GS trẻ nhất VN 2010 kể chuyện Tết của người Huế

Giáo dụcChủ Nhật, 22/01/2012 08:00:00 +07:00

(VTC News)- Quê nội ở Huế vì vậy Tết quê hương – Tết ở Huế luôn để lại trong lòng GS trẻ nhất Việt Nam năm 2010 những ấn tượng thật đặc biệt.

(VTC News)- Quê nội ở Huế vì vậy Tết cổ truyền đối với GS Nguyễn Văn Hiệp- vị GS trẻ nhất Việt Nam năm 2010 càng trở nên ý nghĩa bởi đây là dịp ông được trở về quê sum họp, đón năm mới cùng gia đình. Tết quê hương – Tết ở Huế luôn để lại trong vị giáo sư này những ấn tượng thật đặc biệt.


Tết là dịp đặc biệt vì... được về quê

Đối với một người luôn bận rộn với công tác nghiên cứu, giảng dạy nhưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc bao giờ cũng là dịp rất đặc biệt, vì GS Nguyễn Văn Hiệp được... về quê.

Ông cũng đã sống ở Hà Nội đã 30 năm rồi, nhưng chẳng mấy khi ăn Tết ở Hà Nội mà thường về Huế ăn Tết với ông bà nội. Vài năm gần đây nếu không ăn Tết ở Huế thì cả nhà ăn Tết ở đâu đó: có năm ăn Tết ở Sa Pa, có năm ăn Tết ở Đà Lạt, lại có năm ăn Tết ở Thái Lan hoặc Campuchia.

 Đại gia đình của GS Nguyễn Văn Hiệp (Hàng 1, ngoài cùng bên trái) sum họp ngày Tết ở Huế

GS Hiệp tâm sự “Cả nhà tôi đều quen với việc ăn Tết không phải ở Hà Nội. Vì vậy việc chuẩn bị Tết của gia đình tôi rất đơn giản, thường chỉ mua một cành đào, hoặc một chậu quất, đặt trong nhà, để khi trở lại Hà Nội (thường là mùng 4 hoặc mùng 5) có cái để biết là có Tết ở Hà Nội”.

“Người xưa nghĩ ra cái Tết thật là tuyệt vời”

Một cách rất tự nhiên, vị giáo sư này bỗng thốt lên rằng: “Người xưa nghĩ ra cái Tết thật là tuyệt vời”. Bởi ông cho rằng ý nghĩa của ngày Tết đó là sau một năm vất vả lo toan, mọi người có dịp không làm gì cả, để đi thăm hỏi nhau, để "ăn chơi đập phá, tiêu tiền" không phải đắn đo như ngày thường.

“Thật ra trước tết thì ai cũng vất vả để kết thúc những việc còn nợ nần trong năm, để tích cóp thêm... tiền tiêu Tết.. Đã là người Việt Nam thì ai cũng thấy ngày Tết thật đặc biệt”. Nhưng những ngày trước Tết càng vất vả thì càng làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của ngày Tết". GS Hiệp chia sẻ.

Hoa Tết bên sông Hương vẫn đẹp và thơ mộng như ngày nào

Bản thân ông cũng nhận thấy rằng
ngày nay Tết có nhiều thay đổi: bánh chưng không còn tự gói lấy mà là đi mua. Người ta cũng ngại ăn uống linh đình trong dịp Tết vì thời cả xã hội thiếu thốn đã qua rồi. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, ngày Tết cổ truyền vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt. Đó là thời điểm mọi người có dịp nhìn lại mình, nghĩ nhiều hơn đến những người thân, đến bạn bè của mình.

Khi nhắc về những kỷ niệm trong ngày Tết, vị giáo sư này như được tìm lại chính mình trong những năm tháng thơ bé. Đó đơn giản chỉ là được xem ba mẹ gói bánh và hì hục canh nồi bánh sôi sùng sục bên bếp lửa hồng. GS Hiệp kể lại: “Một nồi bánh thật to, nấu bằng gốc tre già, lửa rất đượm. Trước Tết khoảng 1, 2 tháng ba tôi thường tìm những bụi tre già, làng tôi tre nhiều lắm, vì có nghề đan mây tre đã mấy trăm năm nay, trục lấy các gốc tre, đem phơi, dành để nấu bánh Tết”.

Ngày đó, mấy anh chị em cùng lót rơm ngồi quây quần chung quanh nồi bánh hào hứng như bị ai tranh mất phần.  Ông nhớ lại  “Ngày đó, mấy anh em chúng tôi, đứa nào cũng nói là thức cả đêm để trông nồi bánh, giúp ba mẹ thêm gốc tre khô vào lửa. Nhưng mười lần thì giống nhau cả mười lần, chúng tôi đều lăn ngủ lúc nào chẳng biết. Đến sáng mai thức dậy thấy ba mẹ đã vớt bánh ra lúc nào rồi”.

Kỷ niệm này nhắc ông nhớ đến một đoạn trong bài hát rất phổ biến trước đây, nó làm sống lại cả một tuổi thơ ngày nào: “Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui / Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi /Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng /Trông bánh chưng ngồi chờ sáng / đỏ hây hây những đôi má đào”

Huế đón Tết: mong trời đừng mưa!


Sinh ra ở Huế, năm nào ông cũng về quê ăn Tết cùng ông bà. Đối với ông “Huế đón Tết rất đặc biệt, không giống ở đâu cả”. Đầu tiên là đón Tết mà mong trời đừng mưa. Mưa ở Huế có khi làm hỏng cả Tết, vì mưa ra mưa, đường sá lầy lội, ra ngoài là phải tơi nón đầy mình mới khỏi ướt.

GS Hiệp kể về nét đặc biệt không có ở đâu của Tết Huế. “Tết ở Huế thường hay mưa mới nghiệt chứ. Huế chẳng được như Hà Nội có mưa phùn lây bây chẳng đủ ướt người đi du xuân, chỉ đủ để tô điểm thêm cho mùa xuân  và làm các món ăn thêm ngon hơn, ý vị hơn. Huế cũng chẳng được như Sài Gòn Tết mà nắng chảy mỡ ra, chẳng bao giờ phải ngại trời mưa”.

"Ước gì Tết cùng nắng đẹp như thế này" - GS Nguyễn Văn Hiệp tâm sự

Nhưng có lẽ vì Huế hay mưa vào dịp Tết mà những người con của Huế càng thấy Tết ở quê mình thật đặc biệt. “Những cái Tết trời không mưa thường được nhắc mãi, kiểu “Bao giờ cho đến ngày xưa” ấy” - GS Hiệp cười tươi chia sẻ.

Năm nay cũng như mọi năm, chiếc xe lại lăn bánh đưa gia đình về mảnh đất cố đô Huế thơ mộng, để ông lại được tận tay gói những chiếc bánh chưng cho năm mới, được thức trắng đêm canh nồi bánh như thuở xưa.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn