Tâm sự của bà mẹ chồng tử tù "người đẹp ma túy"

Pháp luậtThứ Năm, 01/07/2010 04:50:00 +07:00

Bà Lại Thị Lâm, mẹ chồng của Đỗ Thị Ngọc – nữ tử tù thường được báo chí gắn cho biệt danh “người mẫu”, “người đẹp ma túy” năm nay đã ở tuổi 70.

Bà Lại Thị Lâm, mẹ chồng của Đỗ Thị Ngọc – nữ tử tù thường được báo chí gắn cho biệt danh “người mẫu”, “người đẹp ma túy” năm nay đã ở tuổi 70.

Ngôi nhà số 7 Bùi Thị Xuân – nơi bà và bố con anh Lộc (chồng con của Đỗ Thị Ngọc) sinh sống nằm sát với một ngôi đền nên cũng mang dáng vẻ yên ắng đến tĩnh mịch. Nhưng cái yên ắng đó là do vắng tiếng người, vắng những tiếng trò chuyện ríu ran, những buổi sáng như thế này, chỉ có duy nhất bà Lâm ở nhà, anh Lộc – con trai bà đi làm, cháu Trường đang nghỉ hè nên lên ở nhà bà ngoại. Ngoảnh đi ngoảnh lại có mỗi mình bà đi ra đi vào, thế nên những lúc buồn quá, bà lại chạy ra cổng, ngồi chơi với mấy bà bạn già hàng xóm. Họ đọc báo về vụ án con dâu bà, cứ chép miệng an ủi: “Chồng hiền, con ngoan thế mà sao lại ra nông nỗi này…”

Ký ức buồn

“Từ khi em nó về đây, gia đình không có chuyện mâu thuẫn, quan hệ mẹ chồng con dâu giữa tôi và Ngọc rất tốt. Một thời gian thì thấy hai vợ chồng em nó lục đục, thường xuyên gây sự với nhau” – bà Lâm đã mở đầu câu chuyện và dùng từ “em nó” để kể về cô con dâu với chúng tôi như thế. Bà bảo rằng, quê gốc của bà ở Hưng Yên nhưng bà sống ở Hà Nội từ hồi tiếp quản Thủ đô, thế nên cái văn hóa đất kinh kỳ đã thấm đẫm vào con người bà cũng như cách sống, đối nhân xử thế ở đời. Không thuộc lớp người trẻ nhưng bà Lâm đặc biệt tôn trọng và không bao giờ can thiệp vào chuyện tình cảm vợ chồng riêng tư của con trai bà.

Bà có 4 người con, 3 trai, 1 gái thì anh Lộc – chồng Ngọc là con trai thứ hai. Bà về làm dâu và tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình chồng là làm giò chả. Hàng giò chả của nhà bà nức tiếng Hà Nội, ngày nào khách đến mua, đến đặt cũng đông nghịt, chen chân vòng trong vòng ngoài. “Khi Ngọc về đây, tôi cũng có hỏi là con muốn theo nghề nhà chồng hay buôn bán theo nhà ngoại thì Ngọc bảo là theo nghề bên nhà ngoại. Lúc đó Lộc mới đi bộ đội về, mới 25 tuổi ngây thơ chẳng biết gì. Thấy thế, tôi mới bảo để tôi lên nói chuyện với bà ngoại cho hai vợ chồng Ngọc bán hàng trên Hàng Giầy. Buôn bán trên đó đến khi có bầu thằng cháu Trường thì chúng tôi mới chuyển về đây”.

Bà Lâm cũng như tất cả những bà mẹ khác, chỉ biết dựng vợ gả chồng và mong con cái mình có một cuộc sống hạnh phúc, chứ bà làm sao can thiệp, giải quyết được từng mâu thuẫn ngày một lớn dần giữa hai vợ chồng Ngọc. Đến bây giờ bà cũng không biết, con dâu bà dính dáng đến buôn bán ma túy từ khi nào, và cũng không biết Ngọc chán chồng, đi “cặp” với một đối tượng nghiện hút (cũng bị bắt trong đường dây buôn ma túy của chị ta) từ lúc nào nhưng chắc chắn, những biển hiện lạ của Ngọc đã là một nguyên nhân khiến tình cảm giữa hai vợ chồng Ngọc ngày một rạn nứt. Đến khi thấy không thể chung sống với nhau nữa, Ngọc đã mang cậu con trai khi đó mới là học sinh cấp 2 trường Amsterdam đi thuê nhà ở khu tập thể Kim Liên sinh sống.

Xót con dâu một, bà Lâm còn xót cháu nội gấp mười lần 

“Tôi và em nó chả mấy khi trò chuyện với nhau vì vợ chồng nó cũng đi suốt. Nhưng vợ chồng nó có mâu thuẫn hoặc cãi nhau thường ở trong phòng tầng trên, có những lúc tôi biết nhưng không rõ nội dung cụ thể. Cho đến lúc không thể cứu vãn được nữa, Lộc nó mang vợ lên nhà ngoại nó trả. Sau này, em nó đi thuê nhà ở Kim Liên thì tôi không biết, coi như không dính dáng gì đến gia đình nhà tôi nữa. Trước khi đi, em nó cũng không nói với tôi câu nào, cứ tự ý bỏ đi. Nếu nói về tình cảm mẹ chồng con dâu giữa tôi và em nó thì đúng là không có mâu thuẫn gì nhưng cũng không có tình cảm. Từ đó cho đến lúc bị bắt, Ngọc không lai vãng tới nhà chúng tôi mà thằng Lộc cũng không lên nhà mẹ vợ, cũng không đến nhà thuê ở Kim Liên. Lúc đó con trai tôi làm đơn ly dị nhưng Ngọc không ký vì tranh chấp nhau việc nuôi đứa con. Cuối cùng thì lên trên nhà ngoại, từ đó thu xếp thế nào tôi cũng không hề biết, chỉ có chú Ân là Cảnh sát khu vực thì chú biết hết đầu cua tai nheo nó ra làm sao. Thời kỳ Ngọc chưa bị bắt, em nó mang thằng con đi theo. Ở cùng chúng tôi đến mười mấy năm nhưng tình cảm của Ngọc với gia đình chồng thì chắc là cũng không sâu đậm”.

Bà Lâm chỉ buồn là sau mọi chuyện xảy ra, bà thông gia (tức mẹ đẻ của Đỗ Thị Ngọc) cũng không hề nói lại với bà một câu, coi như cắt đứt liên lạc luôn. Bà Lâm và bà Nguyên (mẹ Ngọc) cùng quê, cùng huyện, cùng xã, thậm chí cùng làng, anh Lộc và Ngọc lấy nhau cũng là do hai bên gia đình quen biết mai mối, bởi thế, ngoài cái tình thông gia thì còn tình đồng hương quê quán, giỗ Tết rồi vẫn phải giáp mặt nhau, bà không muốn vì chuyện cô con dâu mà hai gia đình không còn đi lại với nhau nữa. Sợi dây liên lạc giữa hai bên giờ chỉ là thằng cháu Trường, năm nay đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học.

Thương con một thì thương cháu mười


Mấy hôm nay, Trường lên nhà bà ngoại ở để học ôn, tuần nào cũng về thăm bà nội. Nét u buồn đã hiển hiện trên giương mặt cậu con trai 17 tuổi từ 3-4 năm nay như là một định mệnh, bắt đầu từ khi mẹ nó bị bắt, nó sống lặng lẽ hơn, ít nói, ít cười, đi học cả ngày, về đến nhà, chào bà nội là lại lên phòng đóng cửa. “Cháu Trường giờ đang ở nhà tôi. Đợt này nghỉ hè nó lên nhà ngoại. Nó to cao lắm, hơn bố nó nhiều. Cái Ngọc đẻ cháu Trường ở nhà hộ sinh A được vài ngày thì cháu bị sài giật, tím đen cả người. Mồm méo, chân tay co quắp. Lúc để được 4kg sau vài ngày chỉ còn 3,6kg. Ông nhà tôi và tôi đưa cháu đến Viện Nhi Thuỵ Điển thì bác sĩ nói là nó bị nhiễm trùng uốn ván rồi. Thế là phải cho thở oxy, chữa trị mãi mới được về”.

Thật lạ, những người già thường nhớ các câu chuyện liên quan đến con, đến cháu mình, tỉ mỉ đến từng chi tiết, như thể đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của họ. Bà Lâm cũng thế, ký ức về đứa cháu tội nghiệp vừa sinh ra đã phải mang trọng bệnh, suýt không qua khỏi đến bây giờ to cao khôn lớn rồi thì lại phải gánh chịu cảnh bất hạnh khi mẹ bị tuyên án tử hình, không biết còn có ngày gặp lại, khiến bà mỗi lần nhìn thấy cháu lặng lẽ đi về, lại xót ruột đến ứa nước mắt.

“Từ khi em nó bị bắt, tôi cũng chưa vào thăm lần nào vì cũng khó nói, biết nói gì bây giờ bởi lâu lắm rồi có nói chuyện với nhau đâu, có hỏi han gì nhau đâu. Cô con gái tôi vào thăm chị dâu một hai lần gì đó. Tôi nói không biết các cô có tin không chứ tôi vẫn dặn các con tôi từ đâu, cụ tôi còn nói như thế này: Tao chỉ có một mình bố mày thôi. Tao được bốn đứa cháu đây. Nếu mà chúng bay va chạm một cái chuyện gì vi phạm tới Nhà nước, Nhà nước họ bảo 5 năm tù, tao bảo 10 năm tù. Tao không bao giờ chứa chấp, tao cũng không bao giờ tiếp tế một cái gì. Ba đứa con tôi người ta gọi bộ đội, chúng nó đi bằng hết, chỉ có mỗi cái thằng Lộc nó gầy gò quá nên các chú ở đơn vị bộ đội lại xin cho nó về. Tôi vẫn giao hẹn với chúng nó là: chúng bay muốn làm gì, buôn bán gì thì buôn bán nó phải đàng hoàng. Nếu chúng bay làm việc gì khuất tất thì ra khỏi nhà tao. Thế mà rồi cô Ngọc lại đi theo người ta, thấy đồng tiền tối mắt lại. Nghĩ xót lắm các cô ạ. Dù sao cũng là dâu con nhà mình, không xót xa sao được. Bao nhiêu lâu sau khi Ngọc bị bắt tôi mới biết, có người gọi điện cho thằng Lộc thì nó mới biết thôi. Tôi hay tin Ngọc bị bắt là lúc tôi đang ở quê Hưng Yên, có chú em chú nói. Đúng là quá sức tưởng tượng”.

Nhưng xót con dâu một thì bà Lâm còn xót cháu gấp mười lần. Bà kể, nhiều khi bà cũng muốn tâm sự với thằng bé nhưng nghĩ lại sợ nó buồn. Suốt từ khi mẹ nó bị bắt, bà chưa một lần đả động đến chuyện này, trong các câu chuyện, bà thường tránh nhắc tới mẹ nó. Chưa bao giờ bà nói với nó là mẹ cháu thế này, mẹ cháu thế kia thì cháu phải cố gắng học hành. Duy nhất có một lần cách đây cũng khá lâu, Trường theo bố vào thăm mẹ trong trại, khi về bà hỏi nó: “Cháu ơi, cháu đi như thế có bao giờ cháu sờ được vào người mẹ cháu không?”. Nó nhìn bà nội rồi lắc đầu. Thế thôi, đó là một lần duy nhất bà Lâm hỏi Trường về mẹ nó. Bà xót thằng cháu nội đến đứt ruột đứt gan. Ngày xưa, tính tình nó vui vẻ, sôi nổi, hay nói hay cười, học khá, còn thi đỗ vào trường Amsterdam. Nhưng từ ngày mẹ bị bắt, nó buồn thiu, đi thì đi, về thì về như một cái bóng. Về đến nhà nó chỉ chào bà nội một tiếng rồi lại vào phòng đóng cửa. Từ khi xảy ra cơ sự, nó như thành một con người khác, lặng lẽ và lực học cũng sút hẳn. Nhiều khi thương con, xót cháu, lại ở một mình trong căn nhà rộng trống trải, bà chạy ra ngõ trò chuyện với mấy bà bạn già. “Có lúc tôi buồn lắm, buồn quá thì lại chạy đi loanh quanh chơi hàng xóm mỗi nhà một tí rồi lại về. Thằng Trường thì đi học suốt ngày, anh Lộc cũng đi dạy lái xe suốt nên quay ra quay vào chỉ có một thân già”.

Khi Trường còn là học sinh cấp hai, cậu thường được mẹ chở đi học trên chiếc xe máy SH, cậu bé khi ấy không thể biết rằng, mẹ mình đang cầm đầu một đường dây buôn ma tuý lớn và bị Công an theo dõi sát sao. Cậu bé quá ngây thơ để hiểu về tội trạng của mẹ, nó càng không bao giờ nghĩ mẹ nó phải nhận án tử hình khi nó còn cần vòng tay mẹ che chở biết bao. Khi viết bài này, tôi vẫn không sao lý giải được hành vi phạm tội của người đẹp ma tuý này. Ngọc từng có một tuổi thơ không mấy êm đềm, người cha hy sinh khi cô còn đang nằm trong bụng mẹ, hơn ai hết, Ngọc hiểu rõ giá trị của hạnh phúc gia đình, khi đứa con có đủ cha, đủ mẹ. Nhưng Ngọc đã không làm thế, chính cô chứ không phải ai khác đã tự tước mất cái quyền được sống hạnh phúc bên chồng con của mình bằng những tham vọng làm giàu bất chính. Và bây giờ, cũng hơn ai hết, Ngọc là người hiểu rõ nhất sự cay đắng của những đứa con khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ.

Ngọc nổi tiếng là chơi đẹp, hào phóng với bạn. Nếu bạn bè thích bất cứ đồ đạc nào của Ngọc, và chỉ cần xin đùa một câu, tức thì Ngọc cho ngay. Ăn tiêu, chơi bời, diện quần áo hết mốt nọ đến mốt kia, thế nên dù là cầm đầu đường dây buôn bán tới hơn 140 bánh heroin nhưng khi cơ quan Công an bắt giữ, hầu như Ngọc không có tài sản gì, thậm chí có người còn viết đơn tố cáo thời điểm ấy, Ngọc còn nợ họ tới 600 triệu đồng.

Hàng xóm nhà bà Lâm nhiều khi đọc báo thấy có bài viết về Đỗ Thị Ngọc, họ vẫn chia sẻ với bà, họ nói là: Chồng con chịu khó, mẹ chồng thì hiền lành dễ tính mà con dâu lại đi làm những việc này có khổ không. “Người ta cũng chỉ biết thương hộ mình thôi. Chồng tử tế, con khôn lớn, học giỏi mà lại chịu án tử hình. Tôi biết, em nó cũng chẳng sung sường gì, sinh ra đời mà chỉ biết mặt bố qua ảnh. Nhà nước giảm án cho em nó thì cháu Trường được nhờ, thằng cháu tôi không bị mất mẹ, còn không cũng đành chịu” - nỗi niềm bấy lâu nay bà Lâm giấu kín trong lòng vì sợ cháu buồn, con khổ được dịp chia sẻ với chúng tôi, nói ra điều ấy, dường như bà cũng thấy nhẹ lòng hơn.

Những ngày anh Lộc cùng con trai vào thăm vợ, không biết Ngọc có gửi lời hỏi thăm bà Lâm không nhưng tôi thấy bà không kể chuyện này với chúng tôi. Bà không thể quên phắt cô con dâu này được, bởi hình bóng của cô vẫn hiển hiện ở thằng bé Trường, thằng cháu nội đang gần gũi bà, nhưng tôi hiểu, bà cần một lời hỏi thăm của Ngọc, dù chẳng để làm gì. Người già cũng có những lý do riêng, đôi khi chỉ để biết rằng, cô con dâu vẫn sống, để thằng cháu nội của bà còn có thêm một ngày được hy vọng.

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

Bình luận
vtcnews.vn