Báo Nhật: TQ chuẩn bị thâu tóm Biển Đông

Thế giớiThứ Tư, 20/07/2011 01:03:00 +07:00

(VTC News) - Theo báo Yomiuri (Nhật), với việc đưa tàu sân bay vào sử dụng, Trung Quốc đang định thâu tóm hoàn toàn quyền khống chế trên Biển Đông.

(VTC News) - Theo báo Yomiuri (Nhật), với việc đưa tàu sân bay vào sử dụng, Trung Quốc đang định thâu tóm hoàn toàn quyền khống chế trên Biển Đông, tiến hành phong tỏa và thâm nhập sâu vào vùng biển này. Đây là mối nguy hiểm không chỉ đối với biển Đông mà còn đối với cả biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku của Nhật Bản.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu.

Báo "Yomiuri" cho biết ngày 8/7, báo "Thanh niên Trung Quốc" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc - cơ sở chính trị của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - đã đăng bài xã luận với tựa đề “Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc trong tương lai sẽ như thế nào” của một đại tá hải quân, chuyên gia của Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân, trong đó nêu rõ: Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc hải dương, cần phải có tàu sân bay hạng trung trở lên. Nếu theo đúng qui tắc, Trung Quốc phải có ít nhất 3 tàu sân bay.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Theo báo "Yomiuri", tuyên bố trên ám chỉ việc Trung Quốc sẽ đóng thêm 2 tàu sân bay nữa, ngoài tàu sân bay Varyak mua của Ucraina. Tàu sân bay do Trung Quốc bắt đầu tự đóng trong năm nay sẽ được biên chế vào Hạm đội Hải Nam quản lý Biển Đông. Nếu hai đội tàu chiến có tàu sân bay được triển khai ở Biển Đông, một đội sẽ làm nhiệm vụ tuần tra-tác chiến, còn đội kia có thể tham gia hỗ trợ và đảm nhiệm công tác huấn luyện. Các đội tàu chiến có tàu sân bay của Trung Quốc - với sức mạnh chiến đấu áp đảo - sẽ thường trú ở Biển Đông và các nước như Philíppin sẽ không thể “động chân, động tay” được nữa. Như vậy, trên thực tế, Biển Đông sẽ trở thành “biển của Trung Quốc”.

Nhật Bản, nước đang đối đầu với Trung Quốc về các lợi ích ở biển Hoa Đông, cũng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Một nguồn tin nắm rõ mối quan hệ Nhật-Trung bày tỏ lo ngại rằng “khi va chạm xảy ra ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, có thể tàu sân bay của Trung Quốc sẽ xuất hiện ở khu vực này. Đây là mối đe dọa lớn”.

Việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay và tích lũy kinh nghiệm vận hành còn được cho là nhằm răn đe Mỹ trong tương lai vì Mỹ đang tăng cường can dự vào tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng “cho dù tàu sân bay của Trung Quốc được hoàn thành, trước mắt nó vẫn chưa trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ vì Trung Quốc thiếu kinh nghiệm vận hành".

Báo "Sankei" của Nhật Bản dẫn lời giáo sư trường đại học quốc phòng Mỹ Bernard Cole, người có kinh nghiệm 30 năm làm sĩ quan hải quân Mỹ và là hạm trưởng tàu khu trục ở Thái Bình Dương, cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc quá yếu trước sức tấn công của quân Mỹ khi xảy ra chiến sự và sẽ trở thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt. Hải quân Trung Quốc chưa đủ tàu tiếp nhiên liệu và tàu vận tải để hỗ trợ tàu sân bay. Bản thân tàu sân bay của Trung Quốc không có khả năng phòng ngự và tấn công như tàu sân bay của Mỹ. Ngoài ra, nếu Trung Quốc đóng nhiều tàu sân bay, nguồn tài nguyên để đóng các tàu chiến khác sẽ giảm đi. 

 

Các chuyên gia quân sự khác của Mỹ cũng chỉ rõ rằng tàu sân bay Varyak của Trung Quốc không có rađa giống như rađa E2 và cũng không có loại máy EA phòng chống rađa địch như của Mỹ. Máy bay “Tiêm kích J-15” của Trung Quốc cũng không thể so với máy bay Mỹ về tốc độ, cự ly bay và vũ khí được trang bị, trong khi các tàu hộ tống và tàu ngầm bảo vệ tàu sân bay Varyak cũng yếu hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia Mỹ nhấn mạnh đến uy lực trong thời bình của tàu sân bay Trung Quốc. Một chuyên gia về Trung Quốc từng là quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng năng lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc đối phó với tàu sân bay Trung Quốc khi xảy ra chiến sự là rất cao, nhưng để tấn công và vô hiệu hóa tàu sân bay của Trung Quốc thì không phải dễ mà phải triển khai trước một lực lượng chiến đấu đặc biệt tại những vị trí xác định. Ngoài ra, tàu sân bay vào thời bình có hiệu quả vô cùng lớn trong việc phô trương sức mạnh và uy tín với người dân. Do đó, cần coi trọng sức mạnh mà tàu sân bay tạo ra cho toàn bộ chiến lược hải dương của Trung Quốc.

Một chuyên gia cảnh báo: "Tàu sân bay của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa thực sự sau 10-20 năm nữa”.

Với việc triển khai tàu sân bay, hải quân Trung Quốc còn nhằm tiến ra Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc đang hợp tác với Mianma, Xri Lanca, Pakixtan và bắt đầu xây dựng các cảng quân sự.
>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông.

 
Bình luận
vtcnews.vn