hành vi một cách trực tiếp với Khánh và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình nhằm thu lợi riêng 1 tỷ đồng. Ở đây, mặc dù Khánh mong muốn thực sự là được giải ngân nhưng việc Khánh nhờ Dũng không phải là giải ngân mà là chỉ đạo giải ngân.

Do vậy, hành vi này của Dũng cấu thành tội nhận hối lộ được quy định tại điều 279 BLHS chứ không phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn … (điều 283 BLHS).

“Theo tôi quan điểm của cơ quan điều tra là đúng đắn và Việc Viện kiểm sát chuyển tội danh từ nhận hối lộ sang Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là không thoả đáng”, luật sư Tú nói.

Phúc Hưng



Bình luận
vtcnews.vn