GS Mỹ gốc Việt: Thất bại là giá phải trả cho thành công

Giáo dụcThứ Bảy, 30/04/2011 11:05:00 +07:00

(VTC News) – “Ở nhiều nước tiên tiến có rất nhiều giảng viên là những người đã từng thất bại. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm quý giá trong thương trường

(VTC News) – “Ở nhiều nước tiên tiến có rất nhiều giảng viên là những người đã từng thất bại…Họ là những người có nhiều kinh nghiệm quý giá trong thương trường”.

GS Hà Tôn Vinh đang thuyết trình với các doanh nhân. Ảnh: HT 

GS.  Hà Tôn Vinh từng là giảng viên Đại học Hawaii Mỹ, Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo tư vấn Stellar Management, Giảng viên cao cấp Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông từng làm trong “Nhà Trắng” của Mỹ trong 4 năm, thời Tổng thống Reagan. Ông cũng từng là  một trong những người giàu nhất cộng đồng người Việt ở Washington (Thủ đô của Mỹ) nhưng lại có lúc gần như tay trắng.

Những bài học về thất bại đã giúp người trí thức ấy thành công như hôm nay và trở về đất nước, đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.

VTC News vừa có cuộc trao đổi với người thầy – doanh nhân thành đạt này.

 

"Sau này khi tôi đi dạy tôi thấy một số học viên của tôi ngủ gật hay ngủ trên bàn. Việc đầu tiên là tôi xem tôi có giảng bài hấp dẫn không, tôi có đưa ra được những ví dụ sinh động hay phù hợp nhu cầu của học viên không" - GS Hà Tôn Vinh. Ảnh: giaoduc.edu

- GS có nói rằng, ngày xưa đi học, có lúc GS cũng ngủ trong giờ học. Vì sao thế? Thầy có cho phép học sinh của mình ngủ trong giờ không?  

Khi tôi còn là sinh viên ở Hoa Kỳ, tôi phải làm nhiều việc mới đủ sống và có thể trả học phí. Tôi thường xuyên phải đi làm đến gần sáng nên chuyện ngủ gật trong lớp là khá nhiều, nhất là hôm nào giảng viên giảng bài hay môn học không hấp dẫn với tôi, thí dụ như thống kê, toán, lịch sử Hoa Kỳ...

Sau này khi tôi đi dạy tôi thấy một số học viên của tôi ngủ gật hay ngủ trên bàn. Việc đầu tiên là tôi xem tôi có giảng bài hấp dẫn không, tôi có đưa ra được những ví dụ sinh động hay phù hợp nhu cầu của học viên không. Chuyện học viên ngủ gật hay thờ ơ với bài giảng đã trở thành thước đo cho phương pháp và chất lượng bài giảng của tôi.

- Trong “triết lý” giáo dục của mình, GS cho rằng, cần có cả những giảng viên là những người từng thất bại. Tại sao vậy? 

Kinh doanh luôn là cuộc hành trình cam go, đầy thử thách. Không ai chắc chắn minh sẽ thành công trong thương trường hay thành công mãi mãi.  Thất bại không phải là mặt trái của sự thành công mà là cái giá mình phải trả để được thành công.

Người học cần phải biết bài học của những người thất bại đi trước, để có thể tránh những sai lầm đáng tiếc và để giúp họ gia tăng cơ hội thành công. Ở nhiều nước tiên tiến có rất nhiều giảng viên là những người đã từng thất bại, đã từng trỗi dậy sau mỗi lần thất bại.

Họ là những người có nhiều kinh nghiệm qúy giá trong thương trường. Họ viết sách, giảng dạy, truyền đạt lại kinh nghiệm khởi nghiệp hay kinh nghiệm chống chọi với phong ba bão táp trong kinh doanh.

Đối với tôi không có gì lý thú hơn bằng nghe những câu chuyện, kinh nghiệm của những giảng viên doanh nhân tưởng chừng như đã bị thị trường xóa sổ hay bị phá sản.

Không có gì nhớ đời hơn là được nghe những câu chuyện của những “thầy phù thủy kinh doanh” biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thất vọng thành chiến công đáng nhớ. 

- Đã từng học tập và giảng dạy trong môi trường nước ngoài, GS nhận thấy điều gì còn thiếu trong nền Giáo dục Việt Nam?  

Ồ, câu hỏi này khó đấy. Tôi cứ nghĩ tới chuyện chúng ta có một nền văn hóa lấy giáo dục làm nền tảng, có Văn Miếu Quốc Tử Giám từ thế kỷ 11.

Không có một Đại học nào của chúng ta được vào trong danh sách các trường đại học nổi tiếng ở châu Á, chưa nói trên thế giới. Báo chí luôn đề cập đến chuyện lệch pha giữu giáo dục và thị trường, v.v.

Tôi nghĩ giáo dục Viêt Nam nên trở lại với nền tảng văn hóa của cha ông đó là “Tiên học lễ hậu học văn,” lấy giáo dục con nguời toàn vẹn - nhân nghĩa lễ trí tín, làm mục tiêu và chiến lược. 

Nhìn vào gương của Nhật Bản qua thảm họa động đất và sóng thần vừa qua, chúng ta thấy đó là một nền giáo dục nhân bản, nơi con nguời, tình người, và trật tự xã hội được tỏa sáng.

-Vừa là người thầy, vừa là doanh nhân. Liệu việc làm kinh tế bên ngoài có ảnh hưởng xấu đến việc giảng dạy của GS?

Trong ngành Quản trị kinh doanh hay các ngành lấy thực tế làm phản ánh của các giáo trình khô khan, thì việc các giảng viên đi làm thêm hay có thêm kinh nghiệm thương trường là một điều gần như cần thiết hay bắt buộc.

Chính sách đãi ngộ các giảng viên của chúng ta quá bất công và bất cập. Nhìn vào luơng bổng hay sự đãi ngộ ở các trường hay đại học chúng ta thấy gì Một áp lực trên vai các thầy cô,  vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa phải kiếm sống.

Đâu là giới hạn cho việc kiếm sống trong lúc đang giảng dạy? Khó mà có một câu trả lời. Nói theo ngạn ngữ người xưa, trước hết phải sống đã rồi mới triết lý về cuộc sống được.

Đối với những thầy cô hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, tôi chỉ có một điều muốn làm là ngả mũ cúi chào thán phục.

- Hiện nay, có một hình thức học mới là học trực tuyến: E-learning? Đó là cách học tiết kiệm, thuận lợi cho mọi người. Nhưng liệu nó có phát triển ở Việt Nam?

E-Learning là một phần của việc giáo dục và đào tạo từ xa, được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin hiện đại. E-Learning cho phép mọi người có thể học mà không bị giới hạn vì tuổi tác, thời gian eo hẹp, ngày giờ học tập không phù hợp với công ăn việc làm, hay phải đến trường, đến lớp.

Người học có thể tùy vào thời gian thuận tiện lấy thông tin, bài vở từ trên mạng internet và lưu vào máy của mình hay vào các máy chủ của đại học để xem bài, theo dõi các bài giảng của giảng viên…

Ngày nay nhiều môn học đã được giảng dạy trực tuyến, qua mạng, cho đại đa số quần chúng như y tế và sức khỏe cộng đồng, vệ sinh thực phẩm…Hiện tại gần như môn học nào cũng có thể được giảng dạy trực tuyến, qua mạng, theo mô hình E-Learning.

Việt Nam là một nước kinh tế chậm phát triển hiện đang có quyết tâm cải tổ giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển và hội nhập. Tuy E-Learning mới bắt đầu được hình thành tại Việt Nam hơn 15 năm qua nhưng đa số các đại học và tổ chức giáo dục đã đưa E-Learning vào các chương trình giáo dục và đào tạo, nhất là các môn không đòi hỏi học viên phải thường xuyên gặp mặt giảng viên hay có thể tự học.

Theo chân các nước phát triển E-Learning sẽ trở thành một công cụ hữu ích và phù hợp cho Việt Nam. Các bạn trẻ có thể học E-Learning ở nhiều nơi, hoàn toàn miễn phí, ví dụ tại Cổng thông tin điện tử Thánh Gióng của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Tuân
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn