Đối thoại với ứng viên đề án 322: Vẫn chưa hết lo lắng

Giáo dụcThứ Ba, 22/05/2012 08:46:00 +07:00

(VTC News)- Việc Bộ GD-ĐT quyết định dừng đề án 322 đã khiến nhiều ứng viên đã trúng tuyển cảm thấy hoang mang, hoảng loạn.


(VTC News)- Việc Bộ GD-ĐT quyết định dừng đề án 322 đã khiến nhiều ứng viên đã trúng tuyển cảm thấy hoang mang, hoảng loạn.


Những ứng viên đã vượt qua vòng xét hồ sơ, trúng tuyển học bổng 322 du học bằng ngân sách nhà nước, nhưng chưa kịp đi học nước ngoài vừa nhận được thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT về việc tạm ngừng du học theo đề án này.

Quyết định đột ngột của bộ khiến nhiều ứng viên đã trúng tuyển không khỏi lo lắng, bối rối.

Ngày 21/5, Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) đã đối thoại cùng hàng trăm phụ huynh và ứng viên trúng tuyển học bổng 322 nhưng chưa đi học tại nước ngoài .

Hàng trăm ứng viên và phụ huynh bức xúc khi Bộ GD-ĐT bông nhiên dừng đề án 322 trong cuộc đối thoại ngày 21/5 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Ông Ngô Văn Dũng - phụ huynh của ứng viên Ngô Mai Hạnh cho rằng quyết định dừng du học theo đề án 322 cùng bản thông báo buộc phải lựa chọn học bổng hiệp định, nếu không coi như ứng viên từ bỏ ý định du học của Bộ GD-ĐT là một quyết định không thỏa đáng.

Ông Dũng tâm sự thẳng thắn: “Chúng tôi muốn có ý kiến trả lời, chứ không từ khi nhận được thông báo 375, gia đình các cháu rất hoang mang, thất vọng, mất niềm tin, hoảng loạn. Các cháu bơ phờ, tư tưởng hoảng loạn, chỉ biết làm đơn kêu cứu lên cấp trên để giải uyết nguyện vọng của các cháu”.

Tâm trạng hụt hẫng, lo lắng cho tương lai của mình cũng là tâm trạng chung của nhiều ứng viên có mặt tại buổi đối thoại. Nhiều phụ huynh cho rằng, con cái họ và gia đình đã dành quá nhiều tâm sức và tiền bạc với mong muốn được đi du học thì nay lại bỗng nhiên bị dừng.

Nhiều phụ huynh bức xúc khi cho rằng “Nếu kế hoạch của đề án này đã phải dừng từ hai năm trước, tại sao bộ vẫn ra thông báo tuyển sinh, vẫn xét duyệt hồ sơ, rồi công bố danh sách trúng tuyển đầy chắc chắn?”

Cũng có cùng quan điểm này chị Ngô Thị Hồng Nhung, ứng viên đi Pháp, đại diện cho ứng viên thạc sĩ không giấu được sự thất vọng: “Tôi nghĩ cuộc gặp mặt này hơi muộn so với nguyện vọng của chúng tôi, bởi vì khi Bộ và Cục nắm được chỉ tiêu tuyển và tình hình của đề án, vì sao không gặp mặt chúng tôi trước khi đưa ra những đường lối hướng giải quyết để trao đổi với chúng tôi rồi sau đó sẽ trình như thế sẽ phù hợp hơn?”.

Chị Nhung cho biết chị và các ứng viên khác đều có nguyện vọng đi học tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài theo đúng chuyên ngành, theo đúng nước và theo đúng thứ tiếng đã đăng ký.

Để đáp ứng được yêu cầu học tập, các ứng viên đã phải sắp xếp thời gian của cá nhân, cũng như sắp xếp những việc của cơ quan, dừng lại một số các cơ hội trong những công việc của mình.

Đến thời điểm này nhóm các anh chị em thạc sĩ hầu hết đều đã được các cơ sở nước ngoài chấp nhận đi học và một số người đã đăng ký cả nhà đi cùng.

Nhiều ứng viên cũng bày tỏ sự lo lắng và hoài nghi về đề án mới: “Nếu chúng tôi chờ đề án mới được trình trong năm nay thì từ khi được trình đến bao giờ chúng tôi được đi học nếu như theo tiến độ của đề án 911?”.

“Chúng tôi đề nghi Cục và Bộ tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt đề án mới để cho chúng tôi được đi học, đào tạo ở các ngành đã đăng ký theo đúng như nguyện vọng của chúng tôi” - Chị Nhung thay mặt cho hàng trăm ứng viên mạnh dạn đề nghị.
Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài trả lời các thắc mắc của phụ huynh và ứng viên nhưng hầu hết mọi người đều tỏ ra không hài lòng 

Trước những bức xúc của các ứng viên học bổng và các bậc phụ huynh, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Đào tạo với nước ngoài cho biết, đề án 322 được phê duyệt năm 2000, chia làm 3 giai đoạn: 2000-2005, 2006-2010 và 2010-2014.

Đến hết năm 2011 có 2.598 người được cử đi học, trong đó đã tuyển dư 598 chỉ tiêu.

Ông Vang cũng cho hay "Hiện Chính phủ cho rằng đề án 322 đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh và Bộ Giáo dục đang xây dựng đề án mới thay thế 322 trình Chính phủ vào tháng 6".

Được biết ngày 9/12/2011, Bộ có đề xuất xin kéo dài đề án 322 trong cuộc họp tổng kết đề án nhưng đề xuất không được chấp nhận và Chính phủ yêu cầu làm đề án mới. Ngày 6/3 và 10/5, Bộ  lại tiếp tục có công văn trình Thủ tướng chính phủ.

"Hy vọng trong tuần này, Chính phủ sẽ có ý kiến. Nếu Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ, mọi bức xúc hôm nay của các bậc phụ huynh sẽ hết. Đây là điều chưa dám bàn bởi chưa chắc chắn" - Ông Vang chia sẻ.

Theo lãnh đạo Cục đào tạo nước ngoài, hiện đơn vị này đã trình phương án xử lý đối với 47 sinh viên trúng tuyển 322 chưa đi học lên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Ông Vang cũng cho biết thêm, Bộ tuyển vượt chỉ tiêu là do đã tính đến việc gối đề án 911 đào tạo thạc sĩ, tăng cường giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài: "Vấn đề mang tính quyết định ở đây là kinh phí năm 2012, Bộ đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính xin kinh phí cho 911".

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các ứng viên, ông Nguyễn Xuân Vang cũng hứa Cục Đào tạo với nước ngoài sẽ cùng Bộ GD-ĐT nỗ lực hết sức để tìm phương án giải quyết tốt nhất cho ứng viên.

Hiện Bộ vẫn đang trình Chính phủ tiếp tục phê duyệt ngân sách, giải quyết cho các ứng viên đã trúng tuyển nhưng chưa đi du học được học theo đúng nguyện vọng đăng ký ban đầu.


Thông báo số 375 được gửi tới từng ứng viên trúng tuyển học bổng ngân sách nhà nước chưa đi học nước ngoài do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký. Lý do đưa ra là chưa được cấp kinh phí và chưa có đề án mới để nối tiếp hay thay thế 322.

Bộ đưa ra hai hướng giải quyết cho các ứng viên, một là nghiên cứu thông tin tuyển sinh trên trang web của Bộ và của Cục Đào tạo với nước ngoài để xác định các chương trình học bổng cụ thể do Bộ chủ trì tuyển sinh đi học theo các diện học bổng hiệp định, học bổng nước ngoài cấp cho Việt Nam năm học 2012-2013 phù hợp với nguyện vọng của mình.

Phương án thứ hai, ứng viên tiến sĩ đang là giảng viên đại học, cao đẳng hoặc được xét tuyển tiến sĩ để về làm giảng viên, ứng viên thạc sĩ có học lực đạt loại giỏi đang là giảng viên đại học, cao đẳng hoặc được xét trúng tuyển đi học để về làm giảng viên có văn bản của cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng theo chương trình tiến sĩ sẽ được xem xét chuyển sang xử lý trúng tuyển theo học bổng đề án 911 đi học tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước.

Bộ Giáo dục đề nghị ứng viên phải gửi nguyện vọng đăng ký xử lý học bổng theo một trong hai hướng trên tới Cục Đào tạo với nước ngoài theo địa chỉ [email protected] trước ngày 1/6 để kịp xử lý. Quá thời hạn trên bộ sẽ không giải quyết bất cứ trường hợp nào và hiểu rằng ứng viên không còn nhu cầu đi học tập ở nước ngoài.





Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn