Đề văn thần tượng và thảm họa: 'Tử chiến' trên mạng

Giáo dụcThứ Năm, 12/07/2012 06:48:00 +07:00

(VTC News) - Ngay sau khi kết thúc môn Văn, trên mạng xã hội Facebook đã lập tức xuất hiện: “Hội những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ GD-ĐT”.

(VTC News)- Sau khi kết thúc đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, câu văn nghị luận của đề văn khối D về “thần tượng” vẫn đang gây xôn xao trong giới trẻ và cư dân mạng.

Bùng nổ trên mạng

Câu văn nghị luận trong đề thi môn Văn khối D năm nay: "Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa" ngay lập tức đã làm cộng đồng mạng dậy sóng. Dù đề Văn không đề cập đến một ngôi sao ca nhạc, diễn viên nào nhưng những bạn trẻ hâm mộ các nhóm nhạc Hàn Quốc lại cho rằng đề văn đang nhắm vào hội của mình.

Ngay sau khi kết thúc môn Văn, trên mạng xã hội Facebook đã lập tức xuất hiện: “Hội những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ GD-ĐT”. Hội này còn khẳng định đây là: “Cộng đồng Fan Kpop chân chính”.

Những Fan của Kpop còn lập Hội trên Facebook để phản đối cách ra đề của Bộ GD-ĐT

Hiện tại, hội này đã có gần 2.600 thành viên yêu thích mặc dù mới chỉ được lập ra một vài ngày nay. Chỉ sau 3 ngày đã có gần 11.000 lượt người trao đổi về vấn đề “văn hóa thần tượng”.

Thành viên quản trị của “Hội những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ GD-ĐT” đã chia sẻ: “Hâm mộ ai, thần tượng ai là quyền của riêng người ta, vì sao các bạn lại cứ thích ném đá chúng tôi? Tại vì các bạn không dám thần tượng, không dám thể hiện niềm yêu thích của các bạn? Tôi yêu K-pop và tôi dám thể hiện tình yêu đó!”

Một thành viên của Hội này viết: "Còn hơn cái loại suốt ngày lôi người khác ra chửi bới. Rồi bới móc những chuyện không đâu. Làm fan Kpop còn sướng hơn fan Vpop… Đâu phải fan Kpop nào cũng cuồng quá đáng đâu. Fan kpop họ cũng biết làm sao để bảo vệ thần tượng của mình một cách lịch sự".

 Đã có nhiều những hội nhóm hài hước được lập ra để tranh cãi xung quanh câu chuyện "văn hóa thần tượng" trong đề thi môn Văn khối D

Ngay sau đó, “Hội những người ủng hộ cách ra đề ĐH Văn 2012 của Bộ Giáo dục” lại ra đời như một sự đáp trả. Hội này cũng khẳng định “lập ra để phản đối Hội những Thí sinh Phản đối cách ra đề của Bộ Giáo dục, đừng để người lớn đánh giá sai về một thế hệ”.

Bên cạnh đó còn rất nhiều hội được lập ra như “Hội những người phát cuồng vì đề thi Văn khối D năm 2012”, Hội những người anti Hội những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ Giáo dục…

Các thành viên của các hội này lại đưa ra những dẫn chứng trước đó được đăng tải trên báo chí như: “Fan Kpop dọa chém chết bạn vì dám tẩy chay SuJu; Phẫn nộ một teen girl Kpop chửi cha mẹ” để minh chứng cho việc hâm mộ Kpop là việc làm “mê muội”.

Tuy nhiên, theo dõi bình luận trên các hội này đều thấy rằng có rất nhiều ý kiến tranh cãi quá mức với những lời lẽ thô tục.

Bạn trẻ nói gì?

Bình luận về vấn đề này, Tuyết - sinh viên ĐH Hòa Bình nhận xét: “ Em thấy đề văn khối D năm nay khá hay, thậm chí đề văn này còn phản ánh đúng với hiện tượng xã hội bây giờ”.

Cô bạn này cũng lấy ra dẫn chứng: “Giống như chuyện xảy ra với Micheal Jackson vua nhạc Pop. Có thể nói sau khi anh ta qua đời rất nhiều người buồn, vì hâm mộ anh ta. đó là một điều đẹp. Nhưng cũng khá nhiều người vì điều đó mà nghĩ đến việc tự tử thì có phải đó là một chuyện điên rồ”.

"Hay giống như một người bạn em, sau khi anh ca sĩ Đan Trường lấy vợ vì quá hâm mộ và yêu anh thích anh ấy mà bạn em đã khóc suốt trong 1 tuần và không muốn ăn uống gì". Nữ sinh này kể.

Tuyết cho biết, bản thân cô bạn cũng thần tượng chị Nhật Kim Anh vì chị ấy đã lớn lên trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, chính bản thân Nhật Kim Anh đã cố gắng và vượt lên bản thân để có được những điều ngày hôm nay.

“Em chỉ hâm mộ vì chị ấy là người kiên cường nhưng không phải đến mức quá đam mê vì họ”, nữ sinh này chia sẻ.

Ngay trong những bạn trẻ cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này

Trong khi đó, nữ sinh Thu Thủy, dự thi khối D vào ĐH Ngoại thương thì cho rằng: “ Đề thi văn khối D rất hay và mang tính thời sự. Đề thi đang nhắm tới những fan của Kpop. Bởi vì trước đây không lâu trên báo chí đã đưa rất nhiều thông tin về các fan của Kpop đã hôn lên ghế của Bi Rain khi anh này sang lưu diễn tại Việt Nam hay việc nhiều thành viên đã thóa mạ chính ông bà, cha mẹ mình khi họ “nặng lời” nói về các sao Hàn”.

Trái lập với quan điểm này, Đức Tiến – thí sinh vừa dự thi đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ vào trường ĐH Hà Nội lại chia sẻ: “Bản thân em cũng là một Fan của Kpop nhưng em thấy đề văn khối D cũng hợp tính thời sự. Tuy nhiên đề văn này cũng không phải nhắm vào các fan của Kpop mà đơn giản chỉ nêu lên một vấn đề có tính thời sự”.

Cậu thí sinh này cũng cho biết thêm: “Em thấy rằng cũng không cần thiết phải có quá nhiều sự tranh cãi về vấn đề này. Những người lập ra hội đó chưa chắc đã phải là những người có ý tốt. Đa số các fan của Kpop hâm mộ chân chính nhưng cũng có một số ít thành viên hâm mộ quá đà”.

Hiện tại, trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn vẫn không ngừng tranh cãi xung quanh câu chuyện “văn hóa thần tượng” với những chia sẻ trái chiều nhau. Nhiều ý kiến lại cho rằng đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ có những suy nghĩ đúng đắn hơn về chính thần tượng của mình.

Bạn đọc chia sẻ xung quanh câu chuyện "văn hóa thần tượng" xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn