SV chế tạo kính thiên văn lớn nhất Việt Nam

Giáo dụcChủ Nhật, 29/04/2012 06:16:00 +07:00

(VTC News)- Mới đây, các thành viên trẻ tuổi của Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS) đã cho ra mắt một chiếc Telescope D250 được xem là lớn nhất tại Việt Nam.

(VTC News)- Những chiếc kính thiên văn luôn được coi là sản phẩm công nghệ cao và đắt tiền, có may mắn mục sở thị đã khó, để chế tạo được có lẽ là điều không tưởng.

Thế nhưng mới đây, các thành viên trẻ tuổi của Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS) đã cho ra mắt một chiếc Telescope D250 được xem là lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Hai năm nuôi dưỡng một ước mơ
Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên của nhóm HAS chế tạo thành công một chiếc kính thiên văn. Tuy nhiên, với đường kính (D) lên tới 250mm, telescope D250 được xem là chiếc kính lớn nhất trong giới thiên văn nghiệp dư Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.

Kính có chiều cao 1.8m, rộng 31cm, tiêu cự 1.840mm và độ phóng đại tối đa lên tới 500 lần.
Giống như những chiếc kính thiên văn chuyên nghiệp, telescope D250 cũng bao gồm các bộ phận như: finder (ống kính tìm mục tiêu), thị kính, gương cầu (gương sơ cấp), spider (gương thứ cấp), focuser (ống điều chỉnh tiêu cự), thân kính và chân đế (có bám nhật động). 
Điểm đặc biệt là chiếc kính được chế tạo hoàn toàn thủ công từ những nguyên liệu hết sức bình thường như: kính chịu lực từ các công trình nhà cao tầng, gương phản xạ, tấm inox, ốc vít, bánh xe… 
 Miệt mài chế tạo

“Mẫu kính thiên văn với đường kính 250mm chưa từng có ở Việt Nam trước đây. Chính vì vậy, việc nghiên cứu mẫu thiết kế, gia công cơ khí cũng như là làm thế nào để các bộ phận riêng lẻ ăn khớp với nhau là điều không hề dễ dàng”, Trương Ngọc Khánh, nhóm trưởng HAS nói. 
Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng phải mất gần… hai năm cho việc “mài” chiếc gương cầu lõm (vì nó yêu cầu độ chính xác đến từng micromet).

Sở dĩ như vậy bởi trên thị trường Việt Nam không sẵn bán sản phẩm này. Nếu đặt mua ở nước ngoài thì sẽ rất phức tạp, mà giá cũng khá “mắc” (khoảng hơn 10 triệu đồng/chiếc). 
 Quan sát bầu trời qua chiếc telescope D250

Sau hai năm kiên trì theo đuổi dự án, chiếc telescope D250 - đứa con tinh thần và cũng là niềm tự hào của cả nhóm đã được ra đời.  
Chinh phục dải ngân hà
Với chiếc telescope D250, việc có thể quan sát rõ những vật thể sáng, tối trong hệ vũ trụ như mặt trời, các vì sao, tinh vân (bụi vũ trụ), messier (một thiên hà trọn vẹn với đầy đủ sao, chất khí và bụi)… đã không còn là điều quá xa vời.
“Sao Mộc quan sát bằng mắt thường chỉ là một đốm sáng trắng. Thế nhưng, với chiếc telescope D250, mọi người có thể trông thấy sao Mộc to như cái đĩa với màu vàng mật ong ở ngoài viền, cùng 4 vệ tinh bay xung quanh. 
 Hình ảnh sao Mộc

Đặc biệt, người quan sát sẽ thấy sao Mộc trôi đi rất nhanh, điều không thể nhận thấy nếu chỉ quan sát bằng mắt thường”, Nguyễn Hồng Việt, một thành viên HAS hào hứng chia sẻ. 
Cũng với chiếc telescope D250 này, người quan sát còn có thể thấy rõ từng miệng hố và các đỉnh núi trên mặt trăng, các vành bụi xung quanh sao Thổ, pha khuyết của sao Kim, cũng như các vệt đen và tai lửa của Mặt trời… 
Với chi phí đầu tư không quá lớn và thiết kế đơn giản, những gì telescope D250 mang tới có lẽ vượt quá sự mong đợi từ các thành viên trẻ tuổi của HAS.
Tin vào điều không thể
Với sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Thanh niên Viêt Nam, HAS hiện đang trong quá trình chế tạo một chiếc kính thiên văn còn “khủng” hơn với đường kính lên tới… 400mm, cùng với đó là mục tiêu đưa thiên văn đến gần hơn với học sinh-sinh viên cả nước, nhằm thúc đẩy niềm yêu thích khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng.  
“D400 sẽ ra mắt trong vài tháng nữa với độ phóng đại có thể lên tới… 1000 lần. Và biết đâu khi đó, chúng tôi lại chẳng tìm thấy thứ gì khác lạ trên Mặt trăng”, Chử Minh Hiếu, một thành viên tích cực của HAS hài hước nói.
Hiện nay thành viên của HAS đã lên tới con số 200, trong đó có những thành viên chỉ mới là học sinh cấp 1 

Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức những diễn đàn chia sẻ kiến thức về thiên văn học, các thành viên của HAS cũng định kỳ gặp gỡ để cùng ngắm trăng sao, nguyệt thực tại các trường ĐH, CĐ. 
“HAS chào đón tất cả các bạn sinh viên hoặc bất cứ ai quan tâm, yêu thích tìm hiểu về lĩnh vực thiên văn học”, Trương Ngọc Khánh cho biết.
 Phóng vệ tinh tự tạo

Hiện tại, sau gần bốn năm hoạt động, số lượng thành viên chính thức của HAS đã lên tới con số 200 và ngày một tăng. Không ít thành viên trong số đó là du học sinh nước ngoài, những bác đã “đầu hai thứ tóc” hoặc chỉ mới là học sinh cấp 1. 
Với đam mê khám phá và sự sáng tạo, HAS đang tự tin bước đi trên con đường chinh phục cả những điều tưởng chừng như không thể.


Nguyễn Lâm Tùng  
Bình luận
vtcnews.vn