Truyền hình thực tế: Tìm tài năng Việt hay kiếm tiền?

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 22/09/2012 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Hàng loạt gameshow phủ sóng truyền hình quốc gia với hàng loạt cái tên rất kêu như tìm kiếm thần tượng, tài năng…nhưng tài năng thì chả thấy đâu.

(VTC News) – Hàng loạt gameshow phủ sóng truyền hình quốc gia với hàng loạt cái tên rất kêu như tìm kiếm thần tượng, tài năng…nhưng tài năng thì chả thấy đâu, chỉ nhà sản xuất thu về bộn tiền.

Vài năm gần đây, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế ồn ào đổ bộ vào Việt Nam: Pop Idol (Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol), Dancing With The Stars (Bước nhảy hoàn vũ), Just The Two Of Us (Cặp đôi hoàn hảo), Got Talent (Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent), Clash of the choirs (Hợp ca tranh tài), America's Next Top Model (Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model), Star Academy (Ngôi nhà âm nhạc), The Voice (Giọng hát Việt)…

Khoa trương thành “thần tượng”, “tài năng”

Phải nhấn mạnh rằng, các chương trình kể trên là những chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, khi về Việt Nam, hầu hết các chương trình được nhà sản xuất khuếch trương trở thành những cuộc thi tìm kiếm tài năng có quy mô toàn quốc.
 
Vietnam's Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam), Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam), Super Star (Ngôi sao tiếng hát truyền hình), Academy Stars (Ngôi nhà âm nhạc)… sau khi kết thúc, đa số các “idol” thì hát không ai nghe, “super star” thì lặn mất tăm.

Lấy ví dụ về cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình (THTH) có thể kể: Phương Trinh (2006), Võ Hạ Trâm (2007), Đỗ Tùng Lâm (2008), Tiêu Châu Như Quỳnh (2009), H’Zina Bya (2010), Bùi Anh Tuấn (2011)… Trong số này chẳng ai trở thành “star” chứ đừng nói là “super star”.

Hiện nay một trong hai chương chương trình đang diễn ra là trên sóng VTV là The Voice - Giọng hát Việt, nó cũng được xem là một chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, nhưng nếu không “võ đoán” thì nó cũng chẳng có gì sáng sủa hơn.

Có thể thấy, hầu hết những giọng ca được tâng bốc là “khủng khiếp”, “gây sốt”, “hiếm có” ở chương trình này đều không phải là ai xa lạ hay tài năng mới được “khai quật” như: Bùi Anh Tuấn, Tiêu Châu Như Quỳnh, Thái Trinh, Đồng Lan, Bảo Anh, Hương Tràm…

Trong số họ, những người ít được biết tới cũng từng tham gia các cuộc thi nhưng chẳng được mấy ai quan tâm, chưa có giải gì như Sao Mai, Sao Mai - Ðiểm hẹn, Vietnam Idol, Let’s get loud, người được biết tới nhiều hơn thì cũng đoạt giải ở Bài hát Việt, Ngôi sao tiếng hát truyền hình nhưng sau đó không để lại dấu ấn đáng kể đối với đời sống âm nhạc, không có sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý.

Vậy mà khi trở thành thí sinh The voice Vietnam, các huấn luyện viên hết lời ca ngợi như vừa phát hiện những tài năng âm nhạc lớn..

Những giọng ca "khủng khiếp" được The voice Vietnam "khai quật"? 

Không thể phủ nhận, sức hấp dẫn của những chương trình kể trên bởi nó được mua format nổi tiếng của nước ngoài với giá cả triệu USD. Tuy nhiên, nghịch lý là ở trời Tây, người ta vẫn tìm kiếm được tài năng sáng giá nhưng ở Việt nam thì hầu như là không.

Thử xem một vài chương trình ở Anh và Mỹ: Với American Idol, năm 2002 Kelly Clarkson đăng quang thì chỉ 1 năm sau album đầu tay Thankful của Kelly đã đứng đầu bảng xếp hạng của US Billboard Hot 200. Carrie Underwood đăng quang năm 2005 và album Some Hearts đứng đầu Top Country Album của US Billboard 200.

Điều quan trọng hơn, không lâu sau đó, cả 2 ca sĩ này đã giành được giải thưởng âm nhạc danh giá nhất thế giới - Grammy (Kelly Clarkson với giải Nữ nghệ sĩ trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất - Grammy 2006; Carrie Underwood với giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất - Grammy 2007)…

Hiện tượng Susan Boyle ở cuộc thi Britain’s Got Talent 2009 (Anh) đã làm chấn động giới nghe nhạc. Tuy cô không đoạt được giải quán quân, nhưng bài hát I Dreamed A Dream mà cô trình diễn trong cuộc thi này sau khi tung lên YouTube chưa đầy 1 tuần, nó đã đạt con số kỷ lục - 50 triệu hit. Và giọng hát của Susan Boyle được nhiều người công nhận là “hay đến ngỡ ngàng”.

Susan Boyle trở thành "hiện tượng" (ảnh: Internet) 

“Càng có nhiều cuộc thi thì càng dễ dàng nhận ra rằng, việc tìm những bạn trẻ có tài năng thực sự rất khó. Không phải là mỗi một năm chúng ta mở ra một cuộc thi và sẽ tìm ra được một ca sĩ thực sự có triển vọng.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa những tài năng hát và những ca sĩ hàng loạt nhé. Dù có rất nhiều các cuộc thi nhưng một ca sĩ có tầm vóc thì tôi chưa thấy rõ rệt”, ca sĩ Thanh Lam nhận xét về các cuộc thi hát trên truyền hình trong một bài phỏng vấn.

Mục đích chính là kiếm tiền

Lý giải cho những vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu âm nhạc cho rằng, sở dĩ trong hang cùng ngõ hẻm ở trời Tây vẫn còn có những tài năng đích thực, bởi mặt bằng trình độ chung về âm nhạc của các nước châu Âu và Mỹ là khá cao, còn Việt Nam thì còn khá thấp.

Vào khoảng năm 2006-2007, khi các cuộc thi hát trên truyền hình “nổ” như bom tấn để quan trọng hóa cuộc thi của mình, tên các cuộc thi luôn có các từ như “sao”, ngôi sao”, “thần tượng”… Cả cuộc thi dành cho cải lương - vọng cổ cũng lấy tên “Ngôi sao vọng cổ”, cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên thì “Ngôi sao học đường”…

Nhưng trước làn sóng công kích sự khoa trương, khoác lác đối với các cuộc thi, một số đơn vị tổ chức cũng đã chùn bước. Điển hình là Ngôi sao vọng cổ được đổi thành Chuông vàng vọng cổ, Ngôi sao học đường đổi lại là Tiếng ca học đường.

Thực chất, rất nhiều chương trình thi hát trên truyền hình hiện nay ở Việt Nam là những “siêu phẩm” dùng để kiếm tiền của ngành truyền hình nhiều nước trên thế giới, trong đó việc tìm kiếm tài năng chỉ là phụ mà cái chính là yếu tố giải trí để kiếm tiền. Có chăng, vì mặt bằng trình độ văn hóa âm nhạc của một số nước trên thế giới khá cao như đã nói trên nên thỉnh thoảng các cuộc thi của họ vẫn xuất hiện những tài năng làm “điêu đứng” khán giả.

Các kịch bản đó khi đến Việt Nam và nhà sản xuất khoa trương rằng nó là chương trình tìm kiếm tài năng, nhưng thực tế đã diễn ra không đúng như những gì họ nói, nên nó trở thành điều khoa trương kệch cỡm. Vì trình độ thấp nên thí sinh (Vietnam's Got Talent) nhảy kiểu Michael Jackson thì còn kém các “lãng tử” biểu diễn theo phong cách Michael Jackson ở các quán nhậu vùng ven Sài Gòn để bán kẹo kéo, singum. “Tài vặt”nuốt cá kèo được “lộng ngôn” thành tài năng… Nhiều người buồn rầu: Tài năng Việt chỉ như thế thôi à?

Việt Nam có "tài năng" nuốt cá kèo??? 

Tệ hơn, những vụ việc có lẽ nhà sản xuất thừa biết nó sẽ  bị “ném đá”, nhưng với lý luận là chương trình truyền hình thực tế thì phải trung thành với thực tế, đưa cả cái hay, cái dở phơi bày lên truyền hình. Trường hợp scandal của Quỳnh Anh là một ví dụ cụ thể. Nó đã gây bão trên công luận, dù Quỳnh Anh khốn đốn, nhưng sự việc vẫn được diễn ra vì nó có lợi cho nhà sản xuất. “Bão nổi lên rồi” và doanh số quảng cáo cũng đến như vũ bão cả về chất lượng lẫn số lượng. Đêm chung kết, giá quảng cáo của nó đã đạt tới 150 triệu/30s.

Scandal dàn xếp của The Voice Vietnam vừa qua cũng không làm nhà sản xuất bất lợi bởi giá quảng cáo của nó cũng tăng 10% ngay sau đó, đạt mức giá cao nhất của ngành quảng cáo truyền hình hiện nay (180 triệu/30s).

Thôi thì không tìm kiếm được tài năng thì kiếm tiền vậy. Có điều nhà sản xuất hình như vẫn còn “cao đạo” cho rằng mình đang làm những việc to lớn: tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam mà không chịu nói “thật thà” mục đích chính là đang kiếm tiền…

Phượng Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn