Giới trẻ đang mê muội thần tượng hay ghen tị nhau?

Giáo dụcThứ Sáu, 13/07/2012 08:05:00 +07:00

(VTC News)- “Ở đây không còn là sự mê mẩn thần tượng nữa mà trở thành sự ganh đua, ghen tị giữa các cháu..."

(VTC News)- “Ở đây không còn là sự mê mẩn thần tượng nữa mà trở thành sự ganh đua, ghen tị giữa các cháu. Những cháu đó cho rằng ta đây đã được gặp, được bắt tay bá cổ thần tượng để rồi về nhà huênh hoang…”, Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ.


Xung quanh cuộc tranh cãi không ngừng nhiều ngày nay về đề Văn khối D nhắc tới “văn hóa thần tượng”, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) để lý giải về việc hâm mộ thần tượng của các bạn trẻ hiện nay.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Ảnh: Phạm Thịnh) 
- Ông nghĩ gì về đề văn khối D năm nay của Bộ GD-ĐT với câu văn nghị luận về “văn hóa thần tượng”?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Tôi và nhiều người bạn của tôi là các giáo viên dạy văn đều thấy rằng đây là một sự thay đổi rất lớn và rất hay. Sự thay đổi này sẽ giúp các cháu học sinh có thể phát huy được trí lực của mình với những kiến thức thực tế.

Nên khuyến khích ra những đề Văn như thế này và thậm chí là nên đưa vào trong các bài kiểm tra trong chương trình học lớp 12.

- Đề văn chỉ đưa ra vấn đề về thần tượng nói chung nhưng các fan của các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc (Kpop) lại cho rằng đề văn đang “nhắm” vào nhóm mình. Ông có lý giải gì về điều này?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Các cháu nói “đề văn ám chỉ các cháu” tức là các cháu đó đang bị ám thị. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của một nhóm chứ không phải là của tất cả.

Vì vậy, đối với đề văn này khi các cháu (ở nhóm phản đối) dùng lập luận để đưa ra chính kiến của mình cũng là điều rất tốt. Có phản đối, có khó chịu nhưng chúng ta đã đưa vào được những nhận thức sâu xa giúp các cháu đó thức tỉnh.

- Ông lý giải như thế nào khi một số các bạn trẻ Việt Nam hiện nay đang thể hiện tình cảm một cách thái quá với thần tượng?


Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Trong một số trường hợp có thể là có thần tượng thật. Song “Thần tượng” đang nói ở đây chính là thần tượng ảo. Ví dụ như việc một số cháu lên tận sân bay Nội Bài để đón thần tượng mong được xin chữ ký, thậm chí là chỉ cần được nhìn thôi là đã sung sướng phát khóc rồi. Điều này là rất nguy hiểm.

Vì ở đây không còn là sự mê mẩn thần tượng nữa mà trở thành sự ganh đua, ghen tị giữa các cháu. Những cháu đó cho rằng ta đây đã được gặp, được bắt tay bá cổ thần tượng để rồi về nhà huênh hoang. Các cháu tưởng rằng đó là lợi thế, là cái giỏi giang và tài ba hơn người.

- Ông có lý giải gì về việc nhiều bạn trẻ vì quá mê mẩn thần tượng mà sẵn sàng làm bất cứ điều gì? Cách đây không lâu báo chí có đưa thông tin về việc có bạn trẻ Việt còn hôn lên ghế ngồi của ca sĩ Bi Rain khi anh này sang Việt Nam lưu diễn hay các trường hợp nhiều bạn trẻ lên mạng thóa mạ chính ông bà cha mẹ mình khi họ lỡ mắng mỏ thần tượng.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Không chỉ có những trường hợp đó, tôi còn được biết có cháu còn phóng thật to ảnh thần tượng của mình để bên cạnh mỗi khi đi ngủ.

Thậm chí có cháu gái còn đòi xin ngủ cùng thần tượng một đêm. Đó gần như là việc mê muội quá mức.

Ở đây cần thấy rằng, trước hết các bạn trẻ này không hòa nhập được vào đời sống vui chơi giải trí và sinh hoạt cộng đồng. Các hoạt động cộng đồng này không gây cảm hứng để các em hòa nhập, khiến các em phải tự tìm cho mình một điều gì đó để theo.

Thông tin về các ca sĩ, diễn viên nước ngoài hiện nay rất đa dạng và được thể hiện đầy màu sắc trên truyền hình, báo chí trong khi các cháu lại đang độ tuổi tò mò, thích thú, và muốn được khẳng định mình. Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng nhiều bạn trẻ còn muốn chơi trội hơn các bạn khác.

Khi có thần tượng rồi, với nhận thức tạm gọi là hơi lệch một chút, chính bản thân các em lại cho rằng mình là đúng, ai mà cản trở, không đồng tình với họ thì cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của họ. Khi đó ngay cả bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo thì các bạn trẻ này đều cho rằng họ không biết gì. Có cháu còn nói hẳn với cha mẹ rằng: “Đã không biết thì im đi đừng có mà ngăn cản”.

Thực tế đây là một lời cảnh báo cho những người làm công tác giáo dục và những người định hướng tư tưởng cho thanh niên.

 Rất nhiều hội nhóm đã được lập ra trên các mạng xã hội để tranh luận về đề Văn khối D và văn hóa thần tượng

- Nhưng có một thần tượng cho mình đâu phải là hoàn toàn xấu, thưa ông?

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Thần tượng rất cần. Nhưng học tập thần tượng như thế nào để mình trở thành người tài, có trí tuệ, có sức khỏe, làm các việc thiện cho xã hội lại cần hơn.

Ví dụ như chúng ta thần tượng Bác Hồ chẳng hạn. Các cháu có thể học tập, noi gương và làm theo, để làm được nhiều điều có ích cho xã hội chứ không chỉ cho riêng mình.

- Nhân nói về vấn đề thần tượng của giới trẻ thì ông có suy nghĩ gì khi hiện nay nhiều bậc phụ huynh cũng đang thần tượng GS Ngô Bảo Châu để rồi cứ nhất thiết phải cho con mình vào học tại nơi GS từng học với mong muốn sau này con mình cũng có thể làm được điều gì đó to lớn?


Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: Ở đây, chính các cha mẹ cũng đang “thần tượng ảo”. Chính các phụ huynh cũng không thấy rằng cái quyết định để một con người trở thành tài giỏi là do chính bản thân người đó tạo nên chứ không phải ngôi trường và cũng không phải là thầy giáo đó tạo nên.

Người ta quên đi rằng GS Ngô Bảo Châu được học trong một môi trường như thế nào với niềm say mê Toán học ra sao. Họ chỉ nghĩ rằng đưa con được vào mái trường đó thì con sẽ thành tài mà quên đi việc giáo dục con họ ra sao để cháu có thể vượt lên trên bản thân mình để có sự ham học tập, ham hiểu biết chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học.

Đạp đổ cổng trường thực nghiệm như là một sự mê tín chứ không còn là việc bình thường nữa.

Bạn đọc chia sẻ xung quanh câu chuyện "văn hóa thần tượng" xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!



Phạm Thịnh(lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn