Thảm kịch Germanwings: Càng điều tra càng choáng

Thế giớiThứ Ba, 31/03/2015 11:26:00 +07:00

Giới truyền thông Đức tiết lộ thêm về tình trạng sức khỏe và những vấn đề trong mối quan hệ cá nhân của cơ phó Andreas Lubitz.

Giới truyền thông Đức tiết lộ thêm về tình trạng sức khỏe và những vấn đề trong mối quan hệ cá nhân của cơ phó Andreas Lubitz.

Những gì diễn ra trong buồng lái chuyến bay 4U9525 của Hãng hàng không giá rẻ Germanwings vào những giây phút cuối, trước khi nó lao xuống một khe núi trên dãy Alps thuộc Pháp cũng là điều mà mọi người muốn biết một cách chính xác.

13 phút kinh hoàng
Tờ Bild của Đức dẫn lời cơ trưởng Patrick Sondenheimer trong đoạn ghi âm dài 90 phút từ hộp đen hét lên cầu xin: “Vì Chúa, hãy mở cửa ra!” trong khi tay vẫn đập cửa buồng lái. 13 phút sau chiếc máy bay Airbus A320 nát vụn trăm mảnh trên dãy Alps.
Đội tìm kiếm cứu hộ Pháp làm việc rất khó khăn trên sườn núi dốc nghiêng 40-60 độ - Ảnh: Reuters 
Theo thông tin của tờ Bild, cơ trưởng Sondenheimer đã nói với cơ phó Lubitz rằng ông không kịp đi vệ sinh trước khi cất cánh và cơ phó Lubitz đáp rằng ông có thể đi vệ sinh bất cứ lúc nào. Chuyến bay cất cánh trễ 20 phút.
Sau khi đạt độ cao ổn định, cơ trưởng Sondenheimer yêu cầu cơ phó Lubitz chuẩn bị cho việc hạ cánh vì là chuyến bay ngắn.
Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị này, cơ phó Lubitz một lần nữa nhắc cơ trưởng rằng ông “có thể đi (vệ sinh) bất cứ lúc nào”. Tờ Bild trích dẫn đoạn ghi âm buồng lái cho biết cơ trưởng Sondenheimer nói với Lubitz rằng “hãy đảm nhiệm từ đây” trước khi có tiếng đẩy lùi ghế ngồi về phía sau.
Lúc 10g29, rađa không lưu phát hiện máy bay đang mất dần độ cao. Ba phút sau đó nhân viên kiểm soát không lưu cố gắng bắt liên lạc với 4U9525 nhưng không nhận được hồi âm. Trước đó một chút, chuông cảnh báo vang lên trong buồng lái báo động việc máy bay đang rơi.
Tiếp đó là tiếng đập cửa. Cơ trưởng Sondenheimer cầu xin cơ phó Lubitz mở cửa cho ông vào. Hành khách bắt đầu la hét.
Video: Hé lộ sự thật về cơ phó Andreas Lubitz
quocte/2015/03/30/Video-s-tht-kinh-hong-v-c-ph-my-bay-c-1427719073.mp4&stream=pseudo" src="https://vtcnews.vn/static/swf/player.swf" type="application/x-shockwave-flash" height="350" width="500">
Ba phút nữa trôi qua, một tiếng đập mạnh vào bề mặt kim loại vang lên tại độ cao khoảng 7.000m. Một phút rưỡi sau đó máy bay xuống thấp hơn 2.000m và chuông cảnh báo vang lên “Mặt đất - bay lên!”.
“Mở cánh cửa chết tiệt này ra!” - cơ trưởng Sondenheimer mất bình tĩnh thét lên. Lúc này là 10g38 và máy bay đang ở độ cao 4.000m. Tờ Bild cho biết vẫn có thể nghe thấy hơi thở của cơ phó Lubitz từ hộp ghi âm buồng lái.
Hai phút sau đó các nhà điều tra nghĩ rằng họ đã nghe tiếng cánh phải của chiếc Airbus va quẹt vào đỉnh núi. Nhiều tiếng la thét vang lên lần cuối.
Theo phóng viên hàng không Richard Quest của CNN, ghi âm buồng lái là một trong những phần nhạy cảm nhất và được bảo vệ cẩn mật nhất trong các cuộc điều tra tai nạn hàng không, do đó nội dung sẽ không bao giờ được công bố chính thức trước công chúng.
Thông thường trong bản báo cáo cuối cùng về một tai nạn hàng không, các nhà chức trách sẽ công bố một bản sao đã biên tập và chỉnh sửa.
Cơ phó mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Trong khi đó các nhà điều tra vẫn tiếp tục xem xét tình trạng sức khỏe cả về tinh thần và thể chất của cơ phó Lubitz trên chuyến bay định mệnh chở 150 người từ Barcelona (Tây Ban Nha) đến Dusseldorf (Đức) trong ngày 22/3.
Video: Cơ phó lừa cơ trưởng ra khỏi buồng lái, đâm máy bay vào vách núi
Các chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng tự tử thường là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp mà khó có thể dùng những lời giải thích đơn giản để làm rõ nguyên nhân.
Các báo cáo trước đây tập trung vào vấn đề tâm lý khi cho rằng viên phi công 28 tuổi này bị chứng trầm cảm nặng, gặp khó khăn trong quan hệ với bạn gái cũng như gặp vấn đề về thị lực.
Tuy nhiên tờ báo Pháp Le Parisien dẫn một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết ngoài chứng trầm cảm nặng, cơ phó Lubitz còn mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Năm 2010, Lubitz từng được tiêm thuốc chống rối loạn thần kinh.
Ngoài ra, Lubitz cũng từng được kê đơn thuốc ảnh hưởng đến việc khuếch tán các chất dẫn truyền xung động thần kinh nhưng Le Parisien không rõ Lubitz dùng đơn thuốc này trong khoảng thời gian nào.
Theo báo Đức Welt am Sonntag thì các nhà điều tra cũng tìm thấy một ít thuốc trong căn hộ của Lubitz cùng hai ghi chú của bác sĩ về việc cấm Lubitz làm việc từ ngày 16-3 đến 29-3.
AFP cho biết các nhà điều tra Đức và Pháp đã từ chối xác nhận cũng như phủ nhận báo cáo trên. Trong khi đó bệnh viện thực hành Đại học Dusseldorf cho biết Lubitz đã điều trị triệu chứng bệnh trong tháng 2 và tháng 3, nhưng phủ nhận đó là điều trị trầm cảm.
Ngoài ra tờ Bild đưa tin Lubitz và người bạn gái đang mang thai có một cuộc “khủng hoảng nghiêm trọng trong mối quan hệ của họ”. Tuy nhiên, AFP dẫn lời điều tra viên người Pháp Jean-Pierre Michel cho rằng đến nay cuộc điều tra không tìm thấy “yếu tố đặc biệt” nào trong cuộc sống thường ngày của cơ phó Lubitz để lý giải cho hành động tự sát của anh ta.
Thêm vào đó, một yếu tố có thể khiến trạng thái tinh thần của cơ phó Lubitz thêm căng thẳng là việc giấy phép bay của Lubitz phải đổi vào tháng 6 tới. Câu hỏi được đặt ra ở đây là có thể cơ phó này sợ rằng các nhà chức trách sẽ không gia hạn giấy phép bay nếu biết bệnh trạng của anh ta.
Các nhà điều tra dự kiến sẽ thẩm vấn người thân, bạn bè và đồng nghiệp của viên cơ phó để cố gắng giải mã nguyên nhân khiến Lubitz quyết định điều khiển máy bay đâm vào sườn núi.
Xác định ADN của 78 nạn nhân
Đội chuyên viên đặc nhiệm bao gồm bác sĩ, nha sĩ và các chuyên gia nhận dạng thuộc lực lượng cảnh sát Pháp đến nay đã xác nhận được ADN của 78 người trên chuyến bay xấu số từ những bộ phận cơ thể thu nhặt tại hiện trường vụ tai nạn.
AFP dẫn lời các nhà điều tra cho biết máy bay đã đâm vào vách núi ở vận tốc 700 km/giờ khiến mọi thứ đều nát vụn. Ông Patrick Touron  - phó giám đốc Viện Nghiên cứu tội phạm của cảnh sát Pháp - khẳng định nhóm điều tra đã xét nghiệm ADN của 400-600 mảnh thi thể trong một phòng thí nghiệm gần thị trấn Seynes thuộc miền nam nước Pháp.
Theo ông Touron, trong thảm họa, thông thường khoảng 90% việc xác định danh tính dựa vào hồ sơ nha khoa. Tuy nhiên đối với trường hợp của chuyến bay 4U9525 thì ADN đóng vai trò quyết định.
Các mẫu ADN này sau đó sẽ được gửi đến một phòng thí nghiệm ở ngoại ô Paris để đối chiếu với mẫu ADN do gia đình các nạn nhân cung cấp.

Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn