Sự thật chuyện 6 người từ chối nhận bằng tiến sĩ

Giáo dụcChủ Nhật, 27/07/2014 01:22:00 +07:00

Điều đáng kính phục nhất là cả 6 người này về sau đi thi lại vẫn đỗ tiến sĩ...

Điều đáng kính phục nhất là cả 6 người này về sau đi thi lại vẫn đỗ tiến sĩ...

Chứng tỏ họ là những người có tài học xuất sắc, có bản lĩnh và tự tin dám khinh mạn cả danh hiệu cao quý như học vị tiến sĩ và coi khinh luôn kẻ cầm cân nảy mực đại diện quốc gia hạ bút đánh giá bài thi.

3 hạng tiến sĩ

Thời Lê chia tiến sĩ làm ba hạng: đỗ cao nhất gọi là Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ và chỉ lấy nhiều nhất là ba người, đỗ đầu gọi là Trạng nguyên, đỗ thứ hai gọi là Bảng nhãn, thứ ba gọi là Thám hoa. Không phải khoa thi nào cũng có đủ ba danh hiệu trên, có khoa chỉ có 1 hoặc 2 trong 3 danh hiệu cao quý nhất ấy, thậm chí có khoa không có danh hiệu nào.

Hạng đỗ thứ hai gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (về sau gọi là Hoàng giáp) và không hạn định nhiều hay ít tùy theo từng khoa. Hạng đỗ thứ ba được xếp Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Cả ba thứ bậc tiến sĩ này dân gian gọi vắn tắt là ông Nghè. Chính vì việc xếp hạng cao thấp tiến sĩ này mà 6 "ông nghè" thời Lê mới không nhận đỗ tiến sĩ, vì cho là việc chấm thi chưa công bằng, chưa thực đúng với sức học của họ.

Hai lần được khắc tên trên bia Văn Miếu

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: "Từ khoa Nhâm Tuất đời Đại Bảo (1442) nhà Lê đến khoa Đinh Mùi (1787) đời Lê Chiêu Thống, thi tiến sĩ 94 khoa lấy đỗ 1.732 người, thi Chế khoa 4 khoa, lấy đỗ 30 người, tổng cộng là 1.762 người (trừ đi 5 người đỗ tiến sĩ 2 lần, còn lại 1.757 người).

Tranh minh họa. 

Trong số ấy Trạng nguyên là 26 người. Bảng nhãn 28 người, Thám hoa 41 người. Tuy nhiên, trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu, bia khoa Nhâm Tuất (1442) và bia khoa Mậu Thìn (1448) đều có khắc hai tên Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chẩn. Bia khoa Bính Tuất (1446) và bia khoa Tân Sửu (1481) cũng đều có tên Nguyên Nhân Bỉ.

Bia khoa Mậu Thìn (1508) đã mất nhưng có 3 người nữa đỗ tiến sĩ hai lần được khắc tên trên bia mà sách Đăng khoa lục đã ghi lại, đó là Trần Doãn Minh, Nguyễn Bạt Tụy và Nguyễn Duy Tường. 6 "ông nghè" này đã đỗ tiến sĩ nhưng không nhận và thi lại ở các kỳ sau vẫn đỗ tiến sĩ".

Khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) lấy đỗ 33 người: Trịnh Thiết Trường trong khoa này thi đỗ cùng nhóm với Ngô Sĩ Liên đồng tiến sĩ xuất thân được xếp thứ 14/23. Học trò của Trịnh Thiết Trường là Nguyễn Nguyên Chẩn cũng đỗ được xếp cùng nhóm với thầy ở thứ cuối 23/23.

Cả hai thầy trò đều bỏ không nhận đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Trịnh Thiết Trường nói với bạn đồng thi rằng: "Ta muốn Đệ nhất giám đề danh chứ Đệ tam giáp thì chưa hết sức học của ta". Đến khoa thi sau, năm Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông, thầy trò Trịnh Thiết Trường lại đi thi và lại đỗ.

Lần này Trịnh Thiết Trường đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (tức Bảng nhãn) chỉ kém Trạng nguyên. Ông làm quan qua các đời vua Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, giữ các chức Trung thư xá nhân, An phủ sứ, Hàn lâm viện Thị giảng, Đô cấp sự trung, quyền Công bộ Hữu thị lang.

Học trò của ông là Nguyễn Nguyên Chẩn khoa này đỗ thứ 3/12 hạng Đệ tam giáp. Nguyễn Nguyên Chẩn sau làm quan đến chức Công bộ Thượng thư được Vua gả công chúa Thụy Bảo cho.

(còn nữa)

Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn