GS-TS Đào Trọng Thi: Hãy để HS tham gia biên soạn SGK

Giáo dụcThứ Năm, 07/04/2011 03:01:00 +07:00

(VTC News)- Đó là ý kiến của GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

(VTC News)- Đó là ý kiến của GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  trao đổi với VTC News bên lề hội thảo Trao đổi phương án triển khai “Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em” vừa diễn ra ngày 6/4.
 GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  trao đổi với VTC News về việc cần trao quyền cho trẻ em nhiều hơn nữa (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Trong báo cáo của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh có đề cập đến các kiến nghị của các em học sinh về chương trình giáo dục còn chưa phù hợp,  kiến thức sách giáo khoa quá nặng, nhiều lý thuyết ít thực hành… Thưa ông, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, chương trình cũng như sách giáo khoa trong giáo dục không phải chỉ có trẻ em mới có ý kiến. Đây cũng là vấn đề chung của xã hội. Đồng thời, đây cũng là một vấn đề mang tính chất chuyên môn.

Trong sửa đổi bổ sung luật giáo dục vừa qua, chúng ta cũng đã đề cập và quy định quy trình thực hiện việc biên soạn SGK và triển khai chương trình để cho phù hợp nhất.

Trong toàn bộ quy trình biên soạn, quy trình làm việc của chúng ta chưa có khâu lấy ý kiến của các em học sinh. Như vậy, khi biên soạn SGK phải có sự tham gia của các em học sinh – đối tượng sử dụng SGK và cũng là đối tượng thực hiện chương trình giáo dục đó.

- Vậy các em học sinh sẽ được tham gia như thế nào vào quá trình biên soạn SGK thưa ông?


Cơ chế để các em tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa cũng như quá trình thực hiện chương trình như thế nào cần phải được cân nhắc. Vì đây là vấn đề chuyên môn nên việc tiếp thu ý kiến của các em cũng sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn nội dung, cách trình bày, cũng có thể liên quan đến cách truyền đạt kiến thức trên lớp giảng.

- Nhắc đến học sinh là chúng ta lại nhắc nhiều đến tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Lứa tuổi xảy ra bạo lực cũng ngày càng thấp hơn. Vì vậy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Đây vừa là vấn đề gây ra bức xúc lớn trong nhà trường và xã hội. Trong thời gian vừa qua hiện tượng này xuất hiện khá thường xuyên làm đau đầu các nhà giáo dục, các nhà quản lý xã hội và các  bậc cha mẹ.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải xuất phát từ nhiều giải pháp, trước tiên là giáo dục trong nhà trường rồi giáo dục ngoài xã hội.

Chúng ta cũng nên để chính các em tham gia đưa ý kiến cũng như kiến nghị các giải pháp để khắc phục hiện tượng đó một cách tốt nhất. Thông qua đó để các em ý thức hơn. Quan trọng hơn đó là để các em thấy được những trường hợp bạo lực học đường dù xảy ra ở nhiều nơi nhưng cũng chỉ là một số trường hợp cá biệt và ở một số học sinh cá biệt mà thôi còn đa số em học sinh thì không có hiện tượng đó.
Trẻ em cần được trao quyền nhiều hơn nữa để nói lên tiếng nói của mình
(Ảnh minh họa)
 

-Theo ông, phải chăng chúng ta lại trao thêm trách nhiệm giải quyết các vấn đề này cho các em học sinh?


Tôi cho rằng nếu chính các em học sinh được thảo luận được đưa ra ý kiến để giải quyết vấn đề trên chắc chắn sẽ đưa ra được những giải pháp tích cực hơn là việc chỉ có người lớn can thiệp để giải quyết mà không đế ý đến ý kiến của các em.

Bởi có thể chúng ta tiếp cận vấn đề không hoàn toàn đúng như những gì diễn ra giữa các em. Có thể những giải pháp mình đưa ra chưa chắc đã là tốt và phù hợp để giải quyết vấn đề. Chúng ta phải khơi dậy và giáo dục tinh thần trách nhiệm của chính các em trong vấn đề này.

- Có đại biểu cho rằng, hiện nay ý kiến của trẻ em thường lại là phát ngôn của người lớn. Ông có đồng ý với nhận xét này không?

Đây là nhận xét tương đối đúng và đang là phổ biến. Chúng ta mời các em phát biểu nhưng nhiều khi chúng ta cũng đã chuẩn bị ý kiến cho các em. Khi đó, các em đọc bài phát biểu của người lớn hoặc là các em được người lớn gợi ý sau đó phát biểu.

Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Nếu chúng ta tổ chức một cuộc hội thảo như thế thì vô ích. Chúng ta đã muốn hiểu suy nghĩ, mong muốn của các em thì phải để chính các em nói lên suy nghĩ của mình.

- “Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em” cấp toàn quốc vào tháng 8/2011, các em học sẽ thảo luận về vấn đề gì thưa ông?


Mục đích của diễn đàn là tạo môi trường thực tế để các em được thảo luận các về đề mà các em quan tâm liên quan đến lợi ích của các em, đến sinh hoạt của các em.

Các em sẽ thảo luận về môi trường thân thiện đối với các em, hoặc có thể trao đổi về ước mơ của các em về một môi trường như thế nào.

Thực ra chủ đề là một nhưng cách tiếp cận có 2 cách, thứ nhất là thảo luận như người lớn. Cách thứ 2 là cách tiếp cận giống tư duy của trẻ em hơn tức là cách em được nêu lên ước mơ của mình và qua đó cũng thể hiện được ý kiến của các em.

Tôi rất tán thành với cách tiếp cận thứ 2, cách này phù hợp hơn với tâm lý lứa tuổi của các em hơn, và cũng thân thiện hơn.

-Xin cảm ơn ông!
"Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em" được dự kiến triển khai tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, mục đích của diễn đàn là nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, gia đình và các thầy cô giáo về quyền tham gia của trẻ em và các vấn đề liên quan đến xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em.
   
Dự kiến sẽ có 180 trẻ tham gia Diễn đàn cấp toàn quốc, mỗi tỉnh có 6 trẻ đại diện. Đây là những trẻ em có vốn hiểu biết về quyền trẻ em, có khả năng ăn nói lưu loát. Dự kiến đại biểu trẻ em là những em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật có thể tham gia diễn đàn này.




Phạm Thịnh (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn