Gần 10 nghìn hộ dân phải di dời do mưa lũ miền Trung

Thời sựThứ Năm, 18/11/2010 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Hiện 9.922 hộ dân phải di dời do mưa lũ tại Trung Bộ, người chết vì mưa lũ đã lên tới 19 người, mất tích 6 người và bị thương 31 người...

(VTC News) – Hiện 9.922 hộ dân phải di dời do mưa lũ tại Trung Bộ, người chết vì mưa lũ đã lên tới 19 người, mất tích 6 người và bị thương 31 người...

Theo báo cáo của các địa phương, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung tính từ ngày 14/11 đến 19 giờ ngày 17/11/2010 đã làm 19 người  chết (Quảng Trị: 01 người, Thừa Thiên Huế: 07 người, Quảng Nam: 05 người, Quảng Ngãi: 05 người và Bình Định: 01 người);

Cùng với đó, có 6 người mất tích (Thừa Thiên Huế: 02 người, Quảng Nam: 03 người và Quảng Trị: 01 người);

Nguyên nhân khiến người chết và mất tích do ngã, nước cuốn trôi, lật thuyền, rơi xuống vực, sạt lở núi, mất tích trên sông…

Số người bị thương do mưa lũ cũng tăng tới 31 người, trong đó nhiều nhất là Quảng Ngãi 26 người, Quảng Nam 4 người và Thừa Thiên Huế 1 người.

Mưa lũ cũng làm cho 9.922 hộ dân phải di dời; 42 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; 29.652 ngôi nhà bị hư hại, ngập, tốc mái…

Chiều tối 17/11, nhiều địa bàn của huyện Hương Trà (Huế) vẫn ngập nặng - Ảnh: báo Thừa Thiên Huế. 

Lũ các sông lên - Bình Định đến Khánh Hòa “cảnh giác” với lũ quét, ngập lụt sâu

Trung tâm dự báo KTTVTW dự báo, lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục lên, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục xuống.

Tối nay (18/11), mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Lại Giang tại Bồng Sơn ở mức: 6,3m, trên BĐ1: 0,3m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa ở mức 8,0m (BĐ3); Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng ở mức 10,0m, trên BĐ3: 0,5m; Sông Ba tại Củng Sơn ở mức 32,5m, trên BĐ2: 0,5m; tại Phú Lâm ở mức 2,2m, dưới BĐ2: 0,5m; Các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa dao động ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi giảm dần. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban chỉ đạo PCLBTW về tình hình hồ chứa thì hầu hết các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã tích đầy nước, nước đã qua tràn, hiện các hồ vẫn an toàn.

Cũng theo báo cáo của địa phương tình hình ngập lụt và di dời dân thì hiện tỉnh Quảng Trị đã hết ngập, giao thông đi lại bình thường;

Tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 13 giờ ngày 17/11, diện tích ngập lụt trên địa bàn tỉnh đã giảm còn 11.336 hộ bị (giảm 15.909 hộ so với ngày 16/11/2010). Hiện số hộ bị ngập tiếp tục giảm, địa phương đang cập nhật và có báo cáo sau. Các tuyến Quốc lộ 1A và quốc lộ 49B đã thông xe bình thường. Một số tỉnh lộ và huyện lộ vẫn còn bị ngập;

Tỉnh Quảng Nam, đến 17 giờ ngày 17/11, các địa phương đã tổ chức sơ tán 8.346 hộ với khoảng 30.000 khẩu, tập trung ở các huyện bị ngập sâu như: Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc…, hình thức sơ tán chủ yếu là xen ghép tại chỗ. Công tác sơ tán được thực hiện an toàn theo phương án đã chuẩn bị từ trước;

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ ngày 17/11, tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn 1.857 hộ/ 7.795 khẩu. Một số nơi hiện vẫn bị chia cắt như: huyện Sơn Tây, huyện Tây Trà, 04 xã thuộc huyện Trà Bồng (Trà Lâm, Trà Bùi, Trà Hiệp, Trà Tân), 05 thôn thuộc huyện Tư Nghĩa (thôn Lai Châu, các Nghĩa Trung; thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương; thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp; thôn An Bàn, thị trấn Sông Vệ);

Tỉnh Bình Định, tính đến 19 giờ ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh  đã có khoảng 2.000 hộ bị ngập sâu từ 0,5m đến 1,0m (huyện Hoài Ân 1.600 hộ, huyện An Lão 400 hộ). Tỉnh đã di dời 65 hộ dân thuộc xã An Hòa, huyện An Lão ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ban chỉ đạo PCLBTW yêu cầu, các công việc cần tiếp tục triển khai hiện nay tập trung vào việc tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa, lũ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên để chủ động đối phó;

Rà soát phương châm “4 tại chỗ” để chuẩn bị phù hợp và chủ động đối phó với mưa, lũ lớn đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung; Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến nhân dân về tình hình mưa, lũ, ngập lụt để chủ động phòng tránh;

Tổ chức kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng tại chỗ để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ đang xả lũ theo quy trình; Triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập lụt, sạt lở; tổ chức khắc phục giao thông;

Đồng thời, tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng;

Các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ cũng khẩn trương chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút;

Cùng với đó, các Bộ, ngành và địa phương, theo chức năng nhiệm vụ, tổng hợp tình hình thiệt hại, đánh giá và đề xuất nhu cầu hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn