Các trường dân lập 'phản pháo' Nam Định

Giáo dụcThứ Hai, 24/10/2011 06:43:00 +07:00

(VTC News)- Quyết định không tuyển công chức với người tốt nghiệp dân lập, tại chức của tỉnh Nam Định khiến lãnh đạo các trường ĐH này 'phản pháo' mạnh mẽ.

(VTC News) - Quyết định không tuyển công chức với người tốt nghiệp dân lập, tại chức của tỉnh Nam Định khiến lãnh đạo các trường ĐH này 'phản pháo' mạnh mẽ. Phải chăng Tỉnh Nam Định đã đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước?

Quyết định này của tỉnh Nam Định như một “đòn đau” giáng thẳng vào hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Xung quanh quyết định này, những người trong cuộc nghĩ gì?

   

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn 
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH ThànhTây cho rằng quyết định của Nam Định vừa qua đứng về tư duy hội nhập là không ổn.

Ông Tạn nhấn mạnh: “Nam Định phân biệt đối xử với sinh viên (SV) dân lập như vậy không đúng vì Luật Giáo dục đã công nhận bằng cấp của các loại hình đào tạo công lập, tư thục, dân lập đều như nhau. Nếu không tuyển SV tốt nghiệp trường tư thục thử hỏi trên thế giới như Mỹ toàn trường tư thục thì có tuyển không. Cách nhìn nhận như vậy nếu đứng về tư duy hội nhập là không ổn, lỗi thời và định kiến”.

“Nam Định đưa ra cách tuyển như thế nào thì quyền của Nam Định nhưng đưa ra quy định không nhận SV dân lập, tại chức là không đúng gây nên sự hiểu lầm đối với xã hội và kể cả đường lối giáo dục xã hội hóa cũng bị hiểu nhầm. Đường lối của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi người được học”, ông Tạn nói thêm.

   
GS-TSKH Hoàng Trọng Yêm 
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Trọng Yêm (Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định – nơi có sinh viên tốt nghiệp vừa bị loại khỏi danh sách thi công chức ở Nam Định trong thời gian vừa qua) có ý kiến: “Trường chúng tôi không có suy nghĩ là sẽ đào tạo công chức mà mục đích là đào tạo nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiêp... Công chức mỗi năm chỉ được vài người thôi vì vậy việc Nam Định không tuyển dân lập trong khi trường tôi là trường Dân lập thuộc tỉnh nó cũng không ảnh hưởng lớn gì đến trường cả”.

Ông Yêm còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để sớm thay đổi được sự nhìn nhận của xã hội về hệ thống trường dân lập”.

   

PGS-TS Trần Hữu Nghị 
Gay gắt hơn, PGS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng  cho rằng vấn đề của Nam Định nóikhông với bằng tại chức, liên thông thì cần phải đưa lên tầm Quốc hội xem Luật giáo dục đại học của chúng ta đã ổn chưa? Tại sao lại dẫn đến tình trạng này?

Ông Nghị cũng đề xuất: “ nếu Nam Định muốn chọn người giỏi thì nên làm như cha ông chúng ta ngày xưa: Không cần biêt biết anh ở đâu học ông đồ nào, chỉ cần anh vượt qua được các đề thi thì anh sẽ được trọng dụng. Như thế mới là làm đúng theo cái lý của anh.

“Hãy xem lại mục đích tuyển dụng của anh, anh chọn người tài hay anh chọn cái hệ thông đào tạo ra nó? Việc không dụng bằng dân lập, tại chức là anh đã đi ngược lại mục đích xã hội hoá giáo dục của Nhà nước”- Ông nghị khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Phong, phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chất lượng giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Xuân Phong 
Ông Phong cho rằng, nhà tuyển dụng chọn sinh viên trường nào để tuyển cũng là chuyện bình thường nhưng mà phân biệt rất thô giữa khối công lập và dân lập như vậy không được. Trên thực tế hiện nay rất nhiều trường dân lập đã vượt trường công. “Với trường ĐH FPT, tôi tự tin là chất lượng đào tạo đã vượt được một số trường công tốp đầu”, ông Phong chia sẻ.

Theo ông Phong, về phía trường ĐH FPT, không lo ngại về việc tuyển dụng vì đối tượng sinh viên của ĐH FPT rất ít khi vào công chức mà chủ yếu vào doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp thì không sợ vì họ không quan tâm việc sinh viên tốt nghiệp trường nào ở Mỹ hay Việt Nam mà quan trọng người đó có đáp ứng yêu cầu họ đưa ra hay không.

Ông Phong cũng chia sẻ quan điểm của bản thân mình: “Lý giải như lãnh đạo Nam Định do chất lượng đầu vào các trường dân lập thấp. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào cũng quan trọng nhưng nó không phải tất cả vì các em học sinh ngoài việc học trong trường thì điều quan trọng nhất các em học ngoài nhà trường, do vậy không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chính cho chất lượng giáo dục đại học”.

Bà Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT: Nam Định làm như vậy không đúng. Đối với Luật Giáo dục đã không phân biệt trường công lập và dân lập. Ngay cả Luật Giáo dục đại học sắp tới cũng không có sự phân biệt. Khi xây dựng Luật Giáo dục đại học, đã có ý kiến cho 1 Chương riêng cho trường dân lập nhưng chúng tôi nghĩ không cần thiết vì đã công nhận bằng cấp thì luật như nhau.

Biết rằng mục tiêu tuyển dụng phụ thuộc vào nhà tuyển dụng nhưng nếu nói sinh viên dân lập không bằng công lập thì không đúng. Hiện nay có nhiều trường dân lập tốt như ĐH Thăng Long, ĐH Văn Lang, ĐH FPT..., không nên đánh đồng chung như vậy

Bạn đọc nghĩ gì về cách làm của Nam Định trong việc xét tuyển công chức? Liệu quyết định này của Nam Định có bị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội Vụ "thổi còi"?  Ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn