8 cô gái đồng loạt khởi kiện sau khi "vỡ mộng" đi Tây

Pháp luậtThứ Sáu, 04/06/2010 01:18:00 +07:00

(VTC News) - Sau thời gian bị đày đọa, bị bỏ đói và giá rét nơi đất khách quê người, 8 thiếu nữ đã được gia đình giải cứu đưa về nước.

(VTC News) - Sau quãng thời gian bị đày đọa, bị bỏ đói và giá rét nơi đất khách quê người, 8 thiếu nữ đã được gia đình giải cứu đưa về nước.

“Vỡ mộng” chuyện đi Tây

Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu 2009, vợ chồng ông Dương Tiến Lực và bà Lưu Thị Việt (trú tại thôn 4, xã Đồng Trạch, Bố Trạch), có con gái là Dương Thị Mai Phương đang sống ở Nga, gửi thông báo về địa phương với nội dung: cần tuyển gấp một số lao động sang Nga để làm việc cho một công ty điện tử với mức lương gần 1.000USD/tháng. Lệ phí trọn gói cho mỗi lao động đi xuất khẩu là 45 triệu đồng.

Chị Dương Thị Thùy Dung và Dương Thị Ngọc Hà, 2 trong số 8 cố gái bị lừa xuất khẩu lao động, đang kể lại sự việc với phóng viên VTC News

Thấy mức lương khá cao, lại được sự giới thiệu khá “tin cậy” của bố con ông Lực và bà Phương, gia đình 8 cô gái gồm: Dương Thị Thùy Dung, Dương Thị Phượng, Dương Thị Ngọc Hà, Trương Thị Hương, Đỗ Thị Hồng, Trần Thị Hợi, Dương Thị Thu Hoài và Dương Thị Hoa (đều trú tại xã Đồng Trạch) vội vàng vay mượn để có tiền nộp cho bố con ông Lực với cơ hội “xuất ngoại” đổi đời.

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục và đóng đầy đủ tiền cho bố con bà Phương, ngày 18/11/2009, 8 cô gái nói trên đã lên đường sang Nga với bao tâm trạng háo hức, mong chờ được đổi đời…

Sau khi sang Nga, thay vì được vào làm việc ở công ty điện tử như lời hứa của Phương, các cô gái Việt lại được đưa thẳng vào làm tại một xưởng may mặc nhỏ. Hai tháng ở đây, các cô chỉ làm việc được vài ngày vì không có hàng may và cũng không ai được nhận khoản tiền công nào ngoài việc được cấp 10kg gạo/mỗi người để sống qua ngày.

Sau một thời gian, họ bị đưa vào tận rừng sâu để làm công việc đóng gói hàng mỹ phẩm dỏm cho một công ty của người nước ngoài. Bắt đầu từ sáng sớm, họ bị chở đi vào sâu trong rừng nơi công ty đang hoạt động. Tại đây các cô phải lao động quần quật trong môi trường ô nhiễm, độc hại, thiếu thốn và thời tiết khắc nghiệt. Đến tối khuya các cô mới được về nhà để tránh sự phát hiện của cảnh sát. Lúc đau ốm các cô cũng không được nghỉ ngơi. Họ chỉ biết cắn răng làm việc, tự an ủi và khóc với nhau mỗi khi đi ngủ.

Mặc dù làm việc cật lực nhưng các cô chỉ được trả tiền công rất thấp, thậm chí không đủ chi tiêu. Nhiều hôm thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống âm hơn 30 độ, họ phải ra thùng rác nhặt nhạnh hết chăn, đệm, áo quần cũ người ta vứt đi mang về dùng đắp cho ấm.

4 tháng ở Nga, không những bị hành hạ về sức lao động, bị trả công rẻ mạt, các chị còn bị cảnh sát truy bắt 02 lần, bị thu hết hộ chiếu và bị phạt tiền vì thế sô tiền mà họ dành dụm mà họ mang sang từ quê nhà cũng phải mang ra nộp phạt Không người quen, không thân thích, bơ vơ lạc lõng giữa nơi đất khách quê người, hàng ngày các cô gái phải ra khu vực chợ Vòm ngoại ô Moskva để xin ăn, kiếm sống qua ngày.

Chị Dương Thị Thùy Dung rùng mình hồi tưởng: “Sống quá khổ và mù mịt nên chúng em đã tìm cách liên lạc với vợ chồng bà Dương Thị Mai Phương nhưng cô Phương bảo, muốn về nước phải nói người nhà gửi tiền qua để mua vé và còn dọa nếu bọn em không nghe lời, cứ đòi hỏi này nọ thì sẽ thuê người để xử bọn em”.

Sau một thời gian liên tục điện thoại về nhà cầu cứu, đến ngày 20/3/2009, 6 cô gái đầu tiên may mắn đã trở về nước an toàn sau khi được mỗi gia đình gửi qua 10 triệu đồng nhờ một thương nhân người Quảng Bình đang làm ăn, sinh sống tại Nga giúp đỡ, mua vé máy bay.  2 cô gái còn sau một thời gian lẩn trốn để tránh sự truy tìm của vợ chồng Mai Phương cũng đã được trở về Việt Nam.

Cần bản án thích đáng

Sau khi về nước, 6 cô gái cùng gia đình đến nhà ông Dương Tiến Lực yêu cầu giải thích những sự việc đã xảy ra đồng thời yêu cầu vợ chồng ông Lực phải hoàn trả lại số tiền vì đã không thực hiện theo đúng cam kết. Thế nhưng, thay vì hợp tác, gia đình ông Lực lại tỏ thái độ chống đối.

Quyết định xét xử phúc thẩm vụ án của TAND tỉnh huyện Bố Trạch

Ông Đỗ Ngọc Tấn (bố của Đỗ Thị Hồng) bức xúc nói: “Trước lúc con gái tôi sang Nga, tôi có tới gặp ông Lực để xác minh xem liệu có công ty điện tử nào của Bộ quốc phòng Nga không và được ông Lực cam đoan với tôi là có, vì vậy sau đó vợ chồng tôi đã tiếp tục nộp cho ông Lực 30 triệu đồng (trước đó mỗi gia đình đặt cọc cho bố con ông Lực 10 triệu đồng và có viết giấy biên nhận tiền). Sau một thời gian con gái tôi qua Nga điện về bảo không có việc làm, đã bị lừa và hiện giờ phải sống chui lủi, trốn tránh… gia đình chúng tôi tiếp tục đến gặp ông Lực. Thế nhưng, vợ chồng ông Lực lại hung hãn chửi bới và thách thức không trả lại tiền gì hết”. Chúng tôi tìm cách liên lạc với vợ chồng bà Mai Phương ở bên đó, nhưng mọi cái đều bặt vô âm tín”.

Vừa qua, các gia đình nói trên đã đồng loạt khởi kiện dân sự đến TAND huyện Bố Trạch để yêu cầu vợ chồng ông Dương Tiến Lực và Lưu Thị Việt trả lại số tiền đã nhận.

Mới đây, phiên tòa đã được đưa ra xét xử sơ thẩm, theo đó, Tòa án đã buộc vợ chồng ông Dương Tiến Lực và Lưu Thị Việt có trách nhiệm hoàn trả lại 50% tổng số tiền đã nhận của các gia đình vì đã có hành vi lừa dối, không thực hiện đúng theo cam kết đã thỏa thuận với số lao động nói trên.

Phong Nha

Bình luận
vtcnews.vn