Bài toán xử lý hành vi "bạo lực" ở trẻ nhỏ

Giáo dụcThứ Năm, 02/06/2011 03:45:00 +07:00

Khủng hoảng tâm lý ở trẻ vô tình chuyển thành khủng hoảng ở người lớn vì không biết nên ứng xử và đối phó như thế nào với “đại bàng con”.

Trong buổi giao lưu “Khủng hoảng tuổi lên ba” do Công ty Tâm lý Trẻ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa tổ chức, chủ đề mà các bà mẹ tranh luận rôm rả nhất là nạn trẻ có hành vì “bạo lực”. Bé sẵn sàng đánh đá, cào cấu, hét tướng với người lớn mỗi khi trái ý. Khủng hoảng tâm lý ở trẻ vô tình chuyển thành khủng hoảng ở người lớn vì không biết nên ứng xử và đối phó như thế nào với “đại bàng con”.

Dĩ độc trị độc?

Mang trên gò má một vết xước dài cả gang tay, chị Ngọc Trâm đến buổi giao lưu với mong muốn được chuyên viên tâm lý tư vấn cách để con trai không nổi máu “giang hồ” với chị. Vết xước ấy là do bé vớ phải cây chổi quất vào người chị khi chị không cho bé quậy phá. Chị Trâm cho biết, con trai chị có biểu hiện đánh mẹ từ lúc chưa thôi nôi, nhưng phản ứng dữ dội nhất là vào thời điểm này, khi cháu gần ba tuổi. Thấy con hung dữ, hỗn hào, chị thường gọi con là “thằng lì”. Càng chê nó lì, nó càng điên tiết tấn công. Chị đánh lại con để nó cảm nhận việc đánh người khác sẽ khiến họ đau như thế nào, đồng thời đánh con để nó bỏ tật xấu ấy. Nhưng, chị khẽ tay, bé liền đáp trả.

“Tôi thực sự lúng túng chẳng biết làm cách nào. Cả hai con tôi đều là gái. Đứa lớn lại chưa bao giờ dùng vũ lực với mẹ. Còn đứa nhỏ thì hễ tức giận là vô cùng hung hăng” - chị Nguyễn Hồng tiếp lời chị Trâm với thái độ đồng cảm sâu sắc. Chồng chị thường mạnh tay đánh để phạt cho con chừa tật xấu ấy. Nhưng, chị Hồng nghĩ bé mới ba tuổi, còn quá nhỏ để hiểu. Chị thường can ngăn chồng vì lo sợ con sẽ làm theo người lớn. Vì thế đôi lúc chị cắn răng làm “cái bao cát”, để yên cho con trút giận. Chị hy vọng bé lớn lên một chút sẽ tự động bỏ thói xấu này. 

Theo chị Mỹ Lệ (kinh doanh nhà đất, Q.8), những phương pháp mà chị Trâm, chị Hồng áp dụng rất khó để con thay đổi. Bé Su nhà chị đã “xếp càng” được hơn một tháng từ ngày chị nảy ra một ý tưởng khá liều lĩnh. Khi Su lao đến giật bong bóng của người bán hàng ở đầu hẻm, chị lấy bong bóng để gửi trả lại. Bé giãy nảy và cào cấu vào người mẹ như thường lệ để đòi được chơi tiếp. Ngay lúc đó, bà Sáu nhà bên cạnh xuất hiện (chị đã nhờ bà trợ giúp). Bà cầm con dao để lên bàn và hỏi: “Su, nếu con thấy bạn nào hay đánh người lớn thì con báo với bà để bà chặt tay các bạn ấy!”. Từ hôm đó, Su “cai” được. Nhiều phụ huynh tham dự buổi trò chuyện đã ngỡ ngàng với cách của chị Lệ. Dù tỏ ra hiệu quả nhưng chị Mỹ Lệ cũng hồi hộp lo sợ về cách áp dụng “dao búa” này.


 

Ảnh: P.Huy

Chiều ít - Yêu nhiều

Khi con trẻ có những phản ứng như các trường hợp nêu trên, phụ huynh không nên thụ động chịu đựng hoặc lờ đi, cũng không nên dùng bạo lực để khống chế khiến trẻ hoảng sợ. Thực ra, lúc con trẻ có biểu hiện dữ dằn, cũng chính là lúc trẻ yếu lòng nhất. Các bà mẹ thường không hiểu nổi vì sao sau khi đánh mẹ, trẻ lại òa khóc tức tưởi như giận mình (dù mẹ không hề trừng phạt). Để hỗ trợ tâm lý cho con, trước tiên cha mẹ phải hiểu những gì đang diễn biến trong trẻ dẫn đến những phản ứng mạnh bạo như thế.

Theo bà Hoàng Mỹ Nga (Giám đốc Công ty Tâm lý Trẻ), nhiều trẻ là con một, hoặc gia đình khá giả, cha mẹ có xu hướng bù đắp cho con và nuông chiều hết mức. Tưởng mình là trung tâm vũ trụ, trẻ đòi gì được nấy, lâu dần thành thói quen. Nếu không được đáp ứng thì trẻ sẽ hét lên, hoặc cào cấu, đánh đập… người lớn. Hoặc khi người lớn vô tình tạo cho bé cảm giác bị bỏ rơi, làm cho bé sinh ra cáu bẳn. Ở tuổi lên ba, trong gia đình thường chào đón em bé mới, bé sẽ chạnh lòng, bực dọc khi nghe người lớn thường chọc ghẹo: “Rồi, con bị ra rìa rồi. Cha mẹ chỉ thương em thôi”. Trẻ đánh người lớn, có phần nguyên nhân từ phía người lớn.

Với những trẻ có hành vi mạnh bạo, cha mẹ không nên tạo thêm áp lực, không thể dùng những hành động đe dọa, bắt bé thay đổi ngay mà kiên trì uốn nắn dần. Người lớn nên gần gũi, quan tâm đến bé để bé thấy rằng xung quanh bé mọi người đều đối xử với nhau nhẹ nhàng, bình đẳng. Cách hành xử dịu dàng của người lớn trở thành khuôn mẫu giao tiếp của bé.

Không có công thức chung để hóa giải hành vi “bạo lực” ở trẻ, tuy nhiên, về vấn đề này, tiến sĩ Thạch Ngọc Yến (Văn phòng Tư vấn trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) đưa ra một số lưu ý: Thực ra, khi con nổi xung thiên chính là cơ hội để cha mẹ dạy con những bài học đầu tiên về kỹ năng giao tiếp với người khác và kiềm chế bản thân. Đánh, cắn, nhéo… là biểu hiện khi trẻ cáu giận. Cơn giận của trẻ thường bắt nguồn: khi cha mẹ không cho chơi tiếp (vì sợ trẻ gặp nguy hiểm hoặc bắt trẻ dừng chơi để đi ngủ, ăn uống); khi bị trêu ghẹo, mỉa mai; tủi thân khi bị người lớn bỏ rơi, đòi đồ chơi nhưng không được cha mẹ đáp ứng; không đủ ngôn ngữ để giải thích cho người lớn hiểu ý muốn của mình… Để hạn chế xung đột, cha mẹ nên lắng nghe con, quan sát thái độ của con, thỏa thuận trước với con để bé chuẩn bị tâm lý.

Mỗi trẻ có cá tính, khả năng chịu đựng khác nhau nên không có “đơn thuốc” cụ thể nào để ngăn ngừa hành vi mang tính bạo lực của trẻ. Tuy nhiên, có một nguyên tắc ứng xử chung: Người lớn cần nói nhẹ nhàng nhằm làm giảm cảm xúc căng thẳng và xoa dịu trẻ. Không la mắng hoặc đánh đập khi trẻ làm sai. Tuyệt đối không xúi trẻ tấn công người khác hoặc đánh “chết giầm” con vật, đồ vật. Đừng quên động viên, khen ngợi khi bé thay đổi.

Theo Phụ nữ Online


Bình luận
vtcnews.vn