Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định 132

Kinh tếThứ Sáu, 25/10/2013 12:41:00 +07:00

Cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai về những điểm mới trong Nghị định này.


Cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai về những điểm mới trong Nghị định này.

Ngày 16/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 02/12/2013.

- Thưa Thứ trưởng, ngày 16/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Thông tin và Truyền thông thay thế cho Nghị định 187/2007/NĐ-CP. Xin Thứ trưởng đánh giá ý nghĩa tổng thể của Nghị định mới này?

Ngày 25/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2007/NĐ-CP (Nghị định 187) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, qua thực tiễn quản lý và điều hành của Bộ, một số điểm trong Nghị định số 187/2007/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Dự thảo Nghị định mới để thay thế cho Nghị định 187 trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.


Bên cạnh đó, trong thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước, vẫn còn có một số nhiệm vụ còn chưa đầy đủ, chưa phân công rõ hoặc có sự chồng chéo giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với một số Bộ khác như: lĩnh vực thông tin cơ sở, quảng cáo, quản lý doanh nghiệp. Những năm vừa qua, một số lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải tăng cường quản lý như An toàn thông tin, Chứng thực chữ ký số/ điện tử...

Thực trạng này đòi hỏi cần phải có một Nghị định mới nhằm phân định rạch ròi chức năng, quyền hạn và thống nhất quản lý đối với các lĩnh vực liên quan đến ngành Thông tin và Truyền thông.


Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thông tin và Truyền thông những năm qua cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông phù hợp với tính chất của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng phân công rõ chức năng tham mưu tổng hợp quản lý vĩ mô về cơ chế, chính sách của các Vụ và các đơn vị chức năng đảm bảo thực thi pháp luật chuyên ngành của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Để đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý trong tình hình mới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có tổ chức tham mưu, thực thi đủ mạnh và đủ tầm để thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông.


Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 132/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

tran duc lai
 Thứ trưởng Trần Đức Lai
- Thứ trưởng có thể cho biết, so với Nghị định 187 trước đây, Nghị định 132 có gì mới?

Nghị định 132 có nhiều điểm mới. Thứ nhất là về chức năng nhiệm vụ: đối với một số lĩnh vực còn có sự chồng chéo về quản lý trước đây như lĩnh vực thông tin cơ sở, quảng cáo, về thông tin đối ngoại, về quản lý doanh nghiệp đã được quy định rõ trong Nghị định 132.

Cụ thể, về quảng cáo, khoản 8, điều 2 của Nghị định quy định rõ: Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của phát luật; cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung, thu hồi giấy phép ra kênh, chương trình quảng cáo đối với báo nói, báo hình.

Về thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ: Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch về hoạt động thông tin tuyên truyền; Xây dựng hoặc thẩm định các nội dung thông tin tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện; Phối hợp hướng dẫn xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin tuyên truyền cơ sở trên phạm vi cả nước.

Về thông tin đối ngoại, Nghị định 187 trước đây chỉ quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, nay Nghị định 132 quy định thêm các nhiệm vụ: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về thông tin đối ngoại; Hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam; hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về thông tin đối ngoại.

Về quản lý doanh nghiệp, ngoài nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Nghị định 132 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ của Bộ trong quản lý doanh nghiệp tại khoản 28, Điều 2.


Thứ hai là về cơ cấu tổ chức: theo Nghị định 132, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có nhiều đơn vị chức năng mới như Cục An toàn Thông tin, Cục Bưu điện Trung ương, Vụ Thông tin Cơ sở, Vụ Thi đua Khen thưởng, Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

- Thứ trưởng có thể nêu lý do tại sao cần thành lập những Cục, Vụ mới này?

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, trên các cơ sở các văn bản pháp luật đã được ban hành và những cam kết của Việt Nam với quốc tế và ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21/8/2007, qua thực tế triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng trên thế giới và Việt Nam thì việc thành lập Cục An toàn thông tin là cần thiết.

Thông qua Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và phối hợp có hiệu quả với các Bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó đảm bảo an toàn cho các hoạt động của hạ tầng thông tin quốc gia và an ninh thông tin quốc gia. Đặc biệt là trong việc xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường niềm tin của người sử dụng để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, đồng thời thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặt khác thành lập Cục An toàn thông tin sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế trong cuộc đấu tranh chống khủng bố mạng như mục tiêu của Diễn đàn An ninh khu vực ARF đã đề ra.


Về lĩnh vực thông tin cơ sở, trước đây, Nghị định số 50-HĐBT ngày 10/3/1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Bộ Thông tin có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về các ngành: - Báo chí, thông tấn, phát thanh, truyền hình; Xuất bản, in, phát hành; Công tác thông tin, cổ động khác (thông tin cơ sở, cổ động, triển lãm, quảng cáo). Sau đó, Bộ Thông tin được sáp nhập để thành lập Bộ Văn hoá - Thông tin. Bộ Văn hóa - Thông tin vẫn được giao chức năng quản lý nhà nước về thông tin gồm: báo chí, xuất bản và công tác thông tin, cổ động khác.

Năm 2007 khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thành lập thì Bộ này chỉ thực hiện quản lý hoạt động tuyên truyền phổ biến văn hóa ở cơ sở. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không được giao quản lý nhà nước về thông tin cơ sở (tuyên truyền, cổ động). Ngày 03/ 11/ 2009, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 8330-CV/VPTW thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, khôi phục Cục Thông tin tuyên truyền, cổ động.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, ngăn chặn và đẩy lùi sự tấn công chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của lĩnh vực thông tin cơ sở.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy sự cần thiết thành lập một cơ quan chức năng để tham mưu và tổ chức thực hiện hoạt động thông tin cơ sở, đó là Vụ Thông tin cơ sở để thống thống nhất tổ chức quản lý thông tin cơ sở đảm bảo hiệu quả.


Về công tác quản lý doanh nghiệp trong thời gian qua công tác quản lý doanh nghiệp tại Bộ được giao cho nhiều đơn vị như: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính và một số Cục, Vụ chuyên ngành khác.

Thực tế quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung cũng như của Bộ nói riêng cho thấy một số bất cập chính như sau: không có đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính; không tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; khó đảm bảo tính độc lập và khách quan tương đối trong quản lý.

Mặt khác, Đảng và Nhà nước đang đặt mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN mà một trong những trọng tâm là tổ chức lại và nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý các DNNN, trước mắt là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Theo quy chế giám sát hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hiện hành cũng như xu hướng chung trong thời gian tới thì vẫn có sự tham gia của các Bộ quản lý ngành để thực hiện quản lý và giám sát vốn, tài sản nhà nước…


Vụ Quản lý doanh nghiệp được thành lập chắc chắn sẽ khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, có đơn vị chủ trì trong việc quản lý các doanh nghiệp, đặc biệt là để quản lý các DNNN từ góc độ thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Mục tiêu quản lý ở đây là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đúng mục tiêu chiến lược và mang lại hiệu quả kinh tế tối đa Nhà nước như bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao tỷ suất lợi nhuận/vốn...


Việc thành lập Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng cho phép tách bạch thêm một bước chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, cho phép thực hiện nghiêm túc hơn cam kết trong WTO (nhà nước không can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động thương mại của DNNN), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục hội nhập với cam kết “Cơ quan quản lý viễn thông không giữ bất cứ vai trò quản lý điều hành nào đối với doanh nghiệp viễn thông”, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới về cơ quan quản lý viễn thông độc lập.

Về công tác thi đua, khen thưởng, cũng có điểm mới, đó là căn cứ Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng; Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có trên 2000 cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra Bộ còn thực hiện khen thưởng, xét duyệt, trình khen thưởng cho Tập đoàn VNPT (với khoảng gần 60.000 viên chức, lao động), Tổng Công ty Bưu điện (với khoảng 40.000 viên chức, lao động), Tổng công ty VTC (với khoảng 3000 viên chức, lao động), hiệp y khen thưởng cho khối báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản trên toàn quốc; hiệp y khen thưởng cho khối doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp viễn thông và internet, v.v... Để đảm bảo tiến độ công việc Vụ Thi đua-Khen thưởng được thành lập trên cơ sở tách Phòng Thi đua-Khen thưởng từ Vụ Tổ chức cán bộ.


Trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông theo Nghị định 132 có Cục Bưu điện Trung ương và Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC. Tại sao lại chuyển hai đơn vị này về Bộ Thông tin Truyền thông, thưa Thứ trưởng?

Cục Bưu điện Trung ương trước đây là một đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện, thực hiện nhiệm vụ phục vụ thông tin bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, sau khi cơ cấu của ngành có thay đổi: tách chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ này được giao cho Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đơn vị này được đổi tên thành Bưu điện Trung ương, nay được chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông là hợp lý.

Việc điều chuyển này nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ theo Nghị định 132, đó là: Chỉ đạo việc điều hành các mạng thông tin chuyên dùng, dùng riêng phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Quyết định các biện pháp huy động các mạng và dịch vụ, các phương tiện, thiết bị thông tin và truyền thông phục vụ các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, thiên tai, địch họa theo ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện Quyết định 26/2013/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Việc chuyển Bưu điện Trung ương về Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn VNPT tập trung vào công tác kinh doanh đạt hiệu quả cao, còn nhiệm vụ công ích là trách nhiệm thuộc về Nhà nước.


Đối với Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, việc điều chuyển Đài về trực thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm thực hiện đúng theo Luật Báo chí và thực hiện kế hoạch số 03-KH/TW ngày 09/05/2007 của Ban Bí thư Trung ương thực hiện Thông báo kết số 68-TB/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Thông báo kết luận số 41-TB/TW ngày 11/10/2006 về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.

Thông báo số 68-TB/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ quản chuyển Báo điện tử Vietnamnet, VnMedia và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

Trước đây, cũng như trong Quyết định số 28/QĐ-BTTTT ngày 11/01/2013 về Tái cấu trúc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn xác định Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là đơn vị sự nghiệp thuộc sự quản lý của cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng đặt tại Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC để Tổng Công ty có thể hỗ trợ Đài trong hoạt động.

Nay Nghị định mới chính thức điều chuyển Đài về trực thuộc Bộ. Trong quá trình soạn thảo Nghị định 132, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành và chuyên gia, các ý kiến đều thống nhất nhận định việc điều chuyển Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí, đúng với Luật Báo chí và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng thời cũng giúp Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.

Việc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạo điều kiện cho Tổng công ty VTC tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo vào ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ giúp nâng cao vị thế của Đài, tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển của Đài.


- Nhằm triển khai thực hiện Nghị định 132 trong thời gian sắp tới, Bộ có những chỉ đạo gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Đức Lai: Nghị định 132 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 02/12/2013. Để triển khai thực hiện thành công Nghị định 132, cần sự đồng thuận và nhất trí cao của tất cả các cán bộ, nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông. Nghị định cần được triển khai với tinh thần tích cực, khẩn trương. Nghị định 132 được triển khai thành công sẽ đem lại những chuyển biến mới về chất đối với công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một số công việc cụ thể Bộ đã chỉ đạo như sau: Đối với các đơn vị chức năng của Bộ phải khẩn trương hoàn thành việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rà soát để tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

Đối với hai đơn vị mới được điều chuyển về Bộ là Cục Bưu điện Trung ương và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Bộ đã thành lập hai nhóm công tác do hai Thứ trưởng chỉ đạo nhằm thực hiện quá trình điều chuyển thành công, không để xảy ra những xáo trộn lớn làm ảnh hưởng đến công việc, đời sống của cán bộ, nhân viên.

Đối với những Cục, Vụ mới thành lập, Bộ cũng đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác nhân sự, công tác tư tưởng để bổ nhiệm, điều động lãnh đạo mới đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.


Đặc biệt, công tác tuyên truyền về những điểm mới của Nghị định cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành cần được các cơ quan báo chí của Bộ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Theo Bưu điện Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn