Hiểm họa thịt lợn siêu nạc: Chuyên gia nói gì?

Sức khỏeThứ Sáu, 16/03/2012 06:02:00 +07:00

(VTC News) – Chất Clenbuterol, Salbutamol tồn dư trong thịt lợn bao nhiêu sẽ vào cơ thể người tiêu dùng bấy nhiêu, gây ra ung thư.

(VTC News) – Chất Clenbuterol, Salbutamol tồn dư trong thịt lợn bao nhiêu sẽ vào cơ thể người tiêu dùng bấy nhiêu, gây ra ung thư, nhược cơ, tổn hại hệ thần kinh.

Trong khi người dân đang hoang mang vì chưa biết thịt lợn siêu nạc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào, phân biệt thịt lợn bẩn và sạch ra sao, thì chính TS Nguyễn Thị Minh, người tham gia dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ NN và PTNT đồng thời là một người nội trợ cũng bó tay khi phân biệt chính xác chúng.

“Không thể nhận biết được thịt lợn sạch hay thịt lợn có chứa thuốc tăng trọng và kháng sinh ở ngoài chợ vì không có một chứng nhận nào từ người bán thịt ngoài chợ chứng mình đây là lợn sạch, thì từ khâu nuôi đến khâu mổ thịt và bán đều đúng theo quy trình do các cơ quan chức năng ban hành”, bà Minh cho biết.

Những bao cám này nếu bị trộn chất kích thích tăng trưởng là Clenbuterol và Salbutamol thì sẽ trở thành chất độc cho cả lợn và người tiêu dùng

Nếu thịt lợn có chứa chất kích thích tăng trưởng là Clenbuterol và Salbutamol, ăn vào sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. Clenbuterol và Salbutamol được dùng trong y học có tác dụng làm giãn phế quản, giãn cơ trơn cuống phổi, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng quá trình sinh tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm mỡ trong cơ thể.

Clenbuterol trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn. Clenbuterol có tác dụng đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, tăng cường phát triển cơ bắp nhưng dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mang bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì heo sẽ chết trong vòng không tới nửa tháng. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi lợn gần đến ngày xuất chuồng.

Như vậy, khi người tiêu dùng ăn phải thịt lợn này sẽ ăn luôn hàm lượng hormone và kháng sinh tồn dư trong thịt lợn. Nhưng sự chưa tiêu hóa hết của các chất này trong thịt lợn sẽ gây những rối loạn chức năng tim và phổi như tim đập nhanh, tăng huyết áp, phù nề, liệt cơ, run cơ, đau đầu, buồn nôn... cho người sử dụng.

Chất Clenbuterol và Salbutamol thuộc họ Beta - agonist là một trong những chất dùng trong chăn nuôi. Với thuốc Salbutamol được dùng ở người, các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai.

Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng có tác dụng giống như khi uống thuốc này. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.

Còn Clenbuterol là chất độc giúp tăng trọng gia súc, nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Đây là hoạt chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng.

Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, Clenbuterol gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội, nếu người dân ăn thịt lợn có tồn dư kháng sinh cơ thể sẽ xuất hiện vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Việc này dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc nên gây khó khăn trong công tác điều trị phòng chống bệnh tật.

Hiện, Clenbuterol bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Clenbuterol và Salbutamol đã bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.

Làm sao mua thịt lợn không có chất kích nạc?

“Đó là một câu chuyện dài, liên quan tới quy trình sản xuất làm sao để có sản phẩm an toàn mang ra chợ. Điều này cần có nhiều hoạt động và nỗ lực chung của các bên liên quan thì mới trả lời được câu hỏi đó." - Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) nói.

Do đó, cách tốt nhất để chọn thịt an toàn là nên mua thịt tại các siêu thị, hoặc những nơi có đóng dấu của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm".

Nếu mua ngoài chợ, nhìn về cảm quan theo như ông Nguyễn Huy Đăng nói thì rất khó, chỉ có thể kiểm tra bằng cách xét nghiệm thịt. Tuy nhiên, về mặt tương đối có thể quan sát thịt lợn phải dẻo, không dính tay, có màu hồng tự nhiên. Không chọn thịt có màu sắc đỏ sẫm. Vì con lợn đó có thể đã được cho ăn chất kích nạc.

Nếu thịt lợn nấu lên có tồn dư kháng sinh sẽ bốc mùi thì phải dứt khoát không dùng. Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, có độ săn chắc kém.

Với lợn được cho ăn chất kích nạc, khi lợn còn sống, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, lợn đi đứng nặng nề, thậm chí còn bại liệt do xương bị mục.

Thịt lợn có nạc gần sát với da, ít mỡ. Mỡ chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (heo bình thường dày 1-1,5 cm). Thịt lợn có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon. Loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.

Hiện nay, Viện Kỹ thuật Hoá sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Tổng Cục Kỹ thuật - Bộ Công an) đã nghiên cứu ra bộ thử chất Clenbuterol trên thịt lợn. Tuy nhiên, bộ thử này chưa được tung ra thị trường.

Như vậy, khi sản phẩm này được bán rộng rãi, các bà nội trợ có thể mua để thử mỗi khi đi chợ mua thịt lợn nhằm loại bỏ chất độc hại Clenbuterol.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn