Bật mí nữ thủ khoa xinh xắn trường Báo

Giáo dụcThứ Năm, 24/07/2014 02:36:00 +07:00

(VTC News) - Câu chuyện về nữ thủ khoa Học viện Báo chí Tuyên truyền - Vũ Thu Thủy khiến nhiều người phải nể phục.

(VTC News) - Câu chuyện về nữ thủ khoa Học viện Báo chí Tuyên truyền - Vũ Thu Thủy khiến nhiều người phải nể phục.

- Danh hiệu thủ khoa của Học viện Báo chí Tuyên truyền năm nay có khiến Thủy bất ngờ?


Mình biết được thông tin đạt 26,5 điểm từ tối hôm qua.  Không ai đánh thuế hy vọng nên mình  cũng mong sẽ trở thành thủ khoa của trường. Tuy nhiên, khi biết mình trở thành thủ khoa thì cũng thực sự bất ngờ.

Khi đi thi về, bản thân mình cảm thấy thực sự dồn hết tâm sức về bài làm nên không cảm thấy nuối tiếc. Mình cũng rất tâm đắc với đề thi khối C năm nay. Đề thi rất hay.
Vũ Thu Thủy - thủ khoa Học viện Báo chí Tuyên truyền 2014
Vũ Thu Thủy - thủ khoa Học viện Báo chí Tuyên truyền 2014 
- Vì sao bạn lựa chọn vào ngành Quan hệ công chúng của Học viện Báo chí Tuyên truyền?

Mình làm hồ sơ đăng ký vào 3 trường đó là Học viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Luật Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội. Gần đến ngày thi, mình vẫn băn khoăn lựa chọn giữa Học viện Báo chí và ĐH Sư phạm Hà Nội. Trên đường đến trường thi làm thủ tục, mình mới quyết định thi trường Báo.

- Phải chăng đó là ước mơ khi còn nhỏ của Thủy?


Khi học cấp 2, mình mơ ước được trở thành giáo viên dạy Văn. Nhưng lên cấp 3, mình cũng rất thích trường Học viện Báo chí Tuyên truyền, đặc biệt là khoa phát thanh truyền hình.

Mình cũng rất ngưỡng mộ MC Lại Văn Sâm, Diệp chị và muốn được trở thành những người giỏi giang, tài năng như các anh chị.  Tuy nhiên, do không có lợi thế về chiều cao  nên mình đã nộp sang khoa Quan hệ công chúng.

Đây là môi trường cũng rất năng động có thể giúp mình khám phá khả năng bản thân. Dù quyết định này có đưa mình đến đâu thì mình vẫn kiên quyết với con đường đã lựa chọn.
Mẹ Thủy đã phản đối khi cô bạn quyết định lựa chọn thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền 
- Chắc hẳn bố mẹ bạn cũng đồng tình với quyết định  này?

Mặc dù bố mẹ thầy cô đều khuyên nên thi ĐH Sư phạm nhưng mình đã quyết tâm theo đuổi con đường này.

Khi lấy thẻ dự thi Học viện Báo chí Tuyên truyền, mình có tâm sự với mẹ. Mẹ đã nói với mình “mẹ quá buồn” khi mình lựa chọn ngôi trường này.

Tuy nhiên, mình đã bảo mẹ rằng “đây là lựa chọn của con. Con sẽ chứng minh cho mẹ thấy con đường mà con đã chọn là đúng. Mẹ hãy ủng hộ con”.

- Phải chăng mẹ muốn hướng Thủy đến ngành học để sau này có nhiều cơ hội xin việc cho bạn?

Mẹ mình là công nhân may đã về hưu, đang làm hợp đồng ở nhà máy dệt Nam Định. Bố mình là lao động tự do đang làm nghề cơ khí. Mọi người trong gia đình đều là lao động rất giản dị, không có ai làm quan chức để hy vọng thi ngành này ngành kia thì sau này ra trường dễ xin việc.

Mẹ luôn ước mơ mình có một công việc an nhàn, được mọi người tôn trọng vì nghề giáo là nghề cao quý. Mẹ cũng rất muốn mình theo nghề giáo.
thủ khoa học viện báo chí
 
- Bí quyết nào để Thủy có thể giành được 9 điểm môn Văn?

Học môn Văn là niềm yêu thích, đam mê của mình, còn môn Sử đến với mình như một cơ duyên
Do không học trường chuyên nên mình chưa được tiếp cận với tác phẩm trong câu hỏi nghị luận.

Nhưng vì yêu văn chương, ngay từ hè lớp 11 mình đã xin sách giáo khoa của các anh chị từ ngày chưa cải cách. Mình đọc và rất tâm đắc với câu nói của văn sĩ Điền trong tác phẩm “Đời thừa”.
Đây cũng là thông điệp của Nam Cao trong tác phẩm. Đây cũng là châm ngôn sống mình rất tâm đắc nên viết rất say sưa.

Mình viết bằng cả tâm sức nên rất vui và hài lòng. Khi xem đáp án, mình rất bất ngờ vì bài làm cũng rất sát đáp án.

- Quan điểm của Thủy khi bình luận về vấn đề “Kẻ mạnh, kẻ yếu” như thế nào?

Mình cho rằng sức mạnh của kẻ chà đạp lên vai kẻ khác là sức mạnh của kẻ cường quyền, bạo lực. Sức mạnh đó chỉ mang đến sự hủy diệt và đi ngược văn minh nhân loại.

Còn sức mạnh nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình là sức mạnh của tình thương, đạo lý, sẽ luôn chiến thắng.

Mình liên hệ đến tình hình biển đông, Việt Nam có cả công lý và pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mình liên hệ đến mỗi con người là cho dù không giàu có về tiền bạc, không có địa thế, vị trí cao về quyền lực nhưng mỗi con người đối xử với nhau bằng lẽ sống tình thương, tình người tính thiện thì sẽ là một cộng đồng mạnh, lay động cả thế giới.

- Quyết định lựa chọn khối C để dự thi có khiến Thủy phải suy nghĩ nhiều?

Lớp mình được mệnh danh là “Tây lương nữ quốc” , tất cả đều là nữ  nhưng chỉ có mình thi khối C. Cũng là một cơ duyên khi mình gặp cô Lê Thị Minh Tiến dạy Sử. Cô Tiến đã truyền cho mình niềm đam mê, tình yêu với môn Sử, là người giúp đỡ em rất nhiều trong học tập và cuộc sống.

Cô là một người cần mẫn với chuyên môn, dạy học không cần giáo án, em cảm giác cô đã truyền lại cho em tất cả nhiệt huyết về môn Sử. Từ sự ngưỡng mộ cô, cùng với việc được cô bảo ban từng chút một, nói với em về cách tư duy, trình bày bài. Em cảm thấy học môn Sử không hề khó khăn.

- Thủy suy nghĩ gì khi hiện nay các bạn học sinh quay lưng với môn Sử và đã từng có hành động xé đề cương môn Sử?

Là một học sinh, mình cảm thấy hiểu được suy nghĩ và đồng cảm với các bạn về môn Lịch sử. Hiện nay, mọi người trong xã hội không đánh giá cao các môn như Văn, Sử.  Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến việc dạy và học trên giảng đường.

Là một người học và yêu Sử, mình nhận thấy rằng học Sử, yêu Sử không có nghĩa là phải thuộc từng sự kiện mà chỉ cần nhớ và hiểu các dấu mốc quan trọng của các sự kiện và rút ra bài học. Điều đó rất có ích cho cuộc sống của mình. Những bài học lịch sử hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phải biết trân trọng quá khứ thì mới tìm được hướng đi đến tương lai.

Theo mình, học Sử và yêu Sử nước nhà cũng cần được xem như một tiêu chí đánh giá tình yêu đất nước. Chúng ta không thể hô hào khẩu hiệu yêu nước bằng một cái gì đó quá chung chung mà không hiểu về lịch sử của nước mình. 

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn