Rộ mời chào kinh doanh đa cấp từ sim đa năng

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 31/12/2010 11:08:00 +07:00

Những lời mời chào dùng sim đa năng để “bắn” tài khoản cho 7 mạng di động theo hình thức đa cấp tràn ngập trên các diễn đàn, thu hút giới sinh viên tham gia.

Những lời mời chào sử dụng sim đa năng để “bắn” tài khoản cho 7 mạng di động theo hình thức đa cấp đang tràn ngập trên các diễn đàn, bắt đầu thu hút được giới sinh viên tham gia.

Kinh doanh đa cấp

Kinh doanh sim đa năng có cơ hội “phất”. 
Gần đây, cộng đồng mạng và nhất là diễn đàn của học sinh, sinh viên liên tục “nóng” bởi sự xuất hiện của dịch vụ kiếm tiền mang tính chất như bán hàng đa cấp từ sim đa năng. Dịch vụ hoạt động dựa vào sim điện thoại đa năng. Đây là sản phẩm hợp tác giữa 3 đối tác là VinaPhone, Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến M- Service (nhà cung cấp phần mềm) và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ trực tuyến EPS (đại lý phân phối sản phẩm).

M - Service hiện là đối tác đang cung cấp dịch vụ thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt cho các nhà mạng di động thông qua sim M-Service (sim đa năng). Từ đầu năm 2010, sim M-Service có chức năng nạp tiền cho các thuê bao của 7 mạng di động tại Việt Nam hiện nay là VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN Telecom, S-Fone, Beeline, Vietnamobile với các mệnh giá từ 10.000 đến 500.000 đồng.

Phóng viên đã đến trụ sở của công ty EPS tại quận Thanh Xuân – Hà Nội. Tại đây, Sơn (phụ trách một nhóm tại Hà Nội của công ty này) cho biết: Điều kiện để trở thành thành viên bán sim đa năng là bản copy CMTND, 530.000 đồng để mua một sim đa năng loại 10 số (091…) của nhà mạng VinaPhone.

Trong sim đó, có 2 loại tài khoản: tài khoản sử dụng của bản thân để gọi điện, nhắn tin như sim bình thường và tài khoản kinh doanh (gọi là M- Load) với 200.000 đồng, cho phép “bắn” tiền vào tài khoản của bản thân, hoặc chuyển tới tài khoản của 7 mạng khác nhau mà người nạp thẻ yêu cầu, đồng thời có thể nạp được Vcoin, Zing xu, mua tài khoản download các dịch vụ… do có tính năng của một ví điện tử (M-Money). Hình dáng sim đa năng giống hệt như những sim bình thường (có logo của nhà mạng và đại lý phân phối), chỉ khác khi mình kích hoạt tính năng sử dụng.

“Khi là thành viên của EPS, bất kỳ ai cũng sẽ được hưởng 18 loại hoa hồng khác nhau từ đại lý phân phối. Những người mới phải mời được nhiều người tham gia bán sim hoặc nộp tiền qua điện thoại, sau đó chia thành các cấp theo thời gian tham dự, cứ 10 người đầu là cấp 1. Ban đầu sẽ được hưởng 3 loại chính: Hoa hồng bán lẻ (được tính theo công thức: hưởng 5% giá trị thẻ nạp), Hoa hồng phát triển SIM (Số tiền hưởng theo các cấp tương ứng: cấp 1 được 40.000 đồng, cấp 2: 20.000 đồng, cấp 3: 15.000 đồng…, mỗi một cấp phải mời được 10 người); Hoa hồng thụ động: hưởng % theo các cấp: cấp 1: 0,4%, cấp 2: 0,3%, cấp 3: 0,2%… trên giá trị tải khoản.

“Công ty EPS có website SanEPS.com để giúp cho các thành viên tiện xem xét số lượng cấp dưới và số lượng hoa hồng được hưởng hàng tháng”, Sơn tiết lộ, đồng thời quảng cáo “mùi mẫn” thêm cho cái dịch vụ khá lạ này: “Các tài khoản được nạp tiền từ sim M-Service được hưởng toàn bộ các chương trình khuyến mãi của cả 7 mạng (VinaPhone, MobiPhone, Viettel, S-Fone, Beeline, Vietnamobile, EVN Telecom). Khi không có khuyến mãi của các nhà mạng khách hàng vẫn được hưởng 5% với thẻ nạp bất kỳ”.

Lôi kéo cả sinh viên vào cuộc

Giải pháp gọi điện… cho đại lý được ủy quyền cung cấp dịch vụ để được nạp tiền ngay tức thì là một giải pháp hiệu quả, và đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để cho dịch vụ kinh doanh sim đa năng có cơ hội “phất”. Hiện hầu hết những người đang lao vào cuộc kinh doanh đa cấp với sim đa năng này (chủ yếu là sinh viên) đều cho rằng đây là dịch vụ dễ lôi kéo được khách hàng.

“Mỗi ngày tôi bỏ ra từ 1 - 2 tiếng ngồi nói chuyện với một vài người quen là có thể thuyết phục họ đồng ý sử dụng bắn tiền qua điện thoại. Chỉ tính riêng sơ sơ thuyết phục bạn bè xung quanh mỗi khi hết tiền trong tài khoản và… nhớ đến mình mỗi khi cần mua thẻ, là cũng có kha khá thu nhập rồi. Cả tháng làm cật lực cũng được lời tới 3 – 4 triệu đồng”, Danh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tiết lộ.

Còn Trung một người kinh doanh sim đa năng cho biết: “Ban đầu khi tìm đến EPS tôi cũng sợ bị lừa. Với sinh viên, bỏ ra 530.000 đồng cũng đã là lớn và lại không biết chắc chắn có được hưởng tới 18 loại hoa hồng hay không. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng kinh doanh thì tôi thấy cũng chưa có rủi ro gì”.

Tuy nhiên, đây là dịch vụ chỉ dựa vào… lời nói và sự thoả thuận nên tất cả mọi người kinh doanh lĩnh vực này đều cho rằng việc thu nợ sau khi đã chuyển tiền cho khách là khó khăn nhất. Nhiều trường hợp bị chính người quen… khất nợ liên hồi. Cá biệt, có người đã gặp phải chuyện dở khóc dở cười.

Lan (Đại học Hà Nội) kể: “Hôm rồi tôi có bắn tiền cho một ông khách khá quen, nhưng đến khi thanh toán thì ông ấy chẳng nhớ là đã nhận tiền do hôm đó ông ấy say. May mà tôi còn lưu tin nhắn chuyển tiền đi”.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng phòng kinh doanh của VinaPhone cho biết, VinaPhone đang triển khai với các đối tác để cung cấp dịch vụ “bắn” tiền cho thuê bao di động qua SIM của VinaPhone. Tất cả các cú pháp nạp tiền của các mạng khác đều được tích hợp vào Sim của VinaPhone. Đây là hình thức bán hàng mới để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Việc chuyển tài khoản của khách hàng sẽ là hợp đồng đơn phương nên trong trường hợp có khiếu kiện xảy ra thì sẽ xử lý theo kiểu hợp đồng đơn phương.

Theo ICT News

Bình luận
vtcnews.vn