Hiệu phó bị tố đạo văn, Bộ GD-ĐT kết luận đã chính xác?

Giáo dụcThứ Ba, 15/04/2014 11:38:00 +07:00

(VTC News)- TS Nguyễn Ngọc Thành (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong bản kết luận tố cáo của Bộ GD-ĐT.

(VTC News)- TS Nguyễn Ngọc Thành (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong bản kết luận tố cáo của Bộ GD-ĐT.

Ngày 25/01/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 339/QĐ- BGDĐT thụ lý giải quyết vụ việc công dân tố cáo: “Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải”.
pgs nguyễn cảnh lương
Ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội 
Ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký Kết luận số 22/KL-BGDĐT kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sau khi thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ, Tổ xác minh đã đưa ra kết luận nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Ngày 14/4, Báo điện tử VTC News tiếp tục nhận được phản ánh của TS. Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Bộ môn Hàn (Viện Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) phản biện kết luận của Bộ GD-ĐT.

Ông Thành cho rằng có rất nhiều nội dung ông không tố cáo nhưng trong kết luận của Bộ GD-ĐT lại đưa vào. Vị giảng viên này khẳng định chỉ tố cáo việc “đạo văn và tính không trung thực của một nhà giáo”.

Người tố cáo cho rằng: “ Hành vi không trung thực của ông Lương là có chủ ý rõ ràng, không thể cho là “sơ suất” hay “thiếu sót” được”.

TS Nguyễn Ngọc Thành
TS Nguyễn Ngọc Thành không đồng tình với nhiều kết luận của Bộ GD-ĐT
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 
TS Nguyễn Ngọc Thành lấy ra ví dụ: “Nếu các thầy hướng dẫn, các thầy trong Hội đồng không nhắc nhở, lưu ý ông Lương việc cần phải trích dẫn tài liệu và ông ta cũng không thực hiện việc này, khi đó có thể “châm trước” cho là “sơ suất”, “thiếu sót” của ông Lương.


Đằng này, trong quá trình bảo vệ, ở nhiều lúc, nhiều nơi, chính các thầy hướng dẫn, các thầy trong Hội đồng đều đã có nhắc nhở, lưu ý ông Lương.

Nhưng ông ta đã không chịu nghe theo các nhắc nhở, lưu ý này, ông ta đã lợi dụng sự cả tin của các thầy cho đến tận khi ông ta nộp quyển luận án cuối cùng tại Thư viện Quốc gia. Như vậy, sao có thể coi hành vi nêu trên của ông Lương là “sơ suất”, “thiếu sót” được?”

Kết luận của Bộ GD-ĐT có đoạn: “ Trong Chương 2 và Chương 3, mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác nhưng có những chỗ tác giả đã sao chép lập luận trong Luận án của ông Khải. Đây là điều đáng phải tránh hoặc tại những chỗ như vậy phải viết thật rõ sự giống nhau về lập luận trong trình bày Luận án.”.

Ông Thành cho rằng kết luận trên của hội đồng là sự thừa nhận hùng hồn rằng nhiều chỗ trong Chương 2 và Chương 3 của ông Lương đã đi chép lại của thầy Đặng Văn Khải.

Người tố cáo cũng đặt ra nghi vấn : “Trong Chương 2 và Chương 3 đã được hội đồng kết luận: “ … mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác …”, nhưng chính GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu lại khẳng định (ngược lại): “Tại Chương II và Chương III là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận ”.

Như vậy, theo thầy hướng dẫn chính, tại “ Tại Chương II và Chương III ”, khi đó ông Lương đang “học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”; nhưng hội đồng lại kết luận khi đó ông Lương đang “ nghiên cứu trên một đối tượng khác ”?

Kết luận của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra: “Về hình thức, Chương II và một phần Chương III có nhiều đoạn lặp lại nguyên văn những đoạn đã có trong luận án của TS. Đặng Văn Khải. Tuy nhiên, những kết quả này là kiểm tra cho những trường hợp cụ thể đã nêu, không phải cho cấu trúc trìu tượng như trong Luận án Đặng Văn Khải. Do đó, đây không phải là sao chép kết quả, mà chỉ là lặp lại lý luận, phương pháp”.

Dựa trên kêt luận trên, ông Thành cho rằng chính hội đồng cũng đã thừa nhận “có nhiều đoạn lặp lại nguyên văn những đoạn đã có trong luận án của TS. Đặng Văn Khải.” mà lại ngụy biện rằng “đây không phải là sao chép kết quả, mà chỉ là lặp lại lý luận, phương pháp.” là không đúng! “.
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ  
Người tố cáo cũng cho rằng mặc dù hội đồng đã lưu ý, nhắc nhở rồi nhưng ông Lương đã không thực hiện đúng thì đó là hành vi cố ý. “Vậy, cớ sao Bộ và hội đồng lại bao che cho ông Lương với “nghệ thuật” dùng câu chữ quá lộ liễu như vậy?”, ông Thành đặt ra nghi vấn.

Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng không tố cáo ông Lương “vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu”, tuy nhiên quá trình điều tra, xác minh, Bộ đã phát hiện và chỉ ra thêm “hành vi” vi phạm của ông Lương.

“Sự phát hiện và chỉ ra thêm này lại càng chứng tỏ thêm hành vi cố tình và tính chất nghiêm trọng về sai phạm của ông Lương, càng minh hoạ cho tố cáo của tôi là hoàn toàn có cơ sở và đúng”, ông Thành lập luận.

Vì vậy, ông Thành đề nghị được đối thoại trực tiếp công khai với Bộ GD-ĐT, Hội đồng cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành Toán nói chung về vấn đề này.

“Bộ GD-ĐT cần khẩn trương thành lập một Hội đồng khác độc lập (trừ hai thầy hướng dẫn) để xem xét lại nội dung tố cáo” ông Thành nhấn mạnh.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có lết luận về nội dung tố cáo, ngày 11/4 ông Thành đã có gửi đơn phản biện đến lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ đề nghị được làm rõ hơn các nội dung tố cáo.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn