Bẫy lừa “báu kiếm” Tây Sơn hớp hồn tay chơi lắm tiền

Pháp luậtThứ Bảy, 13/03/2010 06:23:00 +07:00

Không bỏ lỡ cơ hội sở hữu vật báu, lắm tay chơi mới chập chững "vào nghề" ra sức lùng sục rồi hả hê với những thanh "kiếm cổ" chỉ tốn vài triệu đồng là có được.

Giới sưu tầm cổ vật trên đất Sài thành kháo nhau về sự xuất hiện của những thanh báu kiếm - vũ khí bất ly thân của các nghĩa sĩ Tây Sơn. Không bỏ lỡ cơ hội sở hữu vật báu, lắm tay chơi mới chập chững "vào nghề" ra sức lùng sục rồi hả hê với những thanh "kiếm cổ" chỉ tốn vài triệu đồng là có được. Vào cuộc, chúng tôi vỡ lẽ nhiều kiểu chào hàng, giao dịch quái dị cùng lắm chuyện bi hài liên quan đến những khổ chủ của "báu kiếm".

Những đồn thổi về kiếm báu

Những thanh kiếm cổ "rởm" thế này có giá... vài triệu đồng/1cái
Được vài tay chơi "bắc cầu", chúng tôi có được địa chỉ của một gã buôn kiếm tự xưng tên Hùng, là dân "Tây Sơn chính hiệu". Trao đổi qua điện thoại, Hùng cho biết gã hiện giữ 4 thanh "độc thần kiếm" và một cặp "song thần côn". Hùng nói, hai món này đều nằm trong bộ mười món binh khí mà ngày trước các tướng lĩnh Tây Sơn thường sử dụng trong chiến trận.

"Tương truyền độc thần kiếm là thanh cổ kiếm mà Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn. Khi được đệ tử dâng tặng, sư phụ Nguyễn Nhạc là Trương Văn Hiến nhìn qua biết đó là báu kiếm nên cất giữ cẩn thận. Đến khi Nguyễn Nhạc chiêu quân lập binh, xây dựng quân lực tương đối hùng mạnh chuẩn bị cho đại sự thì Trương Công trao lại báu kiếm cho Nhạc. Sử sách ghi lại thanh độc thần kiếm ấy dài hơn sải tay, chém sắt như chém chuối. Thấy mỗi lần Nguyễn Nhạc rút ra khỏi vỏ thì thanh kiếm tỏa ánh hào quang chói lòa nên người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo tin kiếm là vật thần linh ban cho vua nên gọi đó là "kiếm thần" và suy tôn Nguyễn Nhạc là vua trời".

Tiếp cận với một vài tay buôn khác, chúng tôi lại được nghe các gã nổ rân trời. Trong một quán cà phê trên đường 3-2 (quận 10), người đàn ông luống tuổi ăn vận bụi bặm trông rất giang hồ, gân cổ: "Trong thập phần binh khí Tây Sơn gồm một cây thần kiếm, hai cây thần côn, ba thanh thần đao và bốn cây thần cung, thần kiếm đứng đầu vì lợi hại nhất. Sự lợi hại của thần kiếm bắt nguồn trong ngày Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất ở nghẹo Cây Khế, dưới bóng 2 cây đại thụ là cây Ké và cây Cầy (đồng bào Tây Nguyên gọi là cây kơnia) thuộc địa phận đèo An Khê (tỉnh Gia Lai)".

"Lúc đại quân tiến gần tế đàn thì xuất hiện một con mãng xà thân lớn như cột nhà, toàn thân đen bóng trườn xuống từ cây Ké rồi nằm cuộn nơi đường đi nên quân không dám tiến. Lúc ấy Nguyễn Nhạc xốc ngựa tiến tới, hùng dũng tuốt gươm vái trời đất rồi bằng thế võ uy dũng chém bay đầu rắn. Từ đó kiếm báu càng thêm lừng lẫy"…

Nhiều người sập bẫy

Điểm chung của các gã buôn báu kiếm mà chúng tôi tiếp xúc trực tiếp, qua điện thoại, trên mạng Internet đều nổ rân trời về các thanh báu kiếm. Như các gã lái kiếm khác, lúc trao đổi qua Internet, gã con buôn rao bán 2 thanh kiếm Tây Sơn với giá 2 triệu đồng một cây, khoác lác: "Khi đăng quang, Nguyễn Nhạc có cho đúc những thanh thần kiếm ban tặng cho các tướng lĩnh. Đến khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Gia đã tổ chức các cuộc thanh trừng giết hết, phá hết những ai, những gì có liên quan đến nhà Tây Sơn. Không nỡ hủy hoại làm mất dạng kiếm báu, nhiều tướng lĩnh lúc bấy giờ đã cho đúc thật nhiều thanh thần kiếm rồi chôn sâu trong lòng đất, để dưới các con suối đặng chờ sóng gió đi qua sẽ nuôi nghiệp lớn".

Gã nọ bày đặt tiết lộ: "Nhờ được cao sanh biệt đãi mà trong chuyến đi đào vàng trên núi, nhóm tụi tôi vô tình thấy được kho báu gồm 10 thanh kiếm, đem chia mỗi người 2 cây. Nay cần tiền nên bán".

Mặc dù nổ tràng giang đại hải nhưng những lời lẽ nhặng xị của các gã lái kiếm vẫn đủ sức hớp hồn các tay chơi lắm tiền bị khát vọng sở hữu của lạ lấn át lý trí. Hồ hởi tiết lộ mình vừa tậu được thanh kiếm Tây Sơn với giá 2 triệu đồng, một tay chơi tên Lý ở quận Tân Phú quyết tâm "tui đang săn một cây nữa cho đủ cặp".

Hỏi săn ở đâu, Lý úp úp mở mở chừng như sợ bị phỗng tay trên: "Có người rao bán nhưng khi mình tới nơi thì cây kiếm chỉ còn có cái chuôi, có khi chuôi sứt mẻ còn lưỡi thì gỉ sét thảm hại. Để có được cây Tây Sơn kiếm này tôi phải mất ăn mất ngủ, hao tốn nhiều công sức mới được gặp mặt chủ nhân. Hỏi người này thì họ nói đã bán cho người kia. Cuộc tìm kiếm có những lúc tưởng chừng vô vọng... Muốn săn được thần kiếm ra hồn ra xác bầm trầy lắm, phải có duyên, có số kia".

Một số tay chơi chung hội với Lý cũng có kiểu săn Tây Sơn kiếm tương tự như vậy. Có người mua "kiếm báu" ngay giữa rừng, người giao dịch tại quán cà phê, có khi tại quán nhậu. Ông Hải, chủ nhân của cặp song kiếm tậu được cách đây 2 tháng với giá 6 triệu đồng, khoe: "Do kẹt vốn làm ăn và cũng do không rành về giá trị nên chủ nhân mới chịu gả cho tôi cái giá bèo như vậy. Kiếm của tôi đã lắm, chuôi lưỡi đều Ok. Có mấy tay xem qua khoái quá trả giá gấp 3 gấp 4 lần nhưng đời nào tui chịu gả".

Kỹ nghệ biến thanh sắt thành kiếm cổ

Trước trào lưu săn lùng kiếm cổ Tây Sơn của nhiều tay chơi, anh Ung Thanh Dũng, người nổi tiếng với bộ sưu tập súng thần công, khuyến cáo: "Nắm bắt tâm lý khoái sưu tầm cổ vật của nhiều tay chơi mới phất, bọn gian bày ra lắm kiểu lừa gạt. Để khổ chủ tin mấy cây kiếm nhuốm màu thời gian là đồ cổ, bọn gian phịa đủ chuyện như tình cờ đào được, đi rừng lạc vào hang đá và phát hiện kho báu…".

Cẩn trọng trước những thanh kiếm cổ Tây Sơn bởi theo các nhà sưu tập cổ vật, có trên 90% đồ cổ rao bán trên thị trường là… đồ dỏm. 

Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Tường ở quận 12, cảnh báo: "Hễ thấy món đồ cũ kỹ như tượng, kiếm, trống đồng… cũ kỹ nhiều người nghĩ đó là cổ vật nhưng chưa chắc. Nếu cần tôi có thể tạo ra cả trăm cây kiếm cổ Tây Sơn với kỹ thuật đổ axít lên mấy thanh kiếm sắt, tiếp đó ngâm vào dung dịch muối và phèn chua cho nó mờ đục, nổi teng lên là xong. Do vậy nếu không phải là dân trong nghề hoặc không có người am tường hiểu tận tư vấn thì đừng ham báu vật kẻo sụp bẫy đấy!"

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn