Đổi mới giáo dục: Thay đổi từ tư duy cha mẹ, thầy cô

Giáo dụcThứ Năm, 17/04/2014 04:16:00 +07:00

Các chuyên gia giáo dục uy tín của Việt Nam và thế giới đã giải đáp băn khoăn của các bậc phụ huynh,trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về đổi mới cách dạy và học

Các chuyên gia giáo dục uy tín của Việt Nam và thế giới đã giải đáp băn khoăn của các bậc phụ huynh, cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về đổi mới cách dạy và học nhằm nâng cao năng lực học tập của học sinh.

Quang cảnh buổi tư vấn: “Đổi mới cách dạy và học nhằm nâng cao năng lực học tập của học sinh”. 

Trần Ngọc

Thưa GS Shirley, tôi 23 tuổi, sắp tốt nghiệp cử nhân sư phạm và sẽ trở thành giáo viên Lịch sử cấp 3. Tôi  thực sự cảm thấy áp lực vì có cảm giác, với Internet, học sinh của tôi có thể còn biết nhiều hơn tôi. Ông có lời khuyên nào dành cho những giáo viên trẻ như tôi trong việc dạy học thời nay, làm sao để học sinh trở thành ‘fan’ của mình, và yêu thích những môn không có trong kỳ thi đại học như môn Lịch sử?

GS.TS Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ:

Lịch sử cũng có thể coi là một phương pháp giúp chúng ta hiểu và kế thừa được tinh hoa của nhân loại, sức mạnh của tập thể. Lịch sử có thể dạy cho chúng ta tầm quan trọng của việc cởi mở với thế giới và yêu mến văn hóa của mình.

Vậy nên nếu bạn nghĩ vai trò của giáo viên là cung cấp kiến thức, thì đúng là sẽ có áp lực, thậm chí áp lực rất lớn khi so sánh kiến thức của một cá nhân thầy giáo với khối lượng siêu thông tin Google.


Nhưng nếu bạn nhận vai trò kích thích trí tò mò, khao khát hiểu biết của học sinh, thì Internet là một công cụ rất tốt để thỏa mãn trí tò mò đó. Tôi cũng chia sẻ thêm, tôi thường sử dụng cách đối thoại tiền Socrat của tác giả Plato 2500 năm trước đây như một chuẩn mực cho tất cả các hướng dẫn của tôi.

Cách đối thoại này giúp đỡ người trẻ phát triển ý tưởng của mình, họ nhận thức được điểm yếu trong suy nghĩ của mình, và cùng giúp đỡ nhau phát triển.

GS.TS Dennis Shirley (bên trái) - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ. 
Trần Diễm Hương

Gia đình tôi không tiếc công đầu tư vào học tập cho các con, và đã gửi con vào một trường song ngữ quốc tế để cháu được vui học, không phải chịu nhiều áp lực. Tuy vậy, hiện nay tôi lo lắng nếu để cháu phát triển trong một môi trường quá "Tây" thì sau này cháu sẽ gặp khó khăn vì không làm việc được theo kiểu "Việt Nam". Thành ra tôi vẫn phải gây áp lực nhằm thúc đẩy con phải được điểm cao ở các kỳ thi tốt nghiệp. Liệu có phương pháp học nào giúp cháu có thể vẫn đạt điểm cao mà không phải học nhồi học nhét không?

NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool:

Theo quan điểm của tôi, việc học tập cũng cần có một chút áp lực và nên hiểu áp lực ở đây là áp lực tích cực, là chất xúc tác giúp học tốt hơn. Vấn đề ở đây là làm sao để học sinh cảm thấy học tập là niềm vui, mỗi kỳ thi là một thách thức mà khi mình vượt qua được sẽ rất tự hào.

Với các trường Việt Nam, vấn đề không ở chương trình và các kỳ thi mà ở phương pháp và nghệ thuật sư phạm của giáo viên. Ví dụ như ở Vinschool, chúng tôi sẽ áp dụng các phương pháp giúp học sinh chủ động trong việc học tập, được trình bày ý kiến, được làm việc theo nhóm, được thực hành theo dự án, được dùng hội họa, âm nhạc để thể hiệu tư duy… đó là các phương pháp tổ chức lớp học để con bộc lộ sở thích và tiềm năng của mình.
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool đang tư vấn cho độc giả 

Nguyễn Huyền Trang

Thưa GS Yoshida cho chúng tôi - những người giáo viên một lời khuyên, chúng tôi cần làm điều gì đầu tiên để bắt tay vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Nói đổi mới, có thể nhiều người muốn làm, nhưng cũng vô cùng lúng túng không biết bắt đầu từ đâu.

GS.TS Yosida Kazuhiro - Giám đốc viện Hợp tác Quốc tế Giáo dục, Hirosima, Nhật Bản:

Đổi mới giáo dục là một quá trình cần sự đều đặn và thường xuyên. Đổi mới giáo dục phải đi từ cơ bản, thay đổi phải phù hợp từ nền tảng để tất cả các tầng lớp trong xã hội phải tiếp cận và làm chủ được. Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, qua từng bài học nhỏ, dần dần sẽ dẫn đến sự thay đổi xa hơn.
GS.TS Yosida Kazuhiro (bên trái) - Giám đốc viện Hợp tác Quốc tế Giáo dục, Hirosima, Nhật Bản. 

Lê Duyên Anh

Thưa GS Lars Anderson, với phụ huynh Việt thì quan trọng nhất vẫn là con học giỏi môn cơ bản, để còn thi đỗ đại học – chứ năng khiếu nghệ thuật của con vẫn là các môn phụ (kể cả những trường hợp học sinh có khả năng). Đối với các bậc cha mẹ nước ngoài thì sao, thưa Giáo sư? Liệu họ có nhận định khác về vai trò của Nghệ thuật trong việc giáo dục con hay không và tại sao lại như vậy?  

GS Lars Anderson - Giám đốc Âm nhạc Trường Malme, Stockholm, Thụy Điển:

Đúng là có sự khác nhau giữa các nước về quan điểm sử dụng nghệ thuật trong giáo dục. Tuy vậy cần làm rõ là việc đưa giáo dục nghệ thuật vào nhà trường không có nghĩa là nhà trường có kế hoạch phát triển các họa sỹ, nhạc sỹ…mà là việc bổ sung chương trình để phát triển toàn diện.

Chúng ta không tìm cách biến đổi một nhà toán học hay một doanh nhân thành môt nhà thơ, mà giúp họ cảm nhận thưởng thức được vẻ đẹp của thơ. Thực tế nghệ thuật giúp học sinh thấy thích thú, hạnh phúc hơn, vì vậy nó gián tiếp giúp học sinh thành công hơn trong cuộc sống.


Về mặt khoa học, một số nghiên cứu đã chỉ ra, sự cân bằng giữa các môn học văn hóa và nghệ thuật có thể giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Kỹ năng học sinh có được khi học các môn nghệ thuật có thể giúp học sinh linh hoạt hơn, qua đó học tập hiệu quả hơn.
GS Lars Anderson (bên trái) - Giám đốc Âm nhạc Trường Malme, Stockholm, Thụy Điển. 

Trần Văn Khải

Ở trường tôi, việc bồi dưỡng các lớp mũi nhọn để đi thi các kỳ thi học sinh giỏi hết sức quan trọng. Tuy nhiên có một số phụ huynh e ngại vào việc con mình bị học lệch, học quá tải nên xin ra khỏi lớp mũi nhọn. Tôi thấy rất tiếc cho tài năng của các em, cho tôi hỏi quan điểm của GS Mỹ Lộc về việc bồi dưỡng năng khiếu cho một số học sinh thật sự tài năng như thế nào?

NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool:

Tôi biết có những học sinh rất giỏi một bộ môn, nhưng đi đâu cũng cần người dắt tay, không thể tự lập trong cuộc sống, thậm chí xã giao chào hỏi cũng phải nhắc nhở, khiến cho bố mẹ lúc nào cũng phải lo lắng. Tôi nghĩ đó không phải là điều mà phụ huynh cũng như tất cả chúng ta mong muốn.

Quan điểm của Hội đồng giáo dục Vinschool là giáo dục toàn diện giúp học sinh trở thành công dân tinh hoa của Việt Nam, mạnh khỏe, hạnh phúc, đủ năng lực làm chủ bản thân và đủ khát khao để thành công trong cuộc sống sau này.


Giáo dục toàn diện thực tế không hề mâu thuẫn với việc bồi dưỡng năng khiếu. Năng khiếu ở đây là thiên bẩm của các em không chỉ là các môn có tổ chức thi Học sinh giỏi, mà còn là năng khiếu kịch nghệ, thuyết trình,thể thao, âm nhạc…

Ở Vinschool, chúng tôi khuyến khích và trân trọng  năng khiếu. Có những lớp, câu lạc bộ năng khiếu, giúp các con được thỏa mãn sở thích và năng lực của mình, yêu trường lớp bạn bè, rồi từ đó mà tiếp thu và học các môn khác tốt hơn. Và về dài hạn, chương trình giáo dục chuyên biệt sẽ giúp phát triển tiềm năng và năng khiếu đó thành những tài năng thực sự.

NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (bên trái) - Thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool đang tư vấn cho độc giả 

Vũ Văn Hưng

Kể từ khi Đại học Stanford đưa vào hoạt động những khóa học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course – MOOC), thì xu hướng này  được kì vọng  mang lại cuộc cách mạng  trong giáo dục. Các chứng chỉ của MOOC có được hệ thống giáo dục chính thống ở Mỹ công nhận không? Theo GS xu hướng phát triển của MOOC sẽ thế nào, có dẫn đến sự thu hẹp giáo dục truyền thống và giảm bớt biên chế của các giáo viên không?

GS.TS Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ:

Các nhà giáo dục cần được trang bị kiến thức để bổ sung cho sự thiếu hụt trong hệ thống giáo dục truyền thống. Tôi cũng tin rằng  chất lượng giáo dục đang được cải thiện ngày một tốt hơn qua phương pháp trực tuyến. Tuy nhiên, chúng ta cũng đều biết  rằng mục tiêu của giáo dục là phát triển con người, không chỉ  là cung cấp kiến thức và thông tin.

Giáo dục sẽ giúp học sinh tiến bộ thông qua việc học trên lớp cũng như có sự quan tâm riêng biệt của giáo viên sau mỗi giờ học. Vì vậy nên thúc đẩy và đa dạng hóa các hình thức học tập, trong đó học trực tuyến chỉ là phương tiện hỗ trợ, bổ sung chứ không phải thay thế.

GS.TS Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ đang tư vấn cho độc giả 

Nguyễn Minh Nghĩa

Xin cho tôi được hỏi học sinh Nhật Bản ngày nay có chịu nhiều áp lực trong học tập hay không? Chứ tôi thấy học sinh Việt Nam học căng thẳng quá, nhưng có thể hiệu quả lại chưa được cao. Ông có nghĩ rằng việc áp lực cho học sinh là cần thiết?

GS.TS Yosida Kazuhiro - Giám đốc viện Hợp tác Quốc tế Giáo dục, Hirosima, Nhật Bản:

Tôi nghĩ học sinh nên có áp lực. Điều này sẽ giúp các em tránh được sự lười biếng, đồng thời tạo thách thức để phát triển. Nên dạy cho học sinh biết cách thu nhận kiến thức, tạo cho học sinh có trách nhiệm với mọi việc.

Giáo viên có thể tạo áp lực và ra thử thách cho học sinh, nhưng đồng thời cũng phải chỉ cho học sinh cách thức để tìm hướng giải quyết. Có như vậy các em mới không chán nản mà tìm được hứng thú trong việc khám phá và học tập.

GS.TS Yosida Kazuhiro - Giám đốc viện Hợp tác Quốc tế Giáo dục, Hirosima, Nhật Bản đang tư vấn cho độc giả 

Bùi Minh Nga

Gửi GS Lars Andersson, tôi có một cháu đang học lớp 12, nghĩa là năm nay cháu sẽ thi đại học. Câu hỏi của tôi có thể không liên quan tới lĩnh vực chuyên môn của GS nhưng tôi muốn chia sẻ về áp lực thi ĐH ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Ở nước ngoài thì như thế nào ạ? Có nhẹ nhàng hơn không? Có cách nào để các cháu có thể cân bằng được cuộc sống?

GS. Lars Anderson - Giám đốc Âm nhạc Trường Malme, Stockholm, Thụy Điển:

Áp lực này là vấn đề chung cho cả các nước chứ không riêng Việt Nam. Vì vậy học sinh cần phải được rèn luyện các kỹ năng học tập hiệu quả. Ví dụ như khi học đại học, các em phải đọc rất nhiều sách, vì vậy các em cần phải có kỹ năng đọc, tổng hợp, phân tích thông tin. Các em cần xác định mục đích của từng việc: học cái gì, học để làm gì, từ đó xác định cách học như thế nào cho hiệu quả.

Bên cạnh đó việc cân bằng cuộc sống thực sự cần thiết. Giải quyết một vấn đề chúng ta có thể mất 3 giờ đồng hồ, nhưng thực tế chúng ta chỉ cần 1 giờ để giải quyết, còn 2 giờ để bổ trợ. Vậy để phát triển toàn diện, rất cần phải biết cân bằng giữa việc tiếp thu kiến thức và tạo điều kiện để hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức được tốt hơn.

Tôi thấy hệ thống giáo dục Vinschool đang có những bước đi rất đúng hướng trong việc chú trọng phát triển kỹ năng tư duy cho học sinh. Tôi cũng rất ủng hộ việc Vinschool đi theo con đường phát triển toàn diện, tôi nghĩ rằng đó là xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến hiện đại.

Hoàng Mai Hoa

Thưa GS Shirley, hiện nay ở Mỹ, phương pháp dạy học nào đang được công nhận là có hiệu quả cao đối với việc nâng cao kết quả học tập của học sinh? Liệu Việt Nam có thể áp dụng phương pháp đó trong dạy học và cần chú ý những điều gì?

GS.TS Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ:

Trên thế giới đang có rất nhiều những cải tiến lớn trong giáo dục. Ở Mỹ, chúng tôi có truyền thống giúp học sinh học thông qua dự án, học qua nghiên cứu, và học qua trải nghiệm. Những phương pháp này đặc biệt quan trọng bởi sẽ giúp học sinh biết cách tổng hợp, đánh giá và vận dụng kiến thức đa chiều vào giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống.

Khi đến với Việt Nam để tham dự Hội thảo quốc tế theo lời mời của Hệ thống giáo dục Vinschool lần này, tôi cũng có nghiên cứu trao đổi với các vị lãnh đạo của Vinschool về phương pháp dạy học hiệu quả. Tôi rất vui mừng nhận thấy Vinschool có tư tưởng mở, sẵn sàng đón nhận và chắt lọc những xu hướng tốt, đã được kiểm chứng của thế giới, ví dụ phương pháp lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục qua dự án. Tôi thực sự đánh giá cao điều này và sẵn sàng hợp tác với Vinschool để hỗ trợ các bạn phát triển tốt nhất.

Bùi Thu Chinh

Tôi có một cháu trai hiện đang học lớp 9. Cháu học không tốt, nhưng cháu cũng không tỏ ra lo lắng gì về việc này. Cháu không sợ điểm kém, cũng không sợ cô giáo hay bố mẹ mắng mà cố gắng hơn. Tôi rất lo vì sang năm cháu sẽ lên cấp 3, kiến thức khó hơn và còn cả kì thi đại học nữa. Có cách nào giúp cháu tiến bộ, ít nhất là phải có trách nhiệm và ý thức tự học không?

NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool: 

Trong trường hợp này tôi nghĩ trước hết nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao cháu chán học để tác động phù hợp (có thể do cháu gặp một cú sốc tâm lý, hay do bị phủ nhận ở trường học, hoặc do bố mẹ không quan tâm…). Khi hiểu được rõ nguyên nhân, chúng ta mới có giải pháp đúng và hiệu quả. Trong mọi trường hợp, đừng tin rằng sự sợ hãi vì bị mắng mỏ sẽ làm con học tốt hơn. Vì nếu như vậy con sẽ bị ức chế do bị phủ nhận, từ đó không còn sự nỗ lực cố gắng.

Thay vào đó, phụ huynh cần dành nhiều thời gian chia sẻ, nói chuyện, khích lệ con. Hãy là người bạn của con, để con có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ của mình. Và đặc biệt, hãy kết nối chặt chẽ với giáo viên của con để cùng tìm hiểu và phối hợp. Tác động hai chiều từ cả gia đình và trường học sẽ giúp con vượt qua những rào cản tâm lý và tìm lại được sự hứng thú trong học tập.

Nguyễn Hồng Hạnh

Thưa GS, nghề giáo có phải là một nghề được trọng vọng, có vị trí và thu nhập cao tại Mỹ không? Những sinh viên sư phạm có được chọn lựa kỹ càng không? Vì tôi e ngại, sẽ rất ít học sinh muốn thi vào trường Sư phạm, những người giỏi thì không muốn làm giáo viên vì lương không đủ sống, thầy không giỏi thì làm sao có trò giỏi?

GS.TS Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ:

Mỹ là một đất nước đa dạng với hơn 300 triệu người và vị trí của giáo viên cũng rất khác nhau tùy thuộc vào mỗi vùng miền. Các tiêu chuẩn của chúng tôi để trở thành một giáo viên không cao như Singapore hay Phần Lan nhưng  chúng tôi đang cố gắng khắc phục điều này. Thu nhập của giáo viên cũng mới đang ở mức trung bình theo chuẩn lương của OECD.

Chúng tôi hiện đang cố gắng để nâng cao vai trò và vị trí của nghề giáo viên. Về cơ bản, tôi thấy giáo viên ở châu Á được coi trọng hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu. Những giá trị truyền thống, tư tưởng “tôn sư trọng đạo” như ở Việt Nam có thể nói là một lợi thế tuyệt vời giúp các bạn nỗ lực để cải thiện việc dạy và học.


>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn