Xong điều tra bổ sung vụ rút ruột Tượng đài Điện Biên

Pháp luậtThứ Ba, 29/06/2010 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Theo kết luận giám định, tượng đồng được đúc thiếu hụt 97,778 tấn đồng; các bị can đã làm làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng.

(VTC News) - Ngày 28/6, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “rút ruột tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ”, đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can với các tội danh "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Đưa hối lộ". 

Trước đó, ngày 31/3, Toàn án nhân dân tỉnh Điện Biên đã hoãn phiên tòa xét xử vụ án này để điều tra lại, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này.

Kết luận điều tra bổ sung khẳng định: Bị can Lê Huyên (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội) đã nhận số tiền 65 triệu đồng là tiền của công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ từ ông Nguyễn Đức Sứng (nguyên chủ nhiệm khoa Tạo dáng – Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Việc này có giấy viết tay và ký xác nhận của ông Lê Huyên.


Bị cáo Võ Thị Hồng (áo đen) khóc nức nở khi được HĐXX cho ra ngoài lấy bình tĩnh trở lại trong phiên xử 30/3. Ảnh: DuyTuấn 

Do đó, việc ông Huyên khai trước tòa nhận số tiền trên là tiền của các công trình khác là không đúng.

Về việc trong hồ sơ vụ án tồn tại hai bản kết luận giám định khác nhau về chất lượng đồng đúc tượng, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) có văn bản khắng định: kết luận giám định số 1932 ngày 29/8/2007 của Viện Khoa học hình sự là kết luận được rút ra từ những dữ liệu đầy đủ bằng các phương pháp khác nhau xác định đồng đúc tượng là đồng hợp kim, chứ không phải nguyên chất.

Theo biên bản tại phiên tòa, ý kiến của giám định viên cũng khẳng định bản kết luận giám định số 1932 là chính xác. Vì vậy, không có mâu thuẫn trong kết luận giám định lại.

Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục khẳng định, không thể căn cứ vào dự toán thẩm mỹ được duyệt để quy kết đối với các hành vi làm trái của các bị can: Lương Phượng Các, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Điện Biên kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ (gọi tắt là BQLDA); Lê Văn Viễn, nguyên Phó giám đốc BQLDA; Trần Quốc Hưng, nguyên kế toán BQLDA; Nguyễn Văn Chính, nguyên cán bộ kỹ thuật BQL.

Hành vi phạm tội của các bị can phải căn cứ vào luật Kế toán, luật Doanh nghiệp, Pháp luật kế toán thống kê, các Nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng, về quy chế đấu thầu cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên có liên quan được nêu trong kết luận điều tra vụ án và 3 bản kết luận giám định của tổ giám định Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can như bản kết luận điều tra trước đây. Trước đó, các bị cáo trên đã bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Đưa hối lộ".

Theo cáo trạng, các bị cáo này đã làm trái quy định về quản lý chất lượng công trình, không giám sát thi công, nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật, bớt xén tiền vốn, vật tư, thi công làm thất thoát tiền vốn của Nhà nước hàng tỷ đồng.

Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ và xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên” được đầu tư, xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi khánh thành công trình đã xảy ra sự cố, sụt đổ kè, phần tượng đài hoen rỉ, xuống cấp nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra xác định, tượng đồng được đúc không đảm bảo khối lượng, hàm lượng đồng; việc giám sát thi công đúc tượng đồng không được thực hiện đầy đủ…

Theo kết luận giám định thì Tượng đồng được đúc thiếu hụt 97,778 tấn đồng gây thiệt hại gần 2,7 tỷ đồng. Tổng cộng các bị can đã làm làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Lê Huyên, Nguyễn Đức Sứng không thực hiện việc giám sát thi công. Dựa vào đó, Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng, Nguyễn Văn Chính lập khống các hồ sơ để chiếm hưởng tiền tư vấn giám sát 242 triệu đồng.

Bị can Võ Thị Hồng (nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương) tham gia việc lập hồ sơ khống để hoàn tất hồ sơ thanh toán theo yêu cầu của BQL dự án nhưng không nhằm mục địch chiếm hưởng và bản thân không được chia tiền nên Viện KSND Tối cao đã chuyển tội danh từ tội “Tham ô tài sản” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Viện KSND Tối cao sau khi xem xét hồ sơ vụ án đã đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiêm hình sự cho ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và ông Nguyễn Trung Kiên (cán bộ giám sát BQL dự án).

Phúc Hưng
Bình luận
vtcnews.vn