Độc đáo chuyện sinh viên lên chùa trọ học

Giáo dụcChủ Nhật, 19/02/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News)- Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến những mái chùa như một cách để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống.

(VTC News)- Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, chùa chiên là chốn tâm linh chỉ phù hợp với những người già. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến nơi đây như một cách để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống.


Lên chùa học chữ và nghe giảng đạo
8h sáng thứ 7 hàng tuần, rất nhiều bạn trẻ lại tụ họp tại học đường Nhân Mỹ (chùa Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) để tham gia lớp học chữ Hán, viết thư pháp và nghe thầy giảng đạo. Điều đặc biệt là lớp học này hoàn toàn miễn phí. 
Thầy Kiên đang giảng chữ cho các bạn sinh viên 

Thầy Lê Trung Kiên (chuyên viên Vụ Phật giáo) - người đã có hơn 4 năm gắn bó với chùa Nhân Mỹ tâm sự: “Học viên tham gia lớp học sẽ được nghe thuyết giảng về những bài học trong sách Đại học của Khổng Tử. Tôn chỉ của cuốn sách nói về đạo quân tử, trước hết phải sửa cái đức của mình để mọi người noi theo. Chữ “Nhân” chính là cái quyết định của mỗi con người…”.
Lớp học thu hút sự quan tâm của rất đông các bạn trẻ, trong đó có đến hơn 70% là sinh viên. Nguyễn Đình Hưng, hiện theo học năm thứ hai ngành Việt Nam học (trường ĐH Sư phạm HN) là một trong số đó. Tìm hiểu chữ Hán Nôm từ khi còn là cậu học sinh lớp 9, đến nay Hưng đã có hơn 5 năm “làm bạn” với nghệ thuật thư pháp. Với Hưng và nhiều bạn trẻ khác, điều khó nhất trong việc học chữ chính là… học chữ. Hiểu được ngữ nghĩa của từng chữ đã khó, để viết được một chữ “coi được” còn khó hơn nhiều. Chẳng thế mà chỉ một chữ “Nhân” (gồm hai nét khá đơn giản) mà cậu bạn cũng phải mất tới gần… 1 tuần.   
“Học chữ quan trọng nhất là tính kiên trì và lòng hướng đạo. Nếu không có hai yếu tố đó, dù là ai cũng sẽ rất dễ nản lòng”, Phạm Thị Thanh Tâm (sinh viên khoa tiếng Trung, trường ĐH Hà Nội) chia sẻ.
Sinh viên đang học cách viết chữ 
Học con chữ cũng là một cách để học đạo làm người 

Với những bạn trẻ này, lên chùa không đơn thuần chỉ là để học chữ và nghe giảng đạo, mà còn là cách tìm về nơi chốn bình yên cho tâm hồn, dù chỉ là trong khoảnh khắc. 
Chẳng vậy mà cậu bạn Nguyễn Đình Hưng không quản nắng gió, lặn lội bắt xe bus từ quận Hoàng Mai ra sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, rồi bách bộ tới gần một cây số để tới lớp; hay cô bạn Trần Hoài Thu (học viên Hội Điện ảnh Việt Nam) bỏ ngoài tai những lời nhận xét là “điên”, là “có vấn đề”, là lãng phí thời gian của bạn bè để đến với thư pháp và đạo Khổng Tử - môn nghệ thuật tưởng chừng chỉ dành cho người “già”.
Những lớp học chữ Hán và viết thư pháp đang ngày càng trở nên phổ biến. Nếu một lần ghé thăm học đường tọa lạc trong chùa Nhân Mỹ, chùa Tảo Sách hay chùa Cót, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp những “mái đầu xanh”. Bắt gặp ánh nhìn chăm chú, đôi bàn tay say sưa miệt mài bên trang giấy của những bạn trẻ nơi đây, ai đó từng có suy nghĩ về thái độ sống hời hợt của giới trẻ hôm nay, có lẽ sẽ phải nghĩ lại.  

Vào chùa… ở trọ
Rời xa sự ồn ào nơi chốn thị thành, Nguyễn Anh Nam (sinh viên năm thứ 4, trường ĐH Sư phạm HN) là một trong ba bạn trẻ hiếm hoi được “chọn” vào ở trọ trong chùa Nhân Mỹ. 
Nói là được “chọn” bởi lẽ, để có một suất vào chùa trọ học, Nam đã phải vượt qua hơn 10 bạn trẻ khác ở vòng “phỏng vấn” của các sư thầy. Nam cùng hai người bạn nữa được ở trọ miễn phí trong chùa, được nhà chùa hỗ trợ về lương thực (gạo, rau xanh và hoa quả). Và để trả ơn cho tấm thiện tình đó, Nam và nhóm bạn đã nhận quét dọn, chăm sóc vườn rau và cây ăn quả trong khuôn viên nhà chùa.   
Sinh viên Nguyễn Nam Anh đang chăm sóc vườn rau trong chùa 

Chia sẻ về lý do lên chùa trọ học, Nguyễn Anh Nam nói: “Cuộc sống bên ngoài xô bồ và quá phức tạp. Mình là dân tỉnh lẻ, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” luôn thường trực. Sống trong chùa, được các sư thầy tạo điều kiện, lại có không gian rộng rãi và yên tĩnh, việc học của mình cũng thoải mái hơn”.  
Ban ngày đến trường, khi trở về lại được hòa mình với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, được tĩnh tâm nơi cửa chùa và nghẫm về những giá trị của cuộc sống. Dẫu vậy, có lẽ không phải ai cũng đủ “tiêu chuẩn” và tính cách phù hợp với cuộc sống nơi chốn thiền viện. Như cậu bạn Nguyễn Công Tuấn (trường ĐH Dân lập Đông Đô) nói, kỷ luật nơi nhà chùa có lẽ chỉ nhẹ nhàng hơn trong quân đội một chút.
Giữa bộn bề cuộc sống, trước sự “xâm lấn” ào ạt của những môn nghệ thuật hiện đại, trong khi không ít người trẻ bị cuốn theo lối sống xa hoa nơi chốn thị thành thì đâu đó vẫn có những người trẻ hướng về chốn tâm linh với đam mê “sống chậm”. 
Lâm Tùng


Bình luận
vtcnews.vn