Đề Văn về thần tượng: Chấm điểm cả ý kiến trái chiều

Giáo dụcThứ Tư, 11/07/2012 08:21:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc đề ra mở thì chấm thi cũng theo hướng mở và điểm sàn năm nay cũng không thấp hơn năm trước.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc đề ra mở thì chấm thi cũng theo hướng mở và điểm sàn năm nay cũng không thấp hơn năm trước.

Đề thi mở, chấm cũng mở

Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn Văn và môn Địa lý năm nay được đánh giá là ra theo hướng mở và gắn liền với tính thời sự. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng đề mở nhưng liệu cách chấm bài liệu có mở đối với các thí sinh.

Đề thi ra theo hướng mở liệu đáp án có mở? (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Trả lời những thắc mắc này, ông Trần Văn Nghĩa- Cục phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Việc ra đề thi năm nay đảm bảo tính chất phân hóa, học sinh trung bình cũng có thể được 4 đến 5 điểm. Và có những phần khó để phân loại học sinh”.

Ông Nghĩa cho rằng với đề thi Văn thì chính việc đúng hay sai của ý kiến trong đề thi chắc chắn sẽ có những ý kiến bình luận ngược lại. Thí sinh có quyền lập luận ngược những ý mà đề đưa ra.

Lãnh đạo Cục khảo thí Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Bộ khuyến khích những bài không giống đáp án của Bộ, sáng tạo. Nếu các em trình bày khác ý trong đáp án nhưng có đầy đủ lí lẽ xác đáng vẫn sẽ được điểm”.

Nhận định về đề thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng đề thi ra theo hướng suy luận, ứng dụng thực tiễn nhiều hơn và các thí sinh không phải học thuộc lòng.

Vì vậy, hướng chấm của Bộ GD-ĐT cũng sẽ ra theo hướng mở. Hướng dẫn chấm bài của Bộ được xây dựng trên nguyên tắc chung: Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách trình bày khác so với đáp án nhưng đúng thì vẫn cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm.

“Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, các bài thi sẽ được chấm theo quy trình chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt. Nếu 2 lần chấm mà lệch từ 1-1,5 điểm đối với các môn xã hội thì 2 cán bộ chấm phải đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm để thống nhất. Khi lệch tới 1,5 điểm thì bài thi sẽ được chấm lại lần thứ 3. Quy trình chấm như vậy đảm bảo bài thi của thí sinh sẽ được chấm một cách chính xác nhất.

Điểm sàn sẽ như thế nào?

Trước nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn Sử năm nay có phần dễ hơn các năm trước nhằm tránh tình trạng xuất hiện hàng loạt điểm 0, thứ trưởng Bùi Văn Ga thẳng thắn chia sẻ: “Xu hướng ra đề năm nay có tính phân loại cao. Bất cứ đề thi nào cũng vậy, có những phần dễ để thí sinh trung bình cũng làm được. Đề sử cũng nằm trong định hướng chung đó”.

Thứ trưởng Ga đánh giá, đề thi môn Sử năm nay được ra theo hướng mở giúp các thí sinh không phải nhớ nhiều về số liệu và ngày tháng. Trong đó đề thi đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp các sự kiện.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ với VTC News các vấn đề xung quanh việc chấm thi và dự kiến điểm sàn năm 2012 (Ảnh: Phạm Thịnh)  

Sau khi kết thúc đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ 2012, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng với đề thi năm nay, các thí sinh có học lực trung bình sẽ làm được một phần còn những thí sinh giỏi mới có thể đạt điểm tối đa. Như vậy, phổ điểm sẽ rơi vào từ 4-6 điểm mà không thấp như các năm trước.  

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Việc quyết định mức điểm sàn có nhiều yếu tố như sự dịch chuyển các thí sinh giữa vùng này với vùng kia, cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là quy hoạch phát triển nguồn nhân lực từ nay đến 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên với tình hình kết quả thí sinh làm bài tốt hơn so với năm ngoái hy vọng điểm sàn sẽ không thấp hơn so với năm ngoái”.

Do đó, dự kiếm điểm sàn năm nay không thấp hơn năm ngoái. Các trường sẽ không khó khăn để lựa chọn những thí sinh cho mình.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn