6 giải pháp tăng lương của nguyên Thứ trưởng Nội vụ

Thời sựThứ Hai, 03/10/2011 06:50:00 +07:00

(VTC News) – Tăng ngân sách chi cho tiền lương, giảm biên chế, trả lương theo vị trí chứ không trả lương theo người…

(VTC News) – Tăng ngân sách chi cho tiền lương, giảm biên chế, trả lương theo vị trí chứ không trả lương theo người…

 


VTC News tiếp tục trích đăng tải những kiến nghị của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Thang Văn Phúc về cải cách tiền lương:


Cắt bỏ những rào cản, để nâng lương cho công chức.  

Để triển khai thành công cuộc cải cách cơ bản chế độ tiền lương trong thời kỳ mới, xin kiến nghị một số giải pháp chủ yếu như sau:

1. Đặt vấn đề lương công chức trong tổng thể hệ thống chính trị - kinh tế, đảm bảo hài hoà giữa Nhà nước pháp quyền – Thị trường – các tổ chức xã hội…Bộ máy hành chính phải được sắp xếp lại, theo hướng gọn nhẹ, đa chức, đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo chức năng quản lý vĩ mô bằng quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật…

2. Thiết kế khoa học chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu nhà nước gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và gần dân…Phải mô tả rõ nhiệm vụ từng chức danh trong bộ máy, từ người quản lý đến các chuyên viên; tạo cơ sở đánh giá năng lực, trình độ và tiền lương của mỗi công chức trong bộ máy. Gắn trả lương công chức với đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước.

3. Phát triển nhân lực từ Trung ương đến cơ sở…Hai khâu quan trọng của tuyển chọn, bố trí nhân lực quan trọng nhất là chất lượng đầu vào công vụ và bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo – quản lý, cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh giữa các ứng viên; tiền lương và các chính sách kèm theo cũng phải được công khai, minh bạch. Trả lương theo đúng mức độ cống hiến và vị trí lao động. Những chuyên gia có trình độ cao cần được trả lương xứng đáng, có thể cao hơn lương của người quản lý đơn vị.

4. Xác định lại “công chức hành chính” là ai, để có chính sách tiền lương thích hợp, phù hợp lao động đặc thù của họ. Cần khẳng định “công chức là những người làm việc trong khu vực quản lý hành chính Nhà nước, từ Trung ương tới cơ sở”, tức là không bao gồm những người làm trong khu vực sự nghiệp, khu vực sản xuất và các khu vực khác.  Đây là việc lâu nay đã nói đến nhưng chưa được xử lý, nay đã đến lúc cần phải phân biệt dứt khoát.

 

Tại cuộc đối thoại với thanh niên tối 25/3/2010, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (ảnh) cho rằng, vấn đề thu nhập là mấu chốt trong quyết định dứt áo ra đi của công chức. Ảnh: Khánh Chi 

Hiện nay, công chức Nhà nước có biên chế khoảng 300 nghìn người, từ cấp huyện trở lên Trung ương và khoảng 250 nghìn người là cán bộ công chức cấp xã, chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số trên 2 triệu người (đang được coi là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

Để có cơ sở trả lương đúng cho công chức Nhà nước, cần tách bạch các khoản chi cho chính sách xã hội ra khỏi chi cho tiền lương; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, tách các khoản chi cho các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công ra khỏi quỹ lương công chức; tách lương của người làm việc trong các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội ra khỏi quỹ lương công chức. Sắp xếp lại bộ máy, xác định lại những người đúng là công chức để trả lương cho đúng…

Những người làm việc trong các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp không phải là công chức, không nên để họ hưởng lương trong quỹ lương công chức của Nhà nước. Lâu nay, việc để những người này hưởng lương trong quỹ lương công chức không những dễ “hành chính hoá” bộ máy, đoàn thể, các tổ chức xã hội, lại làm cho các tổ chức này ỷ lại vào quỹ lương có sẵn, không tích cực thực hiện các hoạt động của tổ chức mình. Hơn nữa, số người hưởng lương ngân sách do đó mà phình to, ngân sách không chịu nổi…

5. Chuyển từ trả lương theo người sang trả lương theo vị trí làm việc và hiệu quả công việc; khắc phục bình quân trong trả lương theo lối bình bầu, nhận xét cảm tính. Có giải pháp hữu hiệu về mặt thể chế, luật pháp để ngăn những khoản thu nhập bất hợp pháp ngoài lương, gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

6. Phần chi cho tiền lương phải chiếm phần cần thiết, khoảng 20% ngân sách (hiện nay chỉ chiếm 8%), khắc phục tình trạng “gọt chân cho vừa giày” lâu nay, theo kiểu ngân sách bố trí được đến đâu thì cho tiền lương đến đó, gây ra sự trì trệ kéo dài nhiều năm nay. Đương nhiên, khi tính toán chi cho tăng lương, phải tính đến việc kiềm chế lạm phát…

Trong tình hình ngân sách còn eo hẹp, phải tính đến lợi ích lâu dài, có đủ tiền chi cho lương công chức. Nếu cần thiết, có thể giảm phần chi cho đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn Nhà nước (hiện đang chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách, song thất thoát và lãng phí không nhỏ).

Không lẽ chi cho tiền lương công chức lại không quan trọng bằng chi cho đầu tư xây dựng một công trình?

TS Thang Văn Phúc
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ)

Bình luận
vtcnews.vn