GS Nguyễn Lân Dũng: Coi thường pháp luật là nguy hiểm

Giáo dụcThứ Năm, 20/10/2011 08:01:00 +07:00

(VTC News)- “Chính quyền địa phương coi thường các quy định của pháp luật là chuyện quá nguy hiểm..." GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

(VTC News)- “Chính quyền địa phương coi thường các quy định của pháp luật là chuyện quá nguy hiểm. Làm lãnh đạo mà không thuộc các Luật thì cần có các chuyên gia giúp nhắc nhở trước khi quyết định bất kỳ chuyện gì khác thường”. GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ xung quanh vụ việc Nam Định công khai không tuyển công chức tốt nghiệp ĐH dân lập, tư thục, tại chức vừa qua.


GS Nguyễn Lân Dũng:  “Chính quyền địa phương coi thường các quy định của pháp luật là chuyện quá nguy hiểm".


-Vừa qua Tại kỳ thi công chức năm, Sở Nội vụ Nam Định đã tuyên bố không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức”? Giáo sư (GS) suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?


Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin này. Lãnh đạo Sở Nội vụ Nam Định và Ông Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chắc chắn phải là những người nắm vững nội dung của Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-7-2010) cũng như Luật Viên chức và Luật cán bộ công chức 2008.

Chưa bàn đến nội dung của các ý kiến trên đây, chỉ cần thấy tinh thần thiếu thượng tôn pháp luật đã đủ thấy sự bất hợp pháp của các ý kiến này

- Theo chủ trương này, Sinh viên tốt nghiệp Harvard cũng không được làm tại Nam Định? (Harvard là trường tư thục tại Mỹ). Như vậy, điều này có thực sự hợp lý?


Chúng ta chưa đủ điều kiện mở rộng rãi các Trường công lập cho nên Chính phủ cho phép thành lập các Trường tư thục với những quy định rất chặt chẽ cũng như việc giải thể khi không đáp ứng các quy định (tham khảo Luật Giáo dục bổ sung). Tôi có dịp đi qua nhiều nước, Trường tư thục thường  danh giá hơn các Trường công lập, vì có các phòng nghiên cứu hiện đại và có nhiều giáo sư giỏi. Ta chưa đạt được như vậy nhưng đâu phải Trường tư thục nào cũng kém chất lượng?

- Đứng trên tư cách là một đại biểu quốc hội nhiều khóa, GS cho rằng việc một số tỉnh đang công khai đi ngược lại Luật Giáo dục có phải là một điều nguy hiểm?


Chính quyền địa phương coi thường các quy định của pháp luật (bất kỳ là Luật gì cũng vậy) đều là chuyện quá nguy hiểm. Làm lãnh đạo mà không thuộc các Luật thì cần có các chuyên gia giúp nhắc nhở trước khi quyết định bất kỳ chuyện gì khác thường.

- Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định cho rằng: “Với quyết định này, chúng tôi mong có sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng bộ máy hành chính của tỉnh.”. GS có đồng tình với trả lời này của lãnh đạo tỉnh Nam Định?

Tôi không tin có bất kỳ sự đột phá nào, vì sinh viên công lập cũng thiếu gì em dốt và lười, ngược lại sinh viên dân lập tuy nói chung có kém hơn nhưng không phải không có các em rất xuất sắc do có quyết tâm phấn đấu. Câu Dốt như chuyên tu, Ngu như tại chức là một sự đánh giá võ đoán và không hoàn toàn đúng. Mặt khác có thể có em học khá nhưng ham chơi thì có tuyển vào cũng sẽ thua xa các em học chưa khá nhưng hiếu học, vượt khó để tiến bộ.

Thi tuyển theo Luật định là hợp lý nhưng nên có thời gian tập sự, ai không đủ năng lực hay thiếu phẩm chất tốt thì cơ quan có thể đào thải theo quy định của Luật cán bộ, công chức.

Dư luận đã bất bình trước quyết định trước đây ở Đà Nẵng (hoặc quyết định chỉ chọn Tiến sĩ ở Hà Nội) vậy mà nay lại xuất hiện sự kiện này ở một tỉnh nổi tiếng hiếu học như Nam Định thì thật là chuyện rất đáng tiếc. Mong rằng lãnh đạo Tỉnh nên tiếp thu ý kiến của đông đảo công chúng để ngừng ngay lại những chủ trương vừa trái pháp luật vừa thiếu khách quan này.

GS Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Nguyễn Á) 

- Thưa GS, sau Đà Nẵng thì tỉnh Nam Định cũng nói không với “tại chức, dân lập, tư thục” . Vậy điều này liệu có dẫn tới việc hàng loạt các tỉnh khác cũng chạy theo và có những cách làm như hai tỉnh này?

Tôi biết hai tỉnh này đều có các Trường Tại chức, Dân lập, Tư thục. Vậy nếu Nói không với sinh viên các trường này thì để các trường ấy tồn tại làm gì nữa? Hay là những sinh viên này sẽ phải lên miền núi tìm việc, mà đã chắc gì tìm được việc. Trước ý kiến rộng rãi của công luận qua hai sự kiện này tôi tin rằng chẳng có lãnh đạo tỉnh nào lại dại dột bắt chước như vậy nữa đâu.

- Sau sự việc này, liệu số phận của những trường ĐH ngoài công lập sẽ đi đâu khi hệ quả của việc này trở thành một làn sóng lan sang các tỉnh khác? Theo GS, Các trường ĐH ngoài công lập trong trường hợp này cần phải làm gì để tự bảo vệ mình?


Đài Loan có dân số bằng khoảng ¼ nước ta, diện tích bằng 1/10 nước ta nhưng các Trường ngoài công lập rất nổi tiếng và sinh viên rất có giá sau khi tốt nghiệp. Chúng ta đừng dễ dãi quá khi cho phép mở hàng loạt các trường ngoài công lập. Mặt khác một số trường ngoài công lập phải đuổi theo chất lượng của một số Trường quốc tế đang mở ở nước ta.

Tại sao mặc dầu học phí rất cao nhưng cũng rất khó mà xin vào nổi? Tính hiếu học của dân ta là đáng quý quá đi chứ. Nếu không đủ điều kiện mở nhiều chuyên ngành khoa học thì tại sao chúng ta không mở nhiều trường Ngoại ngữ. Ngày nay với vốn ngoại ngữ khá ai cũng có thể dễ dàng trở thành nhà doanh nghiệp khi biết khai thác các bằng phát minh (đã quá thời hạn quy định) có nhan nhản trên Internet. Cả nước thông thạo ngoại ngữ thì mới là chuyện dễ dàng bứt phá lên trên đường hội nhập thế giới.

 Luật cán bộ, công chức được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XII đã ghi rõ:
Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức

1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Hình thức, nội dung thi tuyển công chức phải phù hợp với ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
2. Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc thi tuyển, xét tuyển công chức.
Điều 38. Nguyên tắc tuyển dụng công chức
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.
4. Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Luật Giáo dục ghi rõ tính pháp lý bình đẳng của các loại bằng cấp


Xin cảm ơn GS!

Bạn đọc nghĩ gì về cách làm của Nam Định trong việc xét tuyển công chức? Nếu bạn (con em của bạn) là một sinh viên tại chức, dân lập, bạn sẽ nghĩ gì về quyết định này? Ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Phạm Thịnh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn