'Trong trận chiến không súng đạn, VN thua ngay trận đầu tiên'

Giáo dụcThứ Sáu, 08/08/2014 09:10:00 +07:00

(VTC News) – Nhà thơ Vũ Quần Phương, người có 2 con trai làm việc ở nước ngoài cho rằng, trong câu chuyện đãi ngộ nhân tài, Việt Nam thua ngay trận đầu tiên.

(VTC News) – Nhà thơ Vũ Quần Phương, người có 2 con trai làm việc ở nước ngoài cho rằng, trong câu chuyện đãi ngộ nhân tài - một trận chiến không súng đạn, Việt Nam đã thua ngay trận đầu tiên.

Xung quanh câu chuyện 12/13 quán quân Đường lên đỉnh Olympia không về nước, VTC News đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ, bác sĩ Vũ Quần Phương để tìm hiểu về câu chuyện sử dụng nhân tài ở Việt Nam hiện nay.

Nhà thơ Vũ Quần Phương có hai con trai, trong đó con trai đầu là GS Vũ Hà Văn, nhà toán học đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale (Mỹ). Con trai thứ hai là Vũ Thanh Điềm, từng là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia của Google (Mỹ). 

Nhà thơ Vũ Quần Phương (Ảnh Tuổi trẻ) 
- Hiện tại, những người con của nhà thơ Vũ Quần Phương làm việc tại những ngôi trường danh giá, những công ty nổi tiếng ở Mỹ, chắc hẳn ông hiểu rõ về nguyên nhân du học sinh Việt Nam không về nước?

Việc các em du học sinh Việt Nam học xong không trở về nước ngay sau đó là điều cần được thông cảm. Thực tế, có nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc ở nước ngoài nên mới về nước làm việc. Đó là những sinh viên không có thành tích xuất sắc và học tại những ngôi trường không tên tuổi.

Bên cạnh đó, một bộ phận du học sinh Việt Nam xuất sắc thường được các công ty lớn đến mời làm việc ngay khi còn là sinh viên năm cuối của các trường. 

Theo tôi, việc nhiều sinh viên lựa chọn việc ở lại nước ngoài làm việc một thời gian trước khi về nước là do muốn củng cố thêm kiến thức thực tế trong công việc. Ở nước ngoài, những bạn trẻ Việt Nam có nhiều điều kiện để bổ sung những kiến thức mới, được làm đúng ngành nghề đã được đào tạo.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng chính sách đãi ngộ về vật chất đối với các bạn trẻ này cũng cao hơn so với việc về nước làm việc. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định đối với với những bạn trẻ xuất sắc này, yếu tố đãi ngộ về vật chất chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ. Điều quan trọng, ở nước ngoài các bạn trẻ tài năng có cơ hội được làm việc đúng với khả năng của mình.

Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế) đội vòng nguyệt quế Olympia năm 2009. Chàng trai này sẽ tiếp tục học tiến sĩ sau khi tốt nghiệp tại Úc

- Ông vừa nói đến cơ hội để các du học sinh về nước được làm việc đúng ngành nghề được đào tạo, đúng với khả năng của mình. Vậy phải chăng, môi trường làm việc trong nước không cho các bạn trẻ được thể hiện điều đó?

Tôi được biết, có những du học sinh sau khi tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài cũng đã về nước làm việc. Tuy nhiên, trong 9 tháng làm việc trong nước, chàng trai này không được giao việc đúng với khả năng chuyên môn. Trong 9 tháng đó, anh ta chỉ có một lần được nhiệm vụ đi ra nước ngoài để nhận máy móc, thiết bị. 

Lần công tác đó có thể coi là lần duy nhất để có thể sử dụng được vốn ngoại ngữ, trình độ hiểu biết về kỹ thuật đã được đào tạo ở nước ngoài. Sau đó, người này đã phải xin ra làm việc ở một môi trường khác.

Nhiều trường hợp, các du học sinh về nước chỉ được bố trí các công việc như đun nước, pha trà. Trong khi đó, rõ ràng trong đời sống hiện nay còn rất nhiều tiêu cực, những bạn trẻ đi du học về họ chứng kiến được điều đó nhưng họ không thể chấp nhận được thực tế đó.

Cũng cần thấy rằng, môi trường làm việc ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự khoa học và dân chủ. Trong một số cơ quan nhà nước ở Việt Nam đang có xu hướng gia đình hóa các quan hệ xã hội. Trong công việc, ở Việt Nam thường thấy các quan hệ bác – cháu, chú – cháu... Việc đó cũng không hề quen đối những du học sinh đã học tập ở nước ngoài bởi trong công việc họ đã quen với quan hệ: ông – tôi, anh – tôi.

Từ đó, người trẻ cảm thấy bất mãn vì đi đâu cũng thấy rào cản.

Bên cạnh đó, nhiều du học sinh Việt Nam hiện đang cũng đang theo học các ngành khoa học cơ bản, tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, với nhiều ngành nghề khoa học ở trong nước chưa phát triển thì cho dù các em về nước cũng không có cơ hội được làm việc. Các em chọn việc ở lại cũng là điều dễ hiểu.

Nhà vô địch Olympia năm 2000 Trần Ngọc Minh hạnh phúc trong ngày cưới 

- Ngoài yếu tố quan trọng về môi trường làm việc phù hợp, liệu có thêm những lý do nào có thể níu giữ những học sinh xuất sắc của Việt Nam?

 

Nhiều trường hợp, các du học sinh về nước chỉ được bố trí các công việc như đun nước, pha trà
Nhà thơ Vũ Quần Phương
 
Gần đây, rất nhiều du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc bởi họ nghĩ tới cho thế hệ sau được có môi trường học tập tốt hơn. Nhiều người vẫn nói vui rằng họ đang “ hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Việc nghĩ cho con cái có môi trường học tập tốt hơn cũng là hành động rất nhân văn.

Không chỉ có các du học sinh, hiện nay tôi được biết nhiều trường hợp các nhân viên Việt Nam làm việc trong các tổ chức quốc tế, sau khi hết thời gian làm nhiệm vụ đều muốn gia hạn thêm công việc để cho con cái được học tập ở môi trường giáo dục tiên tiến.

Điều đó cho chúng ta thấy rằng, nền giáo dục của Việt Nam đang có vấn đề.

- Phải chăng, cuộc sống của du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc đều là “màu hồng”?

Cuộc sống của những bạn trẻ Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc gặp vô vàn những khó khăn. Họ luôn có tâm trạng buồn, nhớ quê hương. Nỗi nhớ quê hương không bao giờ nguôi ngoai.

Vì vậy, người Việt ở nước ngoài đều có xu hướng muốn tụ họp lại để ăn với nhau một bữa cơm, trò chuyện với nhau để quên đi nỗi nhớ quê hương. Thậm chí, có những người phải đi vài trăm km, đến hàng nghìn km, nhưng họ vẫn sắp xếp thời gian, công việc để tụ họp.

Đặc biệt, đối với những bạn trẻ thì cuộc sống nơi đất khách quê người cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. So với các bạn cùng trang lứa, họ thua thiệt nhiều vì phải tự lo toan cuộc sống nơi đất khách trong khi những bạn bè trong nước lại có được sự hỗ trợ của gia đình hai bên, họ hàng, làng xóm…
Phan Mạnh Tân - nhà vô địch Olympia năm thứ 2 

- Nhiều ý kiến lo lắng và cho rằng Việt Nam đang “chảy máu chất xám” bởi những bạn trẻ xuất sắc sẽ không về nước?

Tôi cho rằng, hiện nay là thế giới phẳng, dù làm việc ở đâu thì người Việt Nam cũng đang đóng góp vào sự phát triển của thế giới này. Tôi ví dụ, Bill Gates là một tỷ phú người Mỹ nhưng ông lại thành lập những quỹ để phát triển giáo dục, y tế trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng cho sự phát triển của nước Mỹ.

Mặt khác, chỉ nên quan niệm rằng việc du học sinh chưa về nước là trí tuệ của Việt Nam đang được gửi tạm ở nước ngoài khi trong nước chưa dùng đến. 

Bởi khi về già, ai ai cũng có tâm lý “lá rụng về cội”. Những người Việt rất nổi tiếng như Phạm Duy, Trần Văn Khê, Khánh Ly… đều có mong muốn được trở về quê hương sau những năm xa xứ. Tất cả đều có ý định quay về nước khi tuổi già.

Đối với những người trung niên, họ thường chọn cách làm việc một thời gian ở nước ngoài và dành một số tháng về nước làm việc. Đó sẽ là sợi dây gắn kết nền khoa học trong nước với thế giới. Trường hợp của Ngô Bảo Châu hay Vũ Hà Văn là những ví dụ điển hình. 

Mô hình Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, mô hình Viện Vật lý… là những hướng đi cần được phát triển mạnh hơn trong tương lai. Khi những người Việt xuất sắc có cơ hội được dùng thì họ sẽ về.

Tôi tin rằng những nhà khoa học Việt Nam đều rất yêu nước. Họ luôn có mong muốn được về nước cống hiến khi có điều kiện.

- Phải chăng chúng ta cần có cơ chế riêng để thu hút những tài năng về nước làm việc?

Việc đưa ra cơ chế riêng để thu hút nhân tài là cần thiết nhưng cũng cần có cách quản lý chặt chẽ, chắc chắn để có hiệu quả tốt nhất. Với cơ chế hiện nay, việc sử dụng nhân tài không có hiệu quả.

Bên cạnh việc có chế đỗ đãi ngộ tốt với những nhân tài từ nước ngoài về, nguồn nhân lực trong nước cũng cần có đãi ngộ xứng đáng. 
Nhà vô địch Olympia năm 2012 - Đặng Thái Hoàng 

- Ông cho rằng Việt Nam cần sử dụng nhân tài theo cách quốc gia nào đã thực hiện?

Tôi cho rằng, Trung Quốc -  một đất nước ngay cạnh chúng ta đã có chính sách sử dụng nhân tài rất tốt từ cách đây 20 năm.  Trung Quốc luôn cho các nhà khoa học lựa chọn, không hề bắt ép. Những nhà khoa học này có thể về nước hoặc đi ra nước ngoài làm việc nếu họ có mong muốn.

Trung Quốc cũng đã thành công khi thực hiện chính sách này. Vì vậy, hiện nay rất nhiều nhà khoa học tài năng của Trung Quốc cũng đã về nước làm việc. 

Nếu nhìn ra toàn thế giới, Mỹ là đất nước có chế độ thu hút nhân tài hấp dẫn nhất hiện nay. Chính phủ Mỹ thường cấp nhiều học bổng toàn phần và dành nhiều chế độ ưu đãi cho những người sang đó làm nghiên cứu sinh. Trong khi đó, việc cấp học bổng có giá trị cho sinh viên lại có phần ít hơn.

Như vậy, họ có chính sách rõ ràng là muốn vớt hết tinh hoa của nhân loại và tạo mọi điều kiện cho những nhân tài này phát triển.

Nếu như ở Pháp, một số đề tài khoa học được bí mật và không được giao cho các nhà khoa học nước ngoài. Tuy nhiên, ở Mỹ môi trường làm khoa học thoáng hơn, họ cho phép các nhà khoa học cũng được làm các đề tài này. 

- Ông có điều gì muốn nhắn nhủ xung quanh câu chuyện đãi ngộ nhân tài ở Việt Nam hiện nay?

Tôi cho rằng trong trận chiến không có súng đạn, Việt Nam đã thua ở trận đầu tiên. Nếu Việt Nam không muốn thất bại hoàn toàn thì cần nhanh chóng thay đổi cơ chế thu hút nhân tài, tạo môi trường để người tài được làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh 
Bình luận
vtcnews.vn