Nỗi lòng bố mẹ khi các con đi học

Giáo dụcThứ Sáu, 09/09/2011 09:43:00 +07:00

(VTC News) – Lạ thay, mỗi lần tiễn con đến trường lại nghĩ đến ngày xưa. Hình như mỗi năm chúng một lớn và đang tìm cách xa rời tổ ấm. Âu cũng là lẽ ở đời...

(VTC News) – Lạ thay, mỗi lần tiễn con đến trường lại nghĩ đến ngày xưa. Hình như mỗi năm chúng một lớn và đang tìm cách xa rời tổ ấm. Âu cũng là lẽ ở đời của người làm cha làm mẹ.

Lời Toà soạn: Khi các em học sinh Việt Nam bắt đầu năm học mới cũng là lúc các bậc phụ huynh gặp bao lo toan, trăn trở về vật chất và tinh thần. Ở bên kia bán cầu, những bậc làm cha mẹ khác cũng có nhiều nghĩ suy ngày con tới lớp.

VTC News xin được giới thiệu bài viết của Hiệu Minh, một chuyên gia về Công nghệ thông tin, đang làm cho một ngân hàng lớn ở Washington DC, Mỹ. Anh có hai con trai là Luck và Bin.

Bé đi khai giảng năm học 2011 - 2012. Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress) 

Chiếc xe bus nước Mỹ...

Đã 7 năm kể từ khi Luck 5 tuổi, lần đầu đi học mẫu giáo bên Arlington, được bố mẹ đưa đón tận nơi, cu cậu thích vô cùng.

Nhưng hôm sau xe bus của trường đón trước cổng nhà. Thấy bố mẹ không lên cùng, cu cậu khóc thét lên đòi xuống, vì cứ nghĩ sẽ bị đưa đi đày biệt xứ ở đâu đó.

Cô lái xe hình như quen chuyện này, thấy bố đẩy được con lên xe, đóng cửa luôn lại, mặc cho Luck lăn lộn trên sàn. Thế là hôm đó, nước Mỹ nuốt chửng thằng bé con.

Các con đi học. Ảnh: HM 

Chiều đón cậu về từ xe bus, Luck bước xuống cười tươi. Hỏi đi học có thích không? Thích lắm bố à, được chơi nhiều đồ chơi, cô giáo yêu, không bị mắng, không nóng như ở Việt Nam. Có đi xe bus ngày mai không? Có chứ, con thích xe bus hơn vì được đi đón các bạn khác, vui lắm.

Nghỉ cuối tuần, cu cậu hỏi, sao nhà mình không đến trường? Có lẽ nó yêu trường lớp hơn ở nhà.

Thế mà hôm nay Luck đã vào lớp 5, sắp tròn 11 tuổi. Con trai chững chạc hơn. Biết tự chọn quần áo, giầy, tất cho hợp gam mầu, vuốt ve đầu tóc. Không cho bố húi tóc cua mà phải có mái, rẽ ngôi. Vào hàng McDonald gọi Big Mac (cho người lớn) vì không ăn loại “happy kid meal – suất ăn trẻ có kèm đồ chơi” dù cu cậu vẫn thòm thèm món đồ chơi lạ miễn phí.

Luck tới trường cũng không vui vì đang thích mấy trò chơi trên máy tính ở nhà. Biết phải ở lại sau giờ học tại trường từ 4:00 giờ chiều đến 6:00 giờ, cậu càng buồn.

Nhưng bố giải thích, bố mẹ phải đi làm, kiếm tiền nuôi con ăn học, không thể đón con sớm hơn. Luck có vẻ nghe theo, không thấy xị mặt.

Rồi Luck hỏi, bao giờ con được ở nhà một mình? Khi nào con vào cấp 2, khi 12 tuổi con ạ và chỉ được 2 tiếng thôi. Cảnh sát biết bố mẹ để con ở nhà một mình sẽ phạt luôn cha mẹ, bắt con vào nhà bảo trợ xã hội.

Bao giờ con được lái xe? 16 tuổi. Chắc cu cậu đang nghĩ đến ngày ngồi sau tay lái một mình.

Lúc con ngồi vào chỗ tập trung đợi cô giáo đến đón vào lớp mới, bố mẹ chào và dặn dò con bằng tiếng Việt, cu cậu phản ứng “Can you speak English? – Bố nói bằng tiếng Anh được không?” vì có cậu bạn ngồi bên đang tán gẫu. Nghe xong, mình choáng, tưởng nghe nhầm.

Cu Bin đã gần hết tự kỷ cho dù cách trả lời câu hỏi vẫn vớ vẩn. Hỏi, con biết học ở lớp nào chưa thì nói luôn “I know, I know – con biết, con biết”. Nhưng bảo chỉ lớp nào thì cậu tịt luôn. Hóa ra trả lời bừa.

Nhớ cách lần cậu vào trường mẫu giáo, toàn đuổi đánh các bạn. Mấy lần bị nhà trường gọi khẩn cấp. Bố đang họp quan trọng ở cơ quan mà cô giáo điện thoại như ra lệnh “Đề nghị anh đến đón Bin về. Chúng tôi không thể bảo cháu nghe lời”.

Chuyển về Vienna, Bin được học trong một lớp đặc biệt về giao tiếp, bồi dưỡng thêm tiếng Anh và cách trả lời Yes or No.

Tiến bộ trông thấy. Cu cậu vào lớp 1 bình thường và hôm nay Bin vào lớp 3, cùng trường với anh Luck, dù kết quả học tập chỉ đạt trung bình.

Một hôm mình cáu cái gì đó liền văng tục Bin nhìn mình với con mắt rất lạ “Are you saying bad word – Bố nói từ bậy à”. Hứa cho đi ăn kem nhưng quên mất, Bin tra vấn “Dad, are you lying? – Bố nói dối con à”. Bố hiểu con đã gần hết tự kỷ.

Hôm nay, tới trường cu cậu cũng chả vui vì không được ở nhà chơi game.  Rồi cậu lầu bầu “I hate school. I like New York, I like New Mexico – con ghét trường, thích đi NY, NM”.

Các con càng lớn càng xa dần bố mẹ, muốn tự lập, muốn đứng riêng một mình. Mình chợt nhận ra, cái xe bus của nước Mỹ hồi nào đón con đã “nuốt” các con lúc nào không biết.

Người mẹ Việt tiễn con đi học

Viết thêm một đoạn thời tại sao Tổng Cua du học, các bác xem, biết đâu có người giống mình.

Thời học ở Lương Văn Tụy (Ninh Bình khóa 1968-1970) với anh chàng Chuối Ngự, Ích Duệ, rồi cả lão “Hầu Thiên Hạ” hay “thổi” ra thơ, lão Cua cũng thuộc loại bình thường. Đại loại trường khoảng 1000 học sinh thì lão đứng thứ 21. Tại sao đứng thứ 21 thì chịu.

Kỷ niệm thời đi học. Ảnh minh họa: Hoàng Hà (Vnexpress) 

Chả là bọn lớp đặc biệt (A0) của tỉnh cũng ở đó. Dân kiêu binh toán có tới 15 đứa, mình không thể so được. Trong trường có vài đứa giỏi hơn Cua. Cua làm bí thư chi đoàn, hơi giỏi văn, khá ngoại ngữ, thỉnh thoảng giải được bài toán đố. Đại loại không dốt, không giỏi mà cũng chẳng xuất sắc.

Nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi miền Bắc chẳng qua do Cua chữ đẹp, viết giấy khen được. Văn người ta hay nhưng chữ gà bới nên bị trừ điểm. Văn mình dở ẹc nhưng được cái chữ sáng sủa nên được châm chước. Không tin cứ xem blog HM, văn vớ vẩn nhưng trình bày bắt mắt, hay xuống dòng cho dễ đọc, được nhiều người cho 5 sao. Ở đời ăn nhau cái son phấn biết đắp đúng chỗ.

Lý lịch trích ngang như thế, cộng với ông anh vừa đi chiến trường, nên Tổng Cua được chọn đi thi nước ngoài ở Hà Nội. Mà thi tới 4 môn: toán, văn, lý, hóa. Toán trượt là cái chắc vì 5 bài, Cua chỉ “bò” được 2 bài rưỡi. Nhà quê đọ thế nào với dân gà nòi thành phố.

Thôi thì lấy lý, hóa kéo lại chút vì mình học thuộc lòng. Môn Văn có thể “ăn”, cố gắng viết dài, viết dài (4 tờ phê đúp!), ca ngợi Tổ quốc hết lời.

Đi thi Hà Nội về thì bố hỏi, con làm được mấy bài. Vốn thuộc câu “học tài, thi phận” mà mình chẳng tài, nhưng phận thì có, nên thở dài…

Không hiểu trời phù hộ độ trì thế nào mà khoảng giữa tháng 7, thím Ân người cùng xóm, chạy hốt hoảng ra chợ Trường Yên tìm mẹ Cua: “Trời ơi, nhà bác Ba có phúc. Thằng Cua được chọn đi học nước ngoài. Giấy báo đây này”. May, không thì làm bạn với đôi sọt làng Cổ Nhuế.

Hóa ra giấy báo đi du học đã nằm ở Ủy ban xã cả tuần nhưng họ quyết định “trầm” đi. Sau này ra khỏi biên chế, lấy lại hồ sơ, mới biết lời phê vào lý lịch của ông chủ tịch “Gia đình thành phần cơ bản, không có nợ máu với nhân dân. Cho đi đại học trong nước, không cho đi nước ngoài”. Không hiểu lý do gì mà lại cấm đi vượt biên.

Nhưng bà chị họ làm thư ký ủy ban tìm ra giấy báo đi đại học trong ngăn kéo, bóc ra và xem trộm. Thế là chàng Cua lên đường ra Hà Nội, chuẩn bị du học.

Đi chào cả làng, từ xóm trên đến xã dưới, ai cũng mừng, bác cho 5 hào, nhiều bà đang làm cỏ dưới ruộng cũng giúi 1 đồng lấy từ trong túi đầy mồ hôi. Đồng bạc hồi đó to lắm. Nguyên đi chào bà con mà được tới 48 đồng, bằng mấy tháng lương cán bộ hồi 1970.

Mẹ Cua đội chiếc nón mê, áo nâu vá chằng chịt, tiễn con suốt dọc đường đê ra cầu Gián Khẩu. Nước mắt ngắn dài, bà bảo “Con đi, nhớ học giỏi, đừng quên cha mẹ”.

Người mẹ. Ảnh: vtv.vn 

Cũng lạ, thời đó con trai chẳng ai nghĩ đến nắm tay bố mẹ lúc chia tay. Mà y cũng chẳng khóc, dù đã quay đi, kẻo sợ lệ rơi, mất thế đàn ông. Mình đi rồi, bà còn đứng mãi, đợi đến khi chiếc xe khuất hẳn sau ngọn núi Khuốt. Nhớ cảm giác thương bà đến tận bây giờ. Sau ngần ấy năm, lưng mẹ đã còng xuống vì thời gian trĩu nặng.

Xe chạy rồi, mình thầm hứa, thế nào cũng về quê với người nuôi dưỡng mình. Nhưng lòng người dễ đổi thay, chả ai nói trước được điều gì. Lũ trẻ con, đi nam quên bắc, đi tây chẳng nhớ ta, về ta toàn nhớ tây, mới thành ra loại người chẳng ra gì.

Mới đó mà đã 40 năm, lão Cua chẳng nghĩ đến con đường quê ngày ấy mẹ tiễn con. Nếu có về làng cũng như người khách qua đường.

Nhớ xe bus bên cầu Gián Khẩu đã nuốt mất đứa con của làng quê xóm Tụ An. Bây giờ đến lượt xe bus ở Arlington “làm gỏi” mấy thằng cu nhà Cua.

Lạ thay, mỗi lần tiễn con đến trường lại nghĩ đến ngày xưa. Hình như mỗi năm chúng một lớn và đang tìm cách xa rời tổ ấm. Âu cũng là lẽ ở đời của người làm cha làm mẹ.


(Washington DC, 5/9/2011. Ngày khai trường của hai con)

Hiệu Minh



Bình luận
vtcnews.vn