Nhạc sỹ Đỗ Bảo: Tình yêu cuộc sống là tài sản lớn nhất

Giáo dụcThứ Tư, 25/09/2013 07:10:00 +07:00

Trò chuyện với phóng viên, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói, mình không bao giờ nghĩ rằng mình phải cố gắng quá nhiều để cho con tài sản.

Trò chuyện với phóng viên, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói, mình không bao giờ nghĩ rằng mình phải cố gắng quá nhiều để cho con tài sản. Các con có tình yêu cuộc sống sẽ có tất cả - cả nhà, cả xe.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo đã từng viết: "Cuộc sống là nơi tập trung của rất nhiều những sự vật đến và đi. Hạt mưa đến và đi. Nước sông đến và đi. Thế giới cũng tập hợp những người đến và đi. Khi nào ta được gọi là con người. Đó là khi người ta biết hành trình của mình sẽ như thế nào, để khác với dòng sông, với mưa. Và tôi tin trong đời sống, dù bất cứ hoàn cảnh nào, con người ta vẫn hướng thiện và mong sống tốt đẹp hơn".

Gặp Đỗ Bảo ngoài đời, thấy anh giản dị và an nhiên.

Bỗng có cảm giác như con người này mang hơi hướng của một… triết gia.

nhạc sĩ đỗ bảo
Anh chia sẻ:

Khi sinh cháu đầu, tôi có đi xin và được thầy cho 10 cái tên, tôi chọn được “Chúc An”. Cháu được sinh ra vào mùa xuân. Cái tên này có nghĩa là lời chúc bình an.

Tuy nhiên, đến cháu thứ hai, mặc dù cũng đi xin tên của thầy, thầy cũng cho 10 tên để lựa chọn, nhưng tôi…. không thích tên nào trong số đó. Tôi tìm trong danh cách 1.000 cái tên được mọi người đưa lên mạng, và chọn được “Bình Chương”. Tên này nguyên nghĩa là một chức danh trong triều đại phong kiến trước đây. Nhưng với tôi, nó còn có nghĩa là một chương bình yên trong cuộc đời.

- “Bình – An” – có phải anh chỉ mong các con yên ổn?


Thế giới này, đặc biệt là trong showbiz, nhu cầu bình yên trở nên cấp bách hơn. Đây là mục tiêu mà nhiều người khó khăn lắm mới đạt được.

Bình yên là nền tảng cho tất cả mọi việc trong cuộc sống. Còn đang hỗn mang thì không thể mang đến cái gì cho cuộc sống.

Điều này giản dị nhưng quan trọng.

- Nhưng anh là một người từng “muốn nói những lời thật lớn lao”. Anh có hướng cho con tới sự lớn lao trong cuộc sống?


Tất nhiên là có. Nhưng nếu không bình an thì lớn lao để làm gì? Lớn lao mà không bình an, tôi tin rằng là điều không ai muốn. Điều lớn lao đáng tìm kiếm nhất, xứng đáng để con người ta tìm đến nhất, là điều lớn lao đi kèm sự bình an.

Tôi đang chứng minh và đã làm điều đó trong nhiều năm. Tôi muốn thể hiện quan điểm khác của cuộc sống, trái ngược với những gì mọi người vẫn quan niệm.

Tôi không tin tại sao lớn lao lại phải sóng gió. Bình yên chính là sự lớn lao khó khăn nhất.

- Anh chọn trường, chọn lớp cho con có kỹ không?


Tôi không kỹ càng về việc này. Cháu lớn học lớp 2 tại một trường công lập bình thường, không phải là trường điểm mà hàng năm nhiều người vẫn chạy. Cháu thứ hai cũng học một trường mẫu giáo công lập cách nhà 500m. Với chúng tôi, trường lớp không quan trọng lắm mà cái chính là yếu tố con người.

Mỗi môi trường sống cần có kỹ năng phù hợp, như ở dưới nước phải biết bơi, ở trên cạn phải biết săn mồi…  Mình đang ở trong môi trường này, có cái hay, có  cái chưa hay, nhưng mình thấy yên ổn, có niềm tin sống nhất định, thì do con người là chính. Con cái mình cũng sẽ cảm thấy thế thôi.

- Anh hay nhắc tới niềm tin, trong khi hiện nay, câu nói “sống bằng niềm tin” là cách để người ta giễu cợt…


Chị đang nhận xét dựa trên thói quen, cái nhìn của đám đông. Còn với tôi, đám đông chỉ là để tham khảo. Điều quan trọng nhất khi thông tin vào trong người phải được trái tim và bộ óc của mình trả lời một cách xác quyết, mạnh mẽ. Khi đó, ta sẽ có niềm tin theo cách của riêng ta.

- Nhưng tên của các con, như anh đã chia sẻ, lại là trí tuệ của đám đông?


Cũng như tôi đã nói, tên của các con tôi chọn là đã có sàng lọc. Không phải tất cả những gì thuộc về đám đông ta cũng tin hay không tin. Như tôi vẫn luôn tin vào câu nói “Anh yêu em”. Đó là một câu nói đẹp, chẳng có gì là sến.

Cách mỉa mai, giễu cợt “sống bằng niềm tin”  chỉ dừng lại ở sự vui đùa hời hợt, chưa hiểu thế nào là niềm tin, còn ảo tưởng về niềm tin.

Nếu ta đã có câu trả lời xác đáng cho điều gì thì sẽ trung thành với niềm tin đấy.

Ngoài niềm tin còn có trực giác. Có những việc phải thỏa hiệp, tin vào niềm tin tạm thời để giúp duy trì cuộc sống trên con đường xác lập niềm tin lớn hơn. Có phải trả giá hay không là trải nghiệm của mỗi người.

- Cảm hứng sống của mình anh có truyền sang cho con?


Tôi vẫn cố gắng trao đổi với con rằng cái gì mình tin, cái gì mình không thể biết. Nói copy - paste thì không phải, nhưng tôi cố gắng truyền cho các con phương thức nhìn nhận sự thật, phương thức để cháu biểu cảm suy tư.

Việc này có thể là một thú vui ích kỷ của mình. Nhưng không phải là sự nhân bản. Các con sống với năm tháng, ký ức, và ngay cả thành phố cũng khác với mình. Nhưng phải có phương thức sống. Trong cuộc sống của mình, chúng phải tự xây dựng niềm tin lý tưởng. Chúng cần phải biết thế nào là niềm vui, nỗi buồn, sự sợ hãi của riêng mình.

Tôi có sáng tác bài hát “tình yêu cuộc sống”, trong đó có ý là tất cả những tài sản cho con chỉ là những ngày tháng cha đã sống. Điều lớn lao nhất cho con chính là tình yêu cuộc sống, gồm có: Sự lạc quan, khiêm nhường, biết mình, biết hợp tác với tự nhiên.

- Còn tài sản vật chất thì sao?


Hiện nay, tiền bạc thì nhiều người có, nhưng nội tại có hạnh phúc không lại là chuyện khác.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình phải cố gắng quá nhiều để cho con tài sản. Các con có tình yêu cuộc sống sẽ có tất cả - cả nhà, cả xe… Còn không có tình yêu cuộc sống sẽ không có gì hết, hoặc có mà thành ra không.

- Cảm ơn anh.


Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn