Sinh viên kiếm bội tiền mùa cưới

Giáo dụcThứ Năm, 29/11/2012 06:20:00 +07:00

Thu nhập khá ổn định, lại có cơ hội cọ xát với thực tế là điểm cộng mà giới trẻ ghi nhận cho những công việc làm thêm trong mùa cưới.

Thu nhập khá ổn định, lại có cơ hội cọ xát với thực tế là điểm cộng mà giới trẻ ghi nhận cho những công việc làm thêm trong mùa cưới.

Mùa cưới là thời điểm giới trẻ đổ xô tìm việc làm thêm. Những công việc phục vụ tiệc cưới không chỉ là cơ hội kiếm thêm thu nhập mà còn là môi trường để nhiều sinh viên được đào tạo chuyên ngành phục vụ trong các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn... cọ xát với thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn.

Tuy nhiên, đằng sau đó, nhiều bạn trẻ phải chịu cảnh nhọc nhằn khó tả và đối mặt với không ít những pha "khó đỡ".
Nghề "tỏa sáng" cùng các cặp uyên ương
Hiện nay, trào lưu dùng sân khấu biểu diễn để "trang điểm" cho đám cưới ngày càng được nhiều cặp đôi ưa chuộng. Khi sử dụng dịch vụ này, hầu hết các gia chủ đều muốn những hoạt động văn nghệ này làm khuấy động không khí, tạo ấn tượng với quan khách tham dự.
Một trong những nghề đang "hot" hiện nay là làm MC (dẫn chương trình) tiệc cưới, ca hát, nhảy múa..., thu hút phần lớn sinh viên học tại các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tại sân trường CĐ Múa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) vào một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi nhận thấy ở góc sân là một nhóm các bạn sinh viên đang túm tụm vòng trong vòng ngoài.
Lại gần để tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trung tâm chuyên tổ chức tiệc cưới có tiếng ở Hà Nội đã đến tận trường để "tuyển" sinh viên làm thêm cho mùa cưới.
Một tiết mục văn nghệ trong tiệc cưới.
Anh Quang Huân - giám đốc trung tâm này cho biết, công việc các bạn sinh viên, bạn trẻ có thể đảm nhiệm là các hoạt động phục vụ trên sân khấu của tiệc cưới, từ MC cho đến các tiết mục văn nghệ như múa, hát, nhảy.

Anh Huân cho biết thêm, trung tâm làm việc có uy tín và cung cấp người được đào tạo bài bản nên rất được mọi người tín nhiệm. Đối với những trung tâm làm ăn kiểu “cò con”, khâu tuyển chọn có phần dễ dãi hơn.
Người được giới thiệu đến tìm việc chỉ cần thực hành thử một vài "chiêu", nếu thấy "ổn" là có thể đi làm ngay, chứ không phải mất công lặn lội tìm đến tận nơi đào tạo chuyên nghiệp để chiêu sinh như trung tâm của anh.

Tuấn Anh là MC quen thuộc tại nhà hàng V.H (Trấn Vũ, Hà Nội) lại không phải là sinh viên được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường nghệ thuật. Tuấn Anh cho biết, do trước đây làm nhân viên chạy bàn tiệc cưới ở một nhà hàng nên đã học mót từ những đàn anh đi trước trong nghề MC tiệc cưới.
Trước đó nữa, Tuấn Anh từng dẫn chương trình cho một số sự kiện của trường phổ thông nên cũng "bỏ túi" được ít nhiều kinh nghiệm. Nhưng MC đám cưới lại là một lĩnh vực khá mới lạ, cậu phải học thuộc một kịch bản chung khá dài, đồng thời tự tập cho mình những phản ứng linh hoạt trên sân khấu qua những lần dẫn thực tế.

"Tùy vào sự nổi tiếng của MC cũng như từng nhà hàng, khách sạn mà mỗi người có mức cát-xê khác nhau, dao động từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng…", Tuấn Anh nói.
Thời gian gần đây, những màn nhảy múa như khiêu vũ thể thao, múa truyền thống... ngày càng được nhiều cặp đôi ưa chuộng. Bác Lê Phúc (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) - thân mẫu của cô dâu - chia sẻ, nếu trong tiệc cưới chỉ dăm ba bài hát thì quá nhàm.
Vì thế, bác chọn tiết mục múa nhằm tạo sự mới lạ, gây ấn tượng cho quan khách khi đến chia vui. Cùng quan điểm với bác Phúc, cô dâu Thanh Nhàn cho biết: "Sở dĩ mình chọn những màn khiêu vũ thể thao bốc lửa, bởi nó có ưu điểm làm nóng sân khấu, gây ấn tượng mạnh cho khách mời".
Chính nhu cầu này đã thu hút một đội ngũ khá đông đảo sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật đi làm thêm. Có lợi thế về dáng vóc, lại đươc đào tạo bài bản, những sinh viên này "vào cuộc" khá ngọt và ngày càng trở nên đắt "sô".
Tận mắt chứng kiến tại một đám cưới do Việt Anh dẫn chương trình, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự hoành tráng của chương trình. Sau lời mở màn của MC xuất hiện, ba cặp nam nữ trong những bộ quần áo bốc lửa uyển chuyển mà không kém phần dứt khoát, khỏe khoắn của một màn khiêu vũ thể thao.
Chấm dứt điệu nhạc, sau lời MC, ba đôi trai tài gái sắc làm nhiệm vụ phù dâu, phù rể để đưa cặp tân lang và tân nương từ từ tiến vào bên trong, giữa tiếng vỗ tay của tất cả quan khách trong hội trường.
Những thành viên của nhóm múa này cho biết, với "mác" là sinh viên văn hóa nghệ thuật Hà Nội, được đào tạo chuyên nghiệp, cùng với việc tay nghề đã "cứng" nên thu nhập của họ khá "ổn", từ 150.000 - 250.000 đồng/buổi diễn.
Mạnh Chiến - sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội phục vụ chạy bàn tại một đám cưới ở khách sạn P.N (Hà Nội). 
Buồn vui với đám cưới
Khác với diện mạo luôn lấp lánh từ những công việc nhằm khuấy động sân khấu tiệc cưới, những sinh viên được đào tạo chuyên ngành phục vụ trực tiếp như nấu ăn, chạy bàn... cũng khá đắt "sô" trong mùa cưới.

Phần lớn xu hướng các nhà hàng, khách sạn hiện nay chỉ xác định "nuôi" một đội ngũ phục vụ trực tiếp với số lượng cầm chừng. Đến mùa cao điểm, tùy theo mức khách đặt, họ sẽ tuyển thêm nhân viên làm part time (bán thời gian).
Anh Trần Tường (khách sạn P.N, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Khách sạn thoáng mát, rộng rãi, thức ăn ngon, lại có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp với toàn sinh viên các trường trung cấp du lịch, cao đẳng du lịch...nên khách sạn có thể tổ chức nhiều tiệc cưới trong cùng thời gian".
Mức lương cho học sinh, sinh viên làm thêm tại đây là 90.000 đồng/người/buổi. Công việc của họ bắt đầu từ 5h chiều đến 10h đêm, gồm dọn dẹp tiệc cưới, xếp bàn ghế ngay ngắn, quét nhà...
Trung Dũng (sinh viên khoa Bếp, CĐ Du lịch Hà Nội) nhanh chóng xin được một chân chế biến sa-lát tại bếp chính của khách sạn.
Dũng cho biết: "Theo phân chia của nghề, những người "cứng" về chuyên môn sẽ đứng ở vị trí quan trọng như chảo, thớt...; còn mình đi làm lần đầu chỉ dám nhận những việc lặt vặt thôi". Tuy nhiên, môi trường thực tế này cũng khiến Dũng vừa làm việc của mình vừa học hỏi được khá nhiều ngón nghề "độc" của các anh chị làm ở bộ phận khác.
Thế nhưng, trong quá trình mưu sinh, họ cũng gặp không ít những tình huống ngậm ngùi. "Trong suốt đám cưới, mình được rất nhiều người nhiệt tình mời ăn, uống cho vui nhưng quy định của khách sạn là nhân viên phục vụ không được ăn với khách nên mình chỉ dám cười và từ chối khéo, mặc dù bụng rỗng", Mạnh Chiến sinh viên làm thêm trần tình.
Sau này, có kinh nghiệm rồi, để chống lại cái đói, Chiến phải ăn lót dạ trước giờ đi làm để lấy sức phục vụ. Nhiều khi khách đông, đội ngũ phục vụ thì mỏng, những người phục vụ chạy như chong chóng mới kịp tiến độ.

Mạnh Chiến tâm sự: "Gặp khách dự lễ cưới dễ tính không nói làm gì, chứ gặp người khó tính hết sai vặt bồi bàn lấy cái này vừa xong lại phải lấy tiếp cái khác thì đến cuối buổi tiệc mình cũng được phen mỏi dừ cả chân!".

Theo Đời Sống & Pháp Luật
Bình luận
vtcnews.vn